Pippi Tất dài, cô gái tóc đỏ nổi tiếng trong cuốn truyện cùng tên của nữ văn sĩ Thụy Điển Astrid Lindgren vừa tròn 70 tuổi. Nhiều thập kỷ qua, cô đã trở thành nhân vật khuôn mẫu cho trẻ em trên khắp thế giới.
“Xin chào, tôi là Pippilotta Viktualia Rullgardina Peppermint Efraimsdotter tất dài!”. Bất cứ khi nào giới thiệu bản thân với đầy đủ tên gọi, Pippi cũng phải mất nhiều thời gian như thế. Điều này không chỉ xảy ra với phiên bản truyện bằng tiếng Anh, mà còn với 100 ngôn ngữ khác.
Khuôn mẫu lý tưởng của nhiều độc giả trẻ
Nhân vật hư cấu này được “sinh ra” ở Thụy Điển hồi năm 1945. Nữ văn sĩ Lindgren đã cho ra đời câu chuyện về Pippi khi ngồi bên giường bệnh chăm sóc cô con gái nhỏ Karin bị viêm phổi.
Trong Pippi Tất dài, Pippi là một bé gái 9 tuổi, khoẻ mạnh nhất, sáng dạ nhất và giàu nhất thế giới. Pippi có tính cách hoàn toàn trái ngược so với các cô gái Thụy Điển lúc bấy giờ.
Nữ văn sĩ Thụy Điển Astrid Lindgren, tác giả tiểu thuyết Pippi Tất dài
Ngày 21/5, Karin đã nhận được quà sinh nhật từ mẹ. Đó là bản thảo đầu tiên về những cuộc phiêu lưu của Pippi Tất dài. Kể từ đó đến nay, cuốn tiểu thuyết này đã tiêu thụ được 66 triệu bản trên toàn thế giới. Chỉ riêng ở Thụy Điển đã có hơn 40 bộ phim được dàn dựng theo tiểu thuyết và có 7 nữ diễn viên thủ vai Pippi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao một cô bé với đôi tất dài chưa từng có và một chiếc váy tự may như Pippi lại thu hút được nhiều độc giả đến vậy? “Pippi Tất dài là một người hùng thực thụ của trẻ em” – giáo sư tâm lý Alfred Gebert nhận định – “Các bé gái đặc biệt đồng cảm với Pippi”.
Pippi táo bạo và biết giúp đỡ mọi người. Cô bé có tính cách mạnh mẽ và có khả năng đạt được bất cứ thứ gì mà mình muốn. “Nhiều phụ nữ ngưỡng mộ Pippi Tất dài khi còn nhỏ và họ chịu ảnh hưởng tính cách của Pippi. Sau này họ vận dụng tính cách đó khi làm việc, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với đàn ông” – Gebert nói.
Herbert Scheithauer, nhà tâm lý thuộc trường Đại học Freie ở Berlin, cũng cùng quan điểm. Theo ông, không thể xem nhẹ sức tác động của các cuốn truyện tới quá trình phát triển tâm lý của trẻ em.
“Với Pippi Tất dài, đây là câu chuyện về việc có hay không tuân thủ các quy tắc, về sức mạnh và điểm yếu của con người, về tình bạn” – Scheithauer nói.
Có thể nói, Pippi hiện thân cho mọi điều mà trẻ em muốn có trong cuộc sống của mình: khả năng tự quyết, ưa mạo hiểm, sức mạnh siêu việt. “Trẻ em cần có những người hùng như Pippi Tất dài. Những nhân vật như thế giúp các em khắc phục được mọi khó khăn” – nhà tâm lý Svenja Luthge nói.
Tính cách của Pippi còn giúp những đứa trẻ có tâm lý bấp bênh trở nên mạnh mẽ hơn. Luthge giải thích: “Pippi mạnh mẽ như người lớn, mang tinh thần đấu tranh cho sự công bằng, luôn bảo vệ người yếu đuối. Đối với trẻ em, Pippi là một khuôn mẫu lý tưởng” – Luthge giải thích.
Hình ảnh Pippi Tất dài trong cuốn truyện của Astrid Lindgren
Tương lai của Pippi Tất dài ra sao?
Liệu trẻ em có băn khoăn hay không khi thấy một bé gái bằng tuổi mình lại có những khả năng khác biệt như thế?
“Hoàn toàn không. Trẻ em thích các nhân vật người hùng siêu việt. Bạn có thể thấy rõ hiện tượng này với nhân vật cậu bé phù thủy Harry Potter. Nhà văn Lindgren đã kích thích cái tôi của độc giả trẻ, bằng những hình ảnh tưởng tượng phi tự nhiên, trước khi nhẹ nhàng dẫn dắt các em trở lại với thế giới thực” – Wolfgang Bergmann, nhà tâm lý ở Hanover, khẳng định.
Bergmann cho rằng, trẻ em ngày nay trưởng thành trong các môi trường đô thị đang dần xa rời với thế giới thôn dã trong các câu chuyện của Pippi. “Đó chính là lý do tại sao tôi nghi ngờ, liệu còn có một thế hệ độc giả tương lai của Pippi?” – Bergmann nói.
Tuy nhiên, Luthge lại có cách nhìn lạc quan hơn: “Astrid Lindgren mô tả một tuổi thơ rất đặc biệt mà ít người được trải nghiệm. Hầu hết trẻ em ngày nay không được sống trong sự tự do như thế. Thật tốt nếu như chúng được chìm vào thế giới đầy mộng mơ ấy”.
Luthge cho rằng, Pippi còn có thể thu hút độc giả trong vòng 20-30 năm nữa. “Điều này sẽ xảy ra với điều kiện các bậc cha mẹ phải truyền con cái tình yêu với thế giới của Lindgren. Pippi Tất dài hiện thân cho sự can đảm, tình bạn và lòng thương người. Cô bé luôn chứng tỏ rằng, con người phải can đảm tìm mọi cách để vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là những gì mà chúng ta nên dạy cho các con mình” – Luthge nói.
Việt Lâm (Thể thao & Văn hóa)