“Cô ơi, con nói lại quy trình nhé: Một là mang chậu, hai là khăn bông, ba là quần áo mới, bốn là shampoo. Thế đã đúng chưa cô?” (trích câu chuyện đi… tắm).
Làm việc nhà giúp trẻ em thấu hiểu vai trò một thành viên thật sự của gia đình
“Cho con xem lại quy trình cầm chổi và quy trình hót rác với ạ. Thế còn lau nhà, mỗi lần lia giẻ là lau mấy hàng gạch ạ? Tiến hay lùi hả cô?” (trích câu chuyện quét và lau nhà).
Ở trại hè thiếu nhi chỗ chúng tôi năm nay, cái từ quy trình vang lên mỗi ngày, thậm chí mỗi buổi sáng trưa chiều tối trong ngày, ngẫm ra vừa buồn cười lại vừa thấy nhiều điều đáng nghĩ.
Những cơ hội bị lấy đi
Cuộc sống gia đình giờ đây thay đổi. Với nhiều nhà, trẻ nghiễm nhiên không có nhiệm vụ và cũng không… được chạm tay vào cái chổi, cái giẻ lau, cái thùng rác. Nhiều bà mẹ sợ con mất thời gian học tập, sợ con làm bẩn, bừa… đã tự mình làm cố thêm một chút hoặc thuê người giúp việc, mà không hiểu rằng đang lấy đi của con cơ hội được trở thành một thành viên thật sự của gia đình, một người chủ thật sự của căn nhà.
Các bạn nhỏ tham gia trại hè, hai ngày đầu cứ nhắc đến giặt quần áo, lau nhà… là uể oải vì không có thói quen. Sang ngày thứ ba, các bạn giành nhau chiếc khăn, cái chổi, phụng phịu: “Cô ơi, tại sao đội 3 được lau nhà mà đội con thì không? Sao chỉ có năm cái cây lau nhà thôi ạ?”… Điều đó chứng tỏ bọn trẻ hoàn toàn có thể hứng thú làm việc và có khả năng làm việc rất khéo. “Trăm hay không bằng tay quen” – nếu không cho chúng cơ hội làm việc thường xuyên thì đến bao giờ mới biết vén khéo việc nhà, để một ngày ai đó lại chê chúng lười, vụng, ẩu?
Khi tôi hỏi các con có quan sát mẹ làm việc này như thế nào không, tôi bất ngờ khi nhận được những câu trả lời phủ định. Có bạn nói: “Ôi con bận học lắm cô ạ, chẳng có lúc nào mà nhìn mẹ làm việc cả!”. Có bạn thì bảo: “Con chỉ thấy mẹ… chơi Facebook thôi, có thấy mẹ làm việc này bao giờ đâu!”. Trên thực tế, trăm thứ vất vả việc nhà mẹ đã làm từ lâu, lúc con học, con chơi, con ngủ. Điều này khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến hình ảnh xưa cũ của nhiều gia đình thời chúng tôi còn bé: ngày chủ nhật cả nhà tổng vệ sinh nhà cửa, bố đóng lại bàn ghế, mẹ dọn bếp, nấu đồ ăn, trẻ con lau cửa sổ, quét nhà… Những sự giao lưu tình cảm gia đình thông qua việc nhà như thế dường như bây giờ còn lại rất hiếm. Ai cũng đổ tội cho… thời gian!
Thời gian thật sự có tội gì?
Quả là chúng ta đang nhìn quanh để ngụy biện. Đơn giản là giáo dục gia đình giờ đây không còn là một phương pháp giáo dục được coi trọng trong xã hội. Người ta đổ xô đi học cách của “mẹ Hổ”, “mẹ Do Thái”, “mẹ Nhật”… mà những gì mềm mại tự nhiên, dạy mà như không dạy… của mẹ Việt Nam thì đã bị quên đi! Nhìn mẹ làm mà học. Cùng mẹ làm mà luyện tập. Hôm nay vụng thì ngày mai bớt vụng hơn. Hôm nay ngại thì tháng sau trở thành thói quen, không làm không… chịu được. Mỗi người trong gia đình nhận một trách nhiệm việc nhà, hỗ trợ nhau, góp sức làm căn nhà gọn gàng, sạch đẹp mỗi ngày – điều này nói thì dễ như trở bàn tay mà sao giờ đây lại là điều xa xỉ?
Đơn giản là chúng ta đã không dừng lại mà nghĩ. Chúng ta để thời gian trôi đi. Chúng ta không còn biết sắp xếp sao cho có những giờ dành riêng cho gia đình – khoảng thời gian ẩn chứa biết bao bài học quý cứ bị cắt ngắn dần, thậm chí đã “lơ đãng trôi qua”…
Nhiều ông bố, bà mẹ khoe với tôi: “Chúng tôi dành nhiều thời gian cho các cháu lắm đấy chứ. Đưa đi đón về các kiểu học thêm, cuối tuần đi dã ngoại, ngồi kèm con học mỗi tối…”. Như thế cũng thật là quý, nhưng đừng quên thời gian “làm việc nhà” cùng nhau! Con làm việc nhà không có nghĩa là con đang “giúp bố mẹ” mà là con đang được làm việc của mình. Không có quyền làm việc nhà, không được hằng ngày động vào cái giẻ lau, cái bồn rửa bát…, đứa trẻ chưa được sống đúng nghĩa là một thành viên trong gia đình.
Và chính vì thế các cháu mới cần những thứ gọi là quy trình mà tôi vừa kể. Cái gì cũng phải làm thành quy trình, từng bước, bọn trẻ học thuộc như học các công thức toán vậy. Việc nhà là một môn học mới, chúng quan sát bố mẹ làm việc, chúng được làm việc nhà thật sự, được tự lo cho bản thân khi đến tuổi… thì mọi tiếp thu tự nhiên cộng với thói quen sẽ tạo thành kỹ năng từ lúc nào chẳng biết.
Sau trại hè, chúng tôi đề nghị các em chọn một hoặc hai công việc mà các em tự hứa với bản thân sẽ thực hiện hằng ngày. Các bạn nhỏ hào hứng, hãnh diện lắm vì những việc ấy các em đã… thuộc quy trình. Tuy nhiên, sau vài ngày ở nhà, có bạn gọi điện than với tôi: “Cô ơi, mẹ em… không cho em làm!”. Thôi, thế là những quy trình mãi mãi chỉ là quy trình, giống như những công thức sẽ nằm lại trên sách vở nếu trẻ con học vẹt để trả bài thi.
TSGD Nguyễn Thụy Anh (tuoitre.vn )