Kết quả là cậu bé nhận được một trận đòn nên thân. Từ sau đó, khi cậu nhận được bất cứ món quà gì, bố mẹ cũng phải gần như ra lệnh cậu cho em bé (4 tuổi rưỡi) chơi cùng.
Trẻ có quyền được cáu giận hay không?
Con người không thể sống mà không có cảm xúc. Cảm xúc đồng hành với con người trong bất kỳ hoạt động nào của cuộc sống và chi phối hành vi của người. Người lớn cũng thế mà trẻ con cũng không thể khác. Hơn nữa, trẻ còn gặp một vấn đề lớn hơn: đó là nhiều khi chúng không thể gọi tên cảm xúc, không hiểu mình đang làm sao, đang thế nào, tại sao lại thế và làm sao để giải tỏa được cảm xúc này. Chúng không điều khiển được cảm xúc. Khác với người lớn, cảm xúc của con trẻ xuất hiện rất nhanh, dễ bùng nổ cao trào và cũng sẽ nhanh chóng được tháo gỡ nếu xuất hiện những “dữ kiện” khác của hoàn cảnh, những can thiệp từ bên ngoài. Chính sự “dạy” trẻ ở đây lại là: giúp chúng tìm hiểu cảm xúc của bản thân, gọi tên cảm xúc ấy, điều khiển được cảm xúc và từ đó điều khiển được hành vi của mình. Cho đến khi đứa trẻ học được – nắm vững được tất cả những quy tắc xã hội, quy tắc đạo đức, quy tắc đồng thuận với cộng đồng – thì các cảm xúc sẽ trở nên hài hòa, hợp lý, phù hợp với tư duy của trẻ.
Quay lại với trường hợp cậu bé nói trên, tôi cho rằng, người mẹ đã không đứng ở vị trí của cậu để hiểu cảm xúc của cậu. Một món đồ chơi thuộc sở hữu của trẻ, mất nhiều công sức xây dựng lắp ráp, nếu bị em bé phá hỏng, hẳn trẻ sẽ rất tức giận, nuối tiếc, buồn bực: Tức- Giận-Buồn là ba trạng thái cảm xúc khá mạnh, nếu bố mẹ và người xung quanh không thấu hiểu, không giúp cậu giải tỏa thì hành vi đánh em xảy ra là một điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tôi không cổ vũ cho việc cậu bé đánh em, nhưng cũng không đồng tình với bố mẹ cậu trong việc này. Trước khi muốn trẻ tôn trọng cảm xúc của người khác, hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ!
Một nhà tâm lý học người Nga từng nói với tôi, rằng không một ai có quyền phủ nhận hoặc phán xét cảm xúc của người khác. Có thể phán xét hành vi đúng hoặc sai, hợp lý hoặc không hợp lý, nhưng không được quyền và không thể phán xét cảm xúc mà con người phải trải qua. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Mỗi một cảm xúc của trẻ khi xuất hiện đều có lý do và việc ta phủ nhận sự tồn tại của cảm xúc ấy là một việc làm sai lầm, vô lý và không thể chấp nhận. Nó dẫn đến sự phản ứng ngầm của đứa trẻ mà chính nó cũng không lý giải được.
Chẳng hạn, cậu bé tức giận vì đồ chơi bị hỏng. Người mẹ nói: “Có gì mà phải bực mình! Ngày nào con chả làm được vài ba chiếc như thế!”
Đứa trẻ cảm thấy sợ hãi bóng tối, không muốn lên cầu thang một mình. Người bố giễu cợt: “Đàn ông đàn ang mà cũng sợ bóng tối! Có gì mà sợ?!”
Cô bé nhìn thấy bạn hàng xóm có búp bê Barbi rất xinh, thì đi ra đi vào, tỏ ra ghen tị. Cả nhà đều phê phán cô, cho rằng ghen tị như thế là không ngoan.
Tất cả những trường hợp nói trên, người lớn đã đúng theo logic của những người từng trải. Nhưng bản thân cảm xúc của đứa trẻ đã có, đã diễn ra và cần được hỗ trợ bằng sự thấu hiểu, diễn giải, an ủi, đồng cảm và giúp trẻ vượt qua chứ không phải bằng cách lên án, chê bai, khiến trẻ sẽ hoang mang, đồng thời khả năng tự đánh giá bản thân sẽ dần bị nhiễu loạn. Có đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến cả những hành vi của bé sau này, khi dần trở thành người lớn.
Giải pháp nào để cùng trẻ tìm hiểu và trải nghiệm cảm xúc?
1. Trẻ rất cần tìm hiểu cảm xúc của bản thân, từ đó hướng ra tìm hiểu cảm xúc của những người xung quanh, vì thế hãy cùng trẻ phân biệt cảm xúc, gọi tên cảm xúc thông qua những biểu hiện bên ngoài. Có rất nhiều bài tập có thể tiến hành cùng trẻ, thông qua những hành động đơn giản, giống như trò chơi giữa bố mẹ và con. Chẳng hạn, hãy cùng bé hình dung, tưởng tượng hoặc phân tích vẻ mặt, nét miệng, khóe mắt, cử chỉ, hành động, giọng nói – khi con người vui, buồn, phấn khởi, rầu rĩ, thương xót, tiếc nuối, nổi giận, đau khổ, giận dỗi, ghen tị, tự hào, kiêu hãnh, xấu hổ, sợ hãi, ân hận, thích thú, chán nản, buồn chán… Mỗi một trạng thái cảm xúc như thế lại có một loạt “triệu chứng”, biểu hiện. Trẻ có thể dùng lời nói, hoặc tự mô tả qua việc đóng vai, dùng tranh vẽ và dùng các đồ vật để thể hiện gương mặt người. Mẹ có thể cùng trẻ ngắm nhìn những gương mặt, dáng đi qua hình ảnh, tranh vẽ hoặc thậm chí qua cửa sổ để phỏng đoán xem người đó đang vui hay buồn, cáu kỉnh hay dễ chịu.
2. Dùng phương pháp Hỏi-Đáp để giúp trẻ tìm hiểu logic của các hành vi con người, tìm hiểu nguyên nhân của cảm xúc và tìm cách hỗ trợ việc giải tỏa cảm xúc.Việc này có thể làm được khi trẻ trả lời các câu hỏi:
– Vì sao?
– Có phải…?
– Làm thế nào để…?
– Thế nếu như… thì sao?
– Nếu là con… thì con làm gì?
Khi tưởng tượng ra tình huống cùng sự dẫn dắt của mẹ, trẻ vô hình trung đã tự đặt mình vào vị trí người khác để tìm hiểu cảm xúc, và đây là một bước quan trọng để có được sự đồng cảm của trẻ với mọi người xung quanh. Chẳng hạn: Vì sao cô Lan lại khóc thế nhỉ? Có phải cô bị ốm không? Hay là cô đánh mất cái gì? Hay cô bị đau, bị ngã? Làm thế nào để cô hết đau? Thế nếu như cô khóc vì giận anh Hải không nghe lời thì mình phải làm sao để an ủi cô? Nếu hôm nào đó mẹ khóc vì giận con, thì con làm thế nào?
Trẻ luôn hào hứng và sẵn sàng hỗ trợ người khác, cũng như tham gia vào trò chơi tình huống. Đây là những cuộc “tập dượt” quan trọng để trẻ có thể đối mặt với bất kỳ cảm xúc nào của bản thân mình trong tương lai.
3. Cùng trẻ tìm hiểu các nguyên tắc đồng thuận với cộng đồng và các nguyên tắc đạo đức xã hội. Dùng tranh vẽ hoặc các câu chuyện mô tả nhân vật. Để cho trẻ tỏ ra đồng tình hoặc phản đối một hành vi nào đó của nhân vật. Và cuối cùng, cùng trẻ chốt lại: “Thế phải thế nào là đúng và vì sao? ” Chẳng hạn, bức tranh vẽ một bạn đá bóng dưới lòng đường, mặc cho xe đi lại. Bạn khác đá bóng trong sân bóng. Kết luận: Nếu đá bóng dưới lòng đường thì sẽ có chuyện gì xảy ra? Cảm xúc của những người xung quanh sẽ như thế nào? Nếu xe va vào bạn nhỏ thì bố mẹ bạn ấy sẽ lo lắng ra sao? Bạn ấy sẽ sợ hãi thế nào? v..v…
4. Dùng những chi tiết hài hước để tạo và giải thích cảm xúc. Chẳng hạn, đưa hình vẽ một con voi to nhưng lại không có vòi mà có mõm bé như mõm lợn; hay một con bò lại có 4 chân của con mèo… Hỏi trẻ, cái gì không hợp lý và điều đó sẽ dẫn đến các hành vi của các con vật như thế nào? Những người xung quanh sẽ có cảm xúc ra sao?
5. Dùng các câu chuyện cổ tích hoặc truyện văn học để học cảm xúc thông qua các nhân vật của truyện. Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc đối với những nhân vật đó, đối với hành vi của các nhân vật.
6. Dùng hội họa và âm nhạc để gợi cảm xúc ở trẻ. Bức tranh/bản nhạc gợi buồn, gợi vui, gợi lo lắng hay gợi niềm hứng khởi…
7. Và một trong những cảm xúc rất quan trọng cần phải gợi được ở trẻ: đó là cảm xúc trách nhiệm với một ai đó, một công việc chung nào đó. Một cách không gây áp lực, bố mẹ có thể giao cho trẻ những công việc nho nhỏ như trước khi ăn cơm lấy đũa bát cho cả nhà; trông em bé trong vòng 10 phút; giao nhiệm vụ tưới 1 chậu cây; đề nghị trẻ hàng ngày để ý khi nào máy giặt giặt xong và kêu tít tít thì đi gọi người lớn để người lớn lấy đồ ra khỏi máy giặt. Thông qua những công việc nho nhỏ, là “trọng trách” của riêng bé, không ai được làm hộ và người lớn phải có phản hồi hàng ngày – sẽ xây dựng được ở trẻ cảm xúc có trách nhiệm. Và cảm xúc ấy chính là một trong những điều chi phối và điều chỉnh các cảm xúc tiêu cực khác của trẻ, một cách rất tự nhiên.
Một lần nữa xin nhắc lại, bất kỳ cảm xúc nào trẻ có được, trải qua, đều cần được trân trọng, thấu hiểu, và nhờ có chúng mà những đứa bé của chúng ta trưởng thành, biết cách xử sự đúng mực, hợp lý với cộng đồng, đồng thời có thể giữ được cái “Tôi” đáng quý của bản thân mình.
Bạn hẳn không muốn con mình trở thành một người bị người khác điều khiển, áp đặt chứ?
TSGD Nguyễn Thụy Anh (Mẹ và Bé, 1/2013)