– Lêu lêu, cái đồ béo phì tròn quay, lăn ra đây xem nào…
Nghe con gái lè lưỡi trêu một bạn trong lớp như thế, chị Hoà nhăn mặt khó chịu. Lúc về mới hỏi han con, thì cô bé hồn nhiên:
– Bạn A. lớp con, khiếp béo ơi là béo mẹ ạ. Kể ra bạn ấy cũng học giỏi, nhưng mà béo thì xấu lắm, con chẳng thích béo như bạn ấy.
– Con nhìn xem, mẹ cũng béo đây này…- Nhưng mẹ khác, con thấy bình thường…- Có thể con thấy bình thường vì mẹ là mẹ của con. Nhưng nếu ra đường mà bạn của mẹ trêu chọc mẹ như con thì mẹ sẽ buồn lắm.
– Thế nhưng bạn ý béo thật thì chả nhẽ mình bảo là gầy à?
Những hình huống tương tự có lẽ các bố mẹ cũng nghe thấy rất nhiều trong các câu chuyện xảy ra xung quanh chúng ta, từ đứa con yêu quý của mình. Có người cảm thấy khó chịu, có người lo lắng, sợ con mình trở thành những người vô cảm, nói lấy được mà không đếm xỉa đến cảm nhận của người khác. Có người thì cho rằng, trẻ con ấy mà, quan trọng gì, rồi chúng khắc tự điều chỉnh…
Vậy, thái độ người lớn thực ra nên thế nào để can thiệp kịp thời hoặc là… mặc kệ để cho cuộc đời “dạy” con mình với những bài học lớn hơn?
Mỗi người có một quan điểm riêng. Tôi chỉ muốn chia sẻ một góc nhìn rất cá nhân như thế này.
Ngôn ngữ ta dùng có quyền năng rất lớn. Nó có thể làm người ta vui vẻ, dễ chịu, truyền năng lượng tốt cho một ngày dài. Nó cũng có thể khiến người nghe mất hứng, thậm chí hoảng sợ, đau đớn. Cùng một sự vật, sự việc, bằng những từ ngữ mang sắc thái khác nhau, lời nói của chúng ta có thể đưa đến một tác dụng hay hiệu quả rất khác nhau. Điều này, đương nhiên là xuất phát từ mục đích của người nói, thái độ của họ đối với sự vật, sự việc ấy. Có những câu nói gây “thương tích” có chủ đích. Nhưng lại có những sự tổn thương từ một câu nói vô tình.
Tôi lấy ví dụ: Người bạn tôi hay mắng con khi chị đi làm về, thấy nhà cửa hoặc phòng của con bừa bộn, thay vì: “Sao con để nhà bừa thế? “ thì chị nói như thế này: “Phòng như cái ổ lợn thế à?” – có lẽ sức gợi hình ảnh của câu chữ chị dùng tác động cực mạnh ngay đến cảm giác của đứa trẻ, có thể gợi lên sự xấu hổ. Và đó, có thể là mục đích của chị, hoặc đơn giản chỉ là một cách dùng từ theo thói quen thôi.
Một ví dụ khác: Tôi có một người bạn gái. Ngày còn học đại học, bạn ấy gầy còm, như rất nhiều các cô gái chưa trổ mã khác. Hồi đó có anh bạn cùng lớp thường “âu yếm” gọi bạn là “cành cây di động”, “khúc củi di động”. Sau này bạn kể, mỗi lần đến lớp, sợ nhất là gặp anh bạn ấy. Hồi đó còn chưa đủ “đanh đá” để phản kháng. Bạn đã âm thầm chịu đựng, mỗi lần nghe thế là mỗi lần thấy mình khô khẳng xấu xí mà trên thực tế, bạn là một người dễ chịu, duyên dáng.
Nếu hiểu được điều này, tôi nghĩ rằng, không ai trong chúng ta lại muốn chính mình hoặc con nhỏ của mình vô tình đem lại tổn thương tinh thần cho người khác bằng những từ ngữ được dùng một cách hồn nhiên, vô tâm, không tính toán. Sự “hồn nhiên” ấy không đủ để ngụy biện cho những hậu quả mình vô tình gây ra cho bạn mình hoặc những người xung quanh mình, đôi khi là những cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, ngại ngùng, âm thầm đau khổ, cáu giận, tự ái, dễ nổi xung lên… để rồi chính ta lại phải đối mặt với những vấn đề kéo theo.
Chính vì thế, trong giao tiếp với trẻ, ta rất cần để tâm đến những sắc thái khác nhau của lời nói để trẻ sớm có sự tinh tế khi sử dụng chúng, sao cho những gì các con nói sẽ hợp lý, đúng lúc, có hiệu quả.
1. Khi trò chuyện với con, dùng từ chỉ đúng sự vật sự việc, không cường điệu, ngoa dụ, so sánh liên tưởng thái quá: so sánh, liên tưởng, phóng đại…là những biện pháp tu từ khiến cho ngôn ngữ của chúng ta linh hoạt và thanh thoát hơn. Nhưng trong giao tiếp với trẻ, nhất là trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo và một, hai năm đầu của tiểu học, hãy gắng tiết chế những biện pháp này, đặc biệt là khi phê phán hoặc nhận xét về trẻ hoặc một người mà trẻ quen biết.
Ví dụ: Ta phê bình trẻ “chưa làm tròn nhiệm vụ hàng ngày mẹ giao” hoặc “Chưa làm xong bài tập” chứ không “khái quát” một cách cường điệu: “Lười chảy thây”, “đúng là điếc tai họ sáng tai cày, bảo đi chơi là đi ngay mà bảo làm bài thì lờ lơ lơ đi”.
Hoặc: Ta nhận xét trẻ “hành động chưa nhanh nhẹn, viết bài còn chậm, cần tăng tốc hơn, tập trung hơn” chứ không ví von “ì ạch như con hà mã”, “chậm cứ y như đang quay phim quay chậm ấy”.
Trong quá trình đi học, trẻ dần sẽ học cách nói có các biện pháp tu từ để ngôn ngữ thêm phong phú, nhưng đồng thời đi kèm với việc học sử dụng chúng đúng lúc, hợp lý để gây hiệu quả mong đợi. Trong giao tiếp giữa người và người, cách nói này sẽ gây những ấn tượng tiêu cực đối với tâm lý người nghe. Trẻ hoặc sẽ âm thầm chịu đựng những cảm xúc mà bé không biết gọi tên (ấm ức, khó chịu, bực bội, xấu hổ) hoặc là sẽ phản ứng mạnh một cách tiêu cực.
Bố mẹ rất nên loại bỏ cách nói này khi trò chuyện với các bạn nhỏ của mình.
2. Mỉa mai, nói kháy, nói móc, nói dằn dỗi…
Trong cuộc sống, kiểu nói nào cũng cần biết và cần sử dụng đúng lúc. Tuy vậy, mỉa mai, nói kháy, nói móc, dằn dỗi… là những cách nói tối kỵ khi giao tiếp với trẻ nhỏ nếu chúng ta không muốn đứa trẻ của mình từ chỗ khó hiểu, bị “loạn” hướng, không biết người lớn có ý gì… dẫn đến bực bội, cáu bẳn, căng thẳng vì những từ ngữ hướng đến mình một cách không thiện chí như thế… và cuối cùng, nguy hiểm hơn, chúng quen dần và trở nên vô cảm với ngôn từ. Sau này, chúng có thể nghe những câu nói kiểu như thế dễ dàng hơn, không cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, và thậm chí, chúng bắt đầu dùng cách nói ấy với những người khác.
Và bấy giờ, bạn đã biến một đứa trẻ hồn nhiên thành một cô bé hay cậu bé hay “soi”, hay “chọc ngoáy”, có vẻ như thông minh sắc sảo, miệng lưỡi “có gai”, thú vị đấy nhưng chưa chắc đã khiến cuộc sống của chúng hạnh phúc, đặc biệt là trong các mối quan hệ xã hội gần gũi nhất như bạn bè, người thân.
Tôi lấy ví dụ thực tế: Cậu bé A. năm lên 3 tuổi, có lần nghe mẹ nói dỗi sau khi không bảo được con: “Thôi đấy, muốn làm gì thì làm! Tôi chẳng quan tâm…” – bé hiểu ngay thông điệp đó theo nghĩa đen. Bé làm loạn cả nhà lên, ai mắng thì tuyên bố: “Mẹ bảo muốn làm gì thì làm”…
Một cậu bé 8 tuổi con của người bạn tôi thì lại mắng mỏ em nó y hệt … ông bố, cũng đầy vẻ mỉa mai, gằn hắt: “Phá đồ chơi của anh thì thấy thích lắm hả? Sướng lắm hả? Đấy, còn cả đống kia kìa, đập đi, đập đi cho sướng….”. Thú thực, nghe những lời đó từ một đứa trẻ, nó cứ xót ruột làm sao ấy!
Một người khi đã trưởng thành có thể lựa chọn cho mình cách dùng từ ngữ, sắc thái thế nào, phong cách ngôn ngữ riêng của mình với tư chất riêng và phông văn hóa đã được định hình. Còn những đứa trẻ, mong sao bố mẹ không “can thiệp sớm” vào quá trình nói trên bằng cách dùng từ không cẩn trọng của mình với con.
3. Những từ mang sắc thái tiêu cực: cũng rất nên được cân nhắc khi nhận xét hoặc kết luận về trẻ hoặc về các hành động của trẻ. Ví dụ: hư, xấu, vớ vẩn, kém, dốt, ngu, ngớ ngẩn… Thay vào đó, hãy dùng những từ mô tả sát với hiện thực của hành động, sự việc hơn, tránh những “kết luận xanh rờn” hoặc tệ hơn là những từ vơ đũa cả nắm như “đồ”, “một lũ”. “Con nói chưa đúng sự thật” khác với “con là đồ nói dối”; “con hỏi câu hỏi này chưa hay lắm” chứ không phải “hỏi gì mà ngu thế!”… Chỉ một chút thay đổi cách nói cũng tạo ra khác biệt trong giao tiếp và đem lại cảm xúc hoàn toàn khác cho đứa trẻ hoặc người đối thoại.
Những đứa trẻ hay bị phê phán, nhất là bị phê bằng những từ ngữ “mạnh”, kiểu chụp mũ… sẽ có xu hướng nhìn những người khác cũng bằng ánh mắt khắt khe hơn, luôn nhìn ra cái tiêu cực mà ít nhận ra điều tích cực, hay ho, đẹp đẽ. Và đó cũng là một trong những điều cản trở trẻ có thể sống hồ hởi và hạnh phúc trong tập thể của mình.
4. Những bài tập
Ngôn ngữ của trẻ cần được trau dồi từ nhỏ để trẻ có thể cảm nhận được một cách tinh tế các sắc thái khác nhau của từ, tăng vốn từ vựng, phân biệt được tình huống sử dụng ngôn ngữ, phân biệt hài hước thiện chí với đùa ác ý, phân biệt được cái đẹp, cái phong phú linh hoạt của ngôn ngữ với những mỹ từ bóng bẩy rỗng tuếch… Muốn vậy, bố mẹ và các thày cô có thể đưa ra rất nhiều bài tập vui nhộn cùng chơi với trẻ mà công cụ là từ ngữ, những đoạn văn, những cuốn sách… Chẳng hạn, trò chơi tìm từ đồng nghĩa, tìm từ trái nghĩa. Hoặc trò chơi đuổi hình bắt chữ… Trò chơi vận dụng trí tưởng tượng để giải nghĩa một từ lạ. Trò chơi nhớ từ, nhớ câu… trong vòng mấy phút. Đặc biệt, những trò chơi ấy đều có thể chơi tập thể ở trên lớp hoặc cả gia đình, thắt chặt thêm cảm xúc và sự khăng khít trong giao tiếp giữa trẻ và những người xung quanh. Trong số sau của Mẹ và Bé, chúng tôi sẽ giới thiệu loạt trò chơi này cụ thể hơn cùng bạn đọc.
TSGD Nguyễn Thụy Anh