Home / Tư vấn - Chia sẻ / Sách – phương tiện giao tiếp tinh tế giữa cha mẹ và con

Sách – phương tiện giao tiếp tinh tế giữa cha mẹ và con

Một trong những điều làm nên một mối quan hệ xã hội là sự giao tiếp: trao đổi thông tin, nhận phản hồi và xử lý thông tin về “đối tác”, hiểu họ và cho họ hiểu mình, để điều chỉnh mọi hành vi của hai bên, sao cho mối quan hệ ấy càng được củng cố bền vững hơn.

Thế thì, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự giao tiếp – các hành vi giao tiếp và cách thức giao tiếp – cũng có ý nghĩa như vậy. Và sách, kỳ diệu thay, có thể là một phương tiện giao tiếp, hơn thế nữa, một phương tiện tinh tế để đạt được những điều tinh tế trong mối quan hệ xã hội đầu tiên của đứa trẻ. Qua việc đọc sách cùng con, bố mẹ có cơ hội hiểu con thích gì, đang quan tâm đến điều gì, có những khả năng đặc biệt nào, có gì cần hỗ trợ. Ngược lại, bố mẹ có thể thông qua việc cùng con đọc sách để gửi gắm những bài học nhỏ, những hướng dẫn về kỹ năng sống, hướng dẫn cách học và điều chỉnh cảm xúc của con, đồng thời có cơ hội cho con biết nhiều “thông tin” về cảm xúc của bản thân mình: những lo lắng, mong muốn, tự hào, vui sướng, buồn khổ… mà không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền đạt lại với trẻ. Mục đích cuối cùng là, bằng việc sát cánh, đồng hành cùng con qua những trang sách ấu thơ, bố mẹ xây dựng được mối đồng cảm giữa hai thế hệ, hướng dẫn con cách sống, cách đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống, tìm ra được cách tiếp cận con tốt nhất và tinh tế nhất.

Thế nhưng, để đạt được mục đích cuối cùng tốt đẹp ấy, chính các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho mình kỹ năng: Kỹ năng đọc sách, kỹ năng sử dụng và “khai thác” sách, kỹ năng chọn sách cho con và cùng con vui với sách. Làm thế nào để xây dựng thói quen đọc sách? Làm thế nào để sách luôn là người bạn ấm áp, tin cậy của đứa trẻ mà nó sẵn sàng chia sẻ cùng bố mẹ? Làm thế nào để việc đọc sách không cản trở việc học tập của con? Những kỹ năng gì con có thể nhận được từ việc đọc sách để trở thành một học sinh tự tin, vui vẻ, chủ động, sáng tạo và hạnh phúc?

Về những kỹ năng gợi mở cho con tình yêu với sách, chúng tôi đã từng trao đổi với bạn đọc của Mẹ và Bé. Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một kỹ năng khác: Kỹ năng khai thác sách: cụ thể là đề xuất một số dạng bài tập có thể áp dụng với trẻ lứa tuổi tiểu học khi cả nhà cùng nhau tiếp cận một cuốn sách để thông qua đó, hỗ trợ trẻ việc hình thành phương pháp tự học, đặc biệt là học môn Văn, đồng thời tạo được kênh giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và con cái.

 

1. Tìm điều bí ẩn giữa những trang sách

Khi cầm những cuốn sách nhiều chữ, đôi lúc các em ở lứa tuổi tiểu học vẫn còn rất e ngại. Chúng thích truyện tranh hơn cũng là chuyện dễ hiểu. Việc từng bước cho trẻ tiếp xúc với “truyện chữ” (tạm dùng từ ấy cho những truyện chữ nhiều hơn tranh minh họa), bố mẹ có thể có nhiều cách khơi gợi sự chú ý của con. Một trong cách đó là một câu đố hoặc bài tập cần tìm lời giải.

Chẳng hạn:

* Con hãy đọc 3 trang sách này trong vòng 10 phút hoặc nửa tiếng, sau đó nói cho bố/mẹ biết nhà văn đã dùng cụm từ “ông chủ cần mẫn, chu đáo” để tả cái gì?

* Con hãy đọc chương đầu tiên của cuốn sách này và sau đó kết thúc những câu sau hộ mẹ. (mẹ sẽ nhặt khoảng 5 câu trong chương sách đó, viết một mệnh đề và để trẻ điền thêm cho trọn vẹn)

* Con hãy đọc 2 trang đầu và cho mẹ biết tên tất cả các nhân vật xuất hiện ở hai trang ấy, không được dùng bút ghi mà phải nhớ.

* Con hãy đọc 3 trang này và chú ý đến các từ chỉ màu sắc. Sau đó con sẽ liệt kê những từ ngữ dùng để chỉ màu sắc mà con nhớ được.

… Những trò chơi như thế nên có sự tham gia của cả gia đình. Nếu bố và con cùng thi đua, mẹ là người ra đề, thì trò chơi sẽ thú vị hơn nhiều. Đây là cách luyện cho trẻ đọc có mục đích khiến tư duy trở nên linh hoạt và dễ học thuộc các chi tiết quan trọng khi trẻ học các bài học thuộc lòng.

2. Học bằng từ khóa

Đây là một kỹ năng rất có lợi cho việc học tập trên lớp, bất kỳ môn nào. Khả năng nhận biết từ khóa quan trọng sẽ khiến trẻ dễ dàng tìm kiếm thông tin và tiếp cận thông tin hơn.
Chẳng hạn:

*Bố/mẹ có thể đọc một đoạn văn ngắn, ban đầu là 3 câu, sau tăng lên 5-7 câu, và đặt câu hỏi: Trong đoạn này, những từ nào con cảm thấy quan trọng nhất, không thể thay thế? Nếu trẻ nhặt ra một từ, thì mẹ đề xuất các từ có thể thay thế… Cứ thế cho đến khi xác định được một hoặc nhiều từ khó thay thế, vì nếu thay thế sẽ nhận được ý nghĩa khác.

*Cùng con đọc một đoạn văn và nhặt những từ theo một chủ đề nhất định. Sau đó cả nhà thi nhau nói thêm những từ khác đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, ai nói được nhiều người đó chiến thắng.
* Cùng con nhặt một từ khóa trong đoạn văn và chơi trò đặt câu hoặc ngữ cùng với từ khóa ấy. Lần lượt thi nhau nói, ai bị bí không nói được khi đến lượt mình, người ấy thua.

3. Liên tưởng, đặt tên

Liên tưởng là một trong những bước quan trọng của cơ chế tư duy. Khi cùng nhau đọc một cuốn sách nào đó, bố mẹ có thể cùng con thi đặt tên khác cho nhân vật, dựa theo những đặc điểm tính cách hoặc hình thể của nhân vật ấy. Ví dụ: Nhân vật Nam trong truyện hay khóc nhè thì gọi là “Cậu nhè”, “Cậu mít ướt”; nhân vật Nobita – “cậu bé đãng trí”, “cậu bé hậu đậu”; nhân vật béo tròn có thể đặt tên là Khoai Tây, nhân vật gầy nhẳng có thể đặt tên là Bút chì..v..v..

Trò chơi này, với liều lượng vừa đủ, cũng khiến trẻ hưng phấn và quan tâm hơn đến cuốn sách đang đọc với các nhân vật của sách.

4. Phát huy trí tưởng tượng và quan sát

Đây là một trong những dạng bài tập trẻ sẽ tham gia tích cực nhất bởi đứa trẻ nào cũng thích tưởng tượng và quan sát.

* Đề nghị cả nhà nhắm mắt, mẹ đọc một đoạn văn để những người trong gia đình nhắm mắt nghe. Nhiệm vụ: họ phải tự vẽ trong óc mình những hình ảnh mà đoạn văn gợi ra, càng nhiều chi tiết càng tốt. Khi từng người tả lại bức tranh ấy, mẹ sẽ ghi lại vắn tắt những chi tiết có trong bức tranh, ai có nhiều chi tiết, người ấy chiến thắng.

* Cùng con đọc chương đầu, sau đó đố cả nhà đoán chương thứ hai sẽ có điều gì xảy ra. Cho phép trí tưởng tượng bay bổng nhiều nhất, cao nhất.

* Nếu con là nhà văn, con sẽ kết thúc thế nào…

* Đặt câu hỏi giả tưởng: Nếu lúc cô bé quàng khăn đỏ và Sói nói chuyện với nhau, mẹ tình cờ đi vào rừng nhìn thấy, sẽ có chuyện gì xảy ra…

5. Vẽ tranh

Đề nghị cả nhà vẽ một nhân vật nào đó trong sách, và sau đó so sánh các bức tranh với nhau. Trò chơi này đơn giản nhưng lại rất thú vị vì trẻ thường rất thích dùng hình ảnh để thể hiện những tưởng tượng của mình.

6. Vẽ sơ đồ tư duy

Đề nghị trẻ vẽ sơ đồ tư duy (mind map) cho một chủ đề nào đó liên quan đến cuốn sách. Chẳng hạn: sơ đồ các nhân vật; sơ đồ màu sắc, sơ đồ cây cối…

7. Kỹ năng đặt câu hỏi

Đây là kỹ năng khó và quan trọng để khai thác nội dung cuốn sách. Ban đầu, hãy cùng trẻ đặt câu hỏi cho từng câu, nhấn mạnh từ khóa quan trọng. Chẳng hạn:

*Hãy đặt câu hỏi cho câu: “Bởi tôi ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm”. Cùng con đặt câu hỏi để có thể nói được hết những thông tin trong câu.

* Đọc một đoạn văn và đặt 2 câu hỏi cho đoạn văn ấy, làm sao với hai câu mà nói được cả ý chính của đoạn văn.

* Chỉ lẩy một ý, chẳng hạn như “chóng lớn” – và đề nghị cả nhà đặt nhiều câu hỏi để có thể biết được dế mèn chóng lớn hay không? (Trước khi đặt câu hỏi, phải biết phân tích, thế nào là chóng lớn, và cứ bám vào những ý đó để hỏi. Có thể có rất nhiều phương án, tùy trẻ tưởng tượng bay bổng đến đâu. Ví dụ:

– Dế mèn dài ra mỗi tháng bao nhiêu milimet?

– Đầu dế mèn to bằng cái gì?

– Mẹ dế mèn có thể… bế được dế mèn không?

– Dế mèn có ăn nhiều lên không?

– Có bao giờ sau một tháng, mẹ đến thăm dế mèn lại không nhận ra dế mèn không?
v..v.. 

Còn rất nhiều các bài tập tương tự để chúng ta có thể biến việc đọc sách tưởng chừng là hoạt động cá nhân, đôi khi nhàm chán trở nên hoạt động hỗ trợ giao tiếp giữa bố mẹ và con cái, mang lại niềm vui, tiếng cười sảng khoái cho cả nhà, đồng thời rèn luyện được trí nhớ, trí tưởng tượng, phương pháp so sánh, phân tích, khái quát… để trẻ ngày càng nhanh nhẹn, nhạy bén hơn trong học tập và cuộc sống.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (03/2013)

About admin2

Scroll To Top