Home / Tư vấn - Chia sẻ / Sân chơi theo nghĩa đen

Sân chơi theo nghĩa đen

Trẻ con không cần quá nhiều để lớn. Có thể học ít đi một chút, xem tivi ít đi một vài giờ, ăn bớt đi vài món thừa chất. Nhưng luôn cần một sân chơi!

Sống ở một khu tập thể cũ của Hà Nội, căn hộ của chúng tôi tương đối nhỏ. Tôi còn nhớ một buổi chiều con trai đi học về, tôi bảo nó: “Ra sân chơi đi con, ở nhà xem tivi mãi yếu người đi”, thì bất ngờ thấy nó cười: “Mẹ nói sân chơi nghĩa đen hay nghĩa bóng?”.

Con trai khi ấy mới học được cách dùng nghĩa đen và nghĩa bóng của một từ. Nó không ngờ đã làm tôi chạnh lòng: từ khi nào trên báo chí và những người lớn chúng ta bắt đầu nói đến “sân chơi” của trẻ với toàn là nghĩa bóng?

Sân chơi hiền hậu

Đối với một đứa trẻ lớn lên bình thường thì từ “sân chơi” phải là nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng. Đó là một không gian được dành riêng cho bọn trẻ, có thể có lắp đặt các trò chơi ngoài trời như đu quay, bập bênh, cầu trượt, bộ luyện tập thể thao, khu vực chơi cát hoặc đơn giản là những khoảng cỏ xanh hoặc đất trống. Đó là nơi trẻ được chạy nhảy, được lớn lên mà không tiềm ẩn những nguy hiểm: không xe cộ làm phiền, không kim tiêm cần phải tránh.

Về mặt lý thuyết, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học cần có sân chơi để rèn luyện thể lực, giải tỏa năng lượng, điều chỉnh tầm mắt thoát khỏi những giới hạn không gian có hại cho thị lực của trẻ, và trên hết là nơi chúng giao lưu, học cách chơi cùng nhau bên ngoài thế giới gia đình và trường học, hướng tới sự cân bằng cảm xúc, xả stress…

Thế nhưng ở Hà Nội, tại khu tập thể của chúng tôi chẳng hạn, còn lại rất ít hoặc có thể nói là gần như biến mất những sân chơi hiền hậu – những khoảng không gian bằng phẳng nho nhỏ mà ngày bé tôi từng chơi ném lon, chơi bi, chơi “cắm phập”, “bắn bòm”, nhảy dây ở đó. Các con của chúng tôi say mê với những không gian rộng lớn hơn của thế giới phẳng trên mạng. Cũng chẳng sao, ở nhà càng an toàn!

Nhiều bố mẹ nghĩ vậy và tặc lưỡi để cho chúng học cách nhìn thế giới, cách giao tiếp với bạn đồng trang lứa, giải quyết mâu thuẫn và sắp xếp cuộc sống thông qua các trò chơi, các diễn đàn, những tình huống ảo xảy ra ở không gian ảo. Lớn lên một chút, chúng sẽ bằng lòng thể hiện mình qua các mạng xã hội… Và đó chính là những “sân chơi” theo nghĩa bóng.

Những sân chơi kiểu như thế cũng có những giá trị nhất định, nhưng không thể hoàn toàn thay thế sân chơi nghĩa đen đối với sự phát triển cân đối, hài hòa của trẻ.

Công viên, cung văn hóa, các vườn hoa, sân viện bảo tàng… là những sân chơi công cộng lớn cũng không thể thay thế được không gian chơi trẻ cần và có quyền được có ở gần khu nhà mình ở, nơi trẻ chạy nhảy bày trò chơi hằng ngày cùng nhau. Sân chơi ở khu tập thể quan trọng không kém gì trường mẫu giáo hay nhà trẻ đối với ký ức tuổi thơ và sự trưởng thành của các cô cậu bé.

Cách đây 2, 3 năm, tôi có nghe nói về dự án biến các bãi đất trống, bãi rác ngoại thành trở thành sân cộng đồng của Trung tâm hành động vì đô thị. Nhưng hình như hết dự án thì những hoạt động đó không được phát triển thêm nữa và trung tâm chuyển vào Hội An để xây dựng sân chơi cho trẻ ở đó.

Những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân dù với mục đích cộng đồng hay kinh doanh đều thật đáng quý. Thế nhưng kết quả vẫn sẽ chỉ rất manh mún nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Sân chơi tĩnh và sân chơi động…

Đương nhiên, những người lớn không vô cảm. Họ cũng phải hành động! Những năm gần đây, tôi nhìn thấy nhiều nỗ lực xây dựng sân chơi cho trẻ, từ những sân chơi nghĩa bóng là hoạt động bề nổi, các cuộc thi cho đến những sân chơi nghĩa đen đây đó được đầu tư. Những trang trại gần thành phố được mở ra, mô phỏng thiên nhiên và cuộc sống nông thôn, cho trẻ nhiều trải nghiệm.

Cách đây bốn năm, khi mới trở về từ nước Nga, lập câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, tôi đã nghĩ đến những “sân chơi tĩnh” – nghĩa là những sân chơi không cần không gian quá rộng lớn mà vẫn có thể diễn ra các hoạt động “chơi” và tiếp nhận thế giới. Đó chính là mô hình câu lạc bộ đọc sách. Những thư viện cộng đồng xinh xắn kết hợp với các hoạt động đọc sách và mỹ thuật tạo hình được hướng dẫn sẽ là một sân chơi tĩnh lý tưởng, là giải pháp tốt cho vấn đề “chơi” của trẻ ở đô thị.

Sau ba năm đi mượn địa điểm để tổ chức “sân chơi tĩnh lưu động”, chúng tôi đã có được trụ sở riêng của mình, rất bé nhỏ và cũng không phải là không gian chơi ngoài trời, nhưng đã tạo được sự gắn bó với các em nhỏ đến nỗi mỗi lần đến đó đọc sách, làm đồ chơi là các bạn giục bố mẹ: “Đến câu lạc bộ CỦA CON đi!”.

 

Với trẻ nhỏ, khẳng định sự sở hữu có ý nghĩa rất lớn cho cảm giác an toàn tâm lý và khả năng thư giãn, thoải mái thể hiện mình của chúng. Vì thế, chớ nên kết hợp sân chơi của trẻ với sân đa năng của người lớn mà phải, nói theo kiểu trẻ con, “riêng rẽ khỏe ăn”. Những góc đọc trong câu lạc bộ của chúng tôi đều sẵn sàng đón bạn nhỏ, như thể một góc quen thuộc ở nhà.

Một vài phụ huynh đã chia sẻ với tôi: “Nhìn hàng net mà lo, nhìn nhà sách mà mừng thầm!”. Nhà sách ở đây không phải là hiệu sách mà là ngôi nhà có nhiều sách. Trước đó, các bố mẹ không dám “thả” bọn trẻ ra đường, phần sợ xe cộ, phần lo những hàng net mọc lên dày đặc ở trong khu. Nhưng có mừng cũng chỉ dám mừng thầm thôi vì sợ… câu lạc bộ bị đóng cửa!

Những xưởng nghệ thuật, các câu lạc bộ khoa học, đọc sách, những khu nặn đất ở Bát Tràng hay tô tượng trong nhà… cũng là những sân chơi tĩnh thú vị để các bạn tự khám phá chính mình. Mùa hè nghỉ học là thời gian lý tưởng để xây dựng một “sân chơi động” cho bọn trẻ, bên cạnh những “sân chơi tĩnh” đã giữ chân chúng suốt cả năm.

Tôi muốn nhắc đến những buổi đi xa dã ngoại, học thực địa hay những trại hè sôi động, lôi cuốn, hướng trẻ ra với cuộc sống cùng thiên nhiên, đồng thời cũng tổ chức để hoạt động diễn ra lành mạnh, cùng tập thể – các bạn có môi trường mới để rèn luyện thích nghi với các vấn đề trong giao tiếp, ứng xử, học tập.

Năm nay, trại hè EcoCamp 2014 của chúng tôi sẽ diễn ra hai đợt, đón các bé về một nơi có núi có sông và trong vòng mười ngày các bạn chơi (tất nhiên rồi!), sinh hoạt theo chủ đề và… không thể thiếu sự lao động.

“Sân chơi động” nhấn mạnh vào sự vận động của trẻ, kể cả thể chất lẫn tinh thần. Tự tay làm, cùng hành động, cùng thí nghiệm, cùng xây dựng dự án, hoạt động thể thao, nhảy múa… Sau mỗi một mùa hè có sân chơi chu đáo như thế, các bạn nhỏ lớn phổng lên, rắn chắc ra, bố mẹ khen “người lớn hơn” và chính các bạn cũng nhận được những cảm xúc tích cực từ kỷ niệm…

Tôi may mắn có được một “sân chơi tĩnh” mà ngay cả trong ký ức, đôi khi tôi cứ ngờ ngợ về sự có thật của nó. Nó như một giấc mơ đẹp. Một thư viện cũ kỹ không có quá nhiều đầu sách. Một bác thủ thư già râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu, tay cầm chiếc đàn măngđôlin mơ màng tìm những nốt nhạc vui. Âm thanh réo rắt của cây đàn ấy đã khiến tôi cực kỳ ngạc nhiên và bối rối vì những tưởng tượng xa xôi.

Ngày đó, tôi học lớp 2. Thế giới sách đến với tôi sớm hơn nhiều, từ truyền thống đọc của gia đình, nhưng chỉ bắt đầu từ khi gặp người thủ thư già ấy, tôi mới biết cách nói về sách, chia sẻ cảm xúc của tôi với các bạn cùng đến đọc sách, hãnh diện khoe những gì mình nhớ sau khi đọc. Bây giờ, mỗi khi vô tình nhìn thấy những thư viện thiếu nhi bị khóa cửa, chỉ mở vào những ngày nhất định và sự buồn bã trầm mặc của nó, tôi lại chạnh nhớ đến sân chơi nhỏ bé ngày xưa của mình.

Với “sân chơi động”, tôi cũng may mắn có được một niềm vui sâu sắc cho cả tuổi thơ. Đó là năm 1988, tôi được đi dự trại hè quốc tế Artek ở Cryme (Liên Xô). Gần một tháng chạy nhảy, lao động, nhảy múa, tham dự tọa đàm… cùng các bạn nhỏ quốc tế, tôi… cao lên 3cm và trở về đầy hào hứng, tự tin vào con đường phía trước của mình.

Đó là một trong những lý do mà tôi quyết tâm cùng bạn bè, đồng nghiệp xây dựng cho trẻ những sân chơi “theo nghĩa đen”, để sải bước của chúng được rộng hơn, mắt nhìn xa hơn và tiếng cười vang bất tận.

Trẻ con không cần quá nhiều để lớn. Có thể học ít đi một chút, xem tivi ít đi một vài giờ, ăn bớt đi vài món thừa chất. Nhưng luôn cần một sân chơi!

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Theo tuoitre.vn)

About admin2

Scroll To Top