Thưa cô Thụy Anh, cháu có một suy nghĩ mà đến giờ cháu vẫn chưa có một câu trả lời thật chính xác. Không hiểu từ lúc nào nữa mà cháu đã thực sự yêu văn, đến với văn bằng cả trái tim. Điều này chắc cũng bởi sự tin yêu và nhiệt huyết của những người thầy mà trước đây cháu đã học. Chính lúc đó cháu đã có một ước mơ nho nhỏ đó là trở thành một cô giáo dạy văn miền ngược.
Luôn nhận thức rằng “Văn học là nhân học”, cháu mong muốn được dạy cho những đứa trẻ miền Tây Bắc, nơi chỉ toàn đói và khát, giúp các em có niềm tin cuộc sống. Nhưng cháu đã mất dần niềm tin vào nghề giáo cô ạ. Hồi đầu năm, có một cô giáo dạy Giáo dục công dân gọi cháu lên bảng trả lời câu hỏi. Cháu vốn là một đứa rất trầm, cô ấy nhìn cháu với một ánh mắt đầy ác cảm và nói: “Bạn này nhìn thì có vẻ ngoan ngoãn đấy nhưng lòng chưa chắc đã ngoan, đang đóng kịch, giả tạo”.
Cháu nhìn ra thế giới có rất nhiều người giữa nền kinh tế hội nhập và đạo đức nghề giáo họ đánh mất chính bản thân. Trường của cháu có một thầy giáo mà khi chưa học mà nhiều bạn đã kể thầy thường trù ẻo những học sinh không đi học thêm rồi nhìn mặt quen là cho điểm. Ban đầu cháu chẳng tin có một thầy giáo nào lại như vậy nhưng đến khi học thầy thì cháu mới thực sự tin. Thầy ấy dạy rất nhanh và hầu như không giảng gì cả. Nhìn lại mà cháu thực sự rất buồn. Buồn làm sao cho hết niềm tin đã trở thành dĩ vãng. Họ đã thực sự đánh mất đạo đức nghề nghiệp. Cháu tự hỏi bản thân rằng có nên đặt niềm tin một lần nữa không. Nhiền lúc tự biện minh rằng bản thân đã quá nhạy cảm khi nhớ đến câu nói của cô giáo dạy GDCD chăng?
Theo cô thì chữ “Tâm” của nghề giáo có bị mai một đi hay không?
Cháu mong cô trả lời và cháu cảm ơn cô thật nhiều!
Lê Thị Thảo (Lớp 9C, THCS Phạm Huy Thông, Hưng Yên)
——————–
Thảo thân mến,
Cô rất cảm động khi đọc thư em. Lá thư khiến cô nhớ lại, năm xưa, khi cô học lớp 10, cô cũng từng có nhiều tâm sự như em. Đã có lần, sự bướng bỉnh trong một học trò trong cô – điều mà cô giáo môn Giáo dục công dân của em nói đến (!) – cũng “nổi dậy” và cô đã viết mấy câu thơ như thế này:
“Trong đám đông, bên những người xa lạ,
Tôi nói cười mà lòng vẫn không vui,
Họ mỉm cười và họ cũng nhìn tôi
Như nhìn một người có lỗi!”
Em ạ,
Khi mình còn bé, mình luôn có những suy nghĩ trong trẻo về những người xung quanh, về cuộc đời. Lớn dần, em bắt đầu va chạm với những điều không vui, đôi khi khó chịu, cả thấy bị đối xử chưa đúng, chưa công bằng trong mọi mối quan hệ xã hội: với bố mẹ, thày cô, bạn bè. Điều đó không thể tránh khỏi và thế cũng có nghĩa là: Ta đã lớn. Em không còn lúc nào cũng hớn hở như các em bé nữa. Có lúc suy tư, có lúc nghĩ ngợi, buồn bực, thất vọng. Và thất vọng về những người lớn là sự thất vọng lớn nhất, có phải không? Vì chúng ta thường đặt lòng tin ở họ. Và cũng vì chúng ta thường nhìn họ khắt khe hơn…
Ảnh: internet
Cô không có ý định bào chữa cho những người thày của em đã làm em thất vọng. Cô chỉ muốn em nhìn mọi việc bằng con mắt tích cực hơn, của một người trẻ tuổi biết nghĩ sâu sắc và có ước mơ đẹp. Xung quanh ta có biết bao con người khác nhau và các cách ứng xử khác nhau. Ngay cả em, bạn bè em… cũng vậy: không ai giống ai và không phải lúc nào chúng ta cũng hài lòng về nhau. Vì thế, trước hết, để tránh những suy nghĩ tiêu cực, ta hãy nhìn nhận sự khác nhau này, bình tĩnh và không “sốc” trong mọi trường hợp.
Cô cũng không đồng tình với hai trường hợp thày cô em nêu ra. Hai người chưa có cách hành xử hợp lý đối với học sinh, theo những gì em mô tả lại. Tuy nhiên, thày cô cũng là con người. Đôi khi, một số thày cô không vượt qua được những cách suy nghĩ của con người bình thường với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi đối diện với học trò. Cô nhớ, ngày trước, một người bạn cô có bài thơ được in trong tập thơ Tuổi học trò của trường Hà Nội – Amsterdam, là bài: “Cuộc đời thường của các thày cô giáo”. Trong đó, cô ấy viết về những thông cảm của mình với thày cô khi biết, ai cũng gặp phải những vất vả lo toan trong cuộc sống mà đôi khi trở nên vô tâm với nhau, với cả học trò.
Thảo thân mến,
Vì qua thư em, cô cảm nhận, em đã chững chạc, có nhiều suy nghĩ trưởng thành so với lứa tuổi nên cô cứ viết chân thành và tin là em hiểu điều cô muốn tâm sự với em. Ngày trước, sau những thất vọng, cô lại nhận được nhiều hy vọng khác: đó là, khi cô nhìn xung quanh, cô lại thấy biết bao người thày tuyệt vời. Đó là thày giáo dạy Văn của cô, người dạy vừa hay lại vừa chia sẻ với học trò mọi buồn vui trong cuộc sống. Đó là một cô giáo dạy môn Sinh rất vui tính, nhưng nghiêm khắc và công bằng trong việc đánh giá học sinh. Đó là một cô giáo Hoá say sưa với môn học và sẵn sàng phụ đạo học trò khi khó khăn mà không lấy tiền học phí… Và nhiều người khác, mỗi người một vẻ, đều yêu nghề và tôn trọng học trò dù cách thể hiện khác nhau.
Vậy em hãy nhìn rộng thêm ra để nhìn thấy những hình ảnh tích cực khác trong các người thày của mình. Cô tin, em sẽ thấy.
Còn những gì đáng buồn hôm nay ta gặp phải, đó là những thất vọng đầu tiên sẽ hối thúc ta đi tìm niềm tin! Nếu cần, em hãy tâm sự với một người lớn mà em tin tưởng. Cô mong là em sẽ giải toả được phần nào những ấm ức chính đáng của mình.
Cô cũng từng vậy. Cô đã kể câu chuyện của mình, những băn khoăn lo sợ của mình cho thày giáo dạy Văn và thày đã phân tích, chia sẻ, hỗ trợ cô rất nhiều. Ngày đó, tuổi 15, 16 của cô thật ấm áp, hạnh phúc khi có những người thày như vậy. Và cô cũng đã trở thành một cô giáo, cũng yêu nghề và tôn trọng học trò như thày giáo của mình. Cô tin là vẫn còn rất nhiều thày cô như thế, những người giỏi nghề, xứng đáng với danh xưng “thày cô giáo” và được các em yêu kính, tin tưởng.
Vì thế, trong bài thơ cô viết ngày học lớp 10 mà cô nhắc đến trên kia, cô đã kết thúc thế này:
“Đứng ở cổng, nghe hồi trống thân thương
Thấy bóng thày đi lên thang gác
Bỗng ấm lại lòng tôi đang ngơ ngác
Tôi biết rằng mình phải bước tiếp thôi!
Tôi biết rằng thày sẽ giúp tôi…”
Chúc em vui và lấy lại lòng tin vào những điều đẹp đẽ trong cuộc đời, nhất là đời học trò đang phơi phới, tràn ngập ước mơ!
Cô Thuỵ Anh.