Mẹ định sẽ kể cho con nghe về cuốn sách thời thơ ấu của mẹ.
Viết cho con 8 tuổi
Con đã biết từ Hà Nội trên chuyến tàu rất dài sẽ đưa con về quê ngoại. Từ nơi tàu dừng đến nhà ông bà mình còn phải bắt một chuyến ô tô. Nhà ông bà ngoại gần con đê uốn lượn với triền cỏ dại, nơi mẹ con mình từng đi dạo ngắm cánh đồng mênh mông trong đôi mắt bé thơ của cậu bé là con.
Khi con đủ lớn con sẽ hiểu rằng quê ngoại nghèo. Ngày mẹ bé quê ngoại còn nghèo nhiều hơn nữa. Tuổi thơ của những đứa trẻ như mẹ ngày đó không có khái niệm những thứ đồ chơi như con bây giờ và cũng chỉ biết đến sách khi bắt đầu đi học lớp một. Lớp hai, mẹ đọc sõi rồi, đi khắp xóm tìm mượn sách, kể cả sách Văn, Tiếng Việt của các anh chị lớp trên để đọc truyện và thơ. Mẹ không còn nhớ mượn ai được bộ sách đó. Ký ức chỉ còn là “Tây du ký – Ngô Thừa Ân – trọn bộ 5 tập” và mẹ có Quyển 1 hay quyển 2 gì đó.
Đó là một quyển sách toàn chữ, hồi nọ nối tiếp hồi kia, mở đầu là những câu văn ngắn rất vần, kết thúc là những câu thơ ngắn về nội dung của hồi và một câu đại ý là: muốn biết chuyện tiếp theo thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
Truyện mở ra cho cô bé tám tuổi là mẹ một thế giới lạ lùng và hấp dẫn. Bây giờ mẹ tin rằng có rất nhiều thứ ngày đó mẹ chưa hiểu. Mẹ chỉ nhìn thấy một thế giới thật nhiều thần tiên, hàng loạt phép thần thông biến hóa kỳ diệu, những thần tiên cùng nhau trừ yêu ma. Mẹ còn chưa hiểu những ẩn ý sâu xa của tác giả, chỉ mơ màng hình dung ra một thế giới có rất nhiều người tốt, người ác kẻ xấu sớm muộn đều bị trừng phạt xứng đáng. Mẹ cũng mơ ước mình sẽ là người tốt, sẽ có sức mạnh để làm những kỳ tích.
Nhân vật mẹ yêu thích nhất là Tôn Ngộ Không: thông minh, tài giỏi và sống tình nghĩa. Con đừng hỏi Tôn Ngộ Không của mẹ với siêu nhân của con ai giỏi hơn ai. Mẹ không biết về siêu nhân, con ạ. Ngày đó mẹ chỉ nghĩ rằng mẹ sẽ không làm người xấu, dù không tài giỏi như Tôn Ngộ Không cũng sẽ tốt như Đường Tăng – Đường Huyền Trang. Mẹ không ghét Trư Bát Giới dù chẳng thích tính tham ăn của ông ta. Mẹ chỉ ghét lũ yêu quái độc ác chuyên đi hại người.
Cuốn sách ấy mẹ đã luôn cất giữ cẩn thận, giở ra đọc bất cứ khi nào có thể. Và rồi nó đột ngột biến mất. Rất lâu sau này mẹ mới biết có người đã lén đốt nó đi vì sợ nó không phù hợp với một cô bé 8 tuổi. Cả lúc đó lẫn sau này mẹ đều không trách ai cả, mẹ hiểu rằng hành động ấy xuất phát từ lòng tốt, cho nên dù nó có làm mẹ buồn, mẹ không đánh đồng với hành động của yêu quái hay người xấu tính.
Viết cho con 15 tuổi
Khi mẹ lớn, mẹ thấy rằng Tây Du Ký ghi lại quá trình Tôn Ngộ Không từ một con khỉ đá trải qua những biến động thật lớn lao trong thời gian dài, trở thành người của thế giới Phật; tương tự như hài nhi chào đời lớn khôn thành người.
Tôn Ngộ Không khi là chú khỉ đá hồn nhiên, thẳng thắn và không biết quy tắc lễ nghi xã hội. Chú khỉ nhỏ có tư chất và chưa biết sợ đó chỉ có tình yêu đời, muốn cuộc sống vui vẻ đầm ấm cùng đàn khỉ kéo dài mãi mãi. Chú không biết lúc chú học được 72 phép thần thông chú bắt đầu biết ham muốn giáp đẹp, binh khí tốt rồi đến làm quan. Chú không biết những thứ ấy dẫn chú vào các cuộc đấu đá, tranh giành. Chú cũng không biết tuy chú rất tài ba nhưng thế giới này vẫn luôn có nhân vật tài ba hơn chú. Chỉ đến khi theo Đường Tăng chú mới học được tính nhẫn nại, tôn trọng những quy luật tam giới và thành Phật. Dù gần kết thúc truyện vẫn còn tinh thần láu lỉnh thông minh của Tôn Ngộ Không, con có thấy tính cách nhân vật này đã trầm tĩnh và chín chắn hơn chú khỉ đá đòi thay Ngọc Hoàng làm vua Thiên đình rất nhiều?
Khi bắt đầu truyện, Tôn Ngộ Không đi tìm phép sống trường sinh để kéo dài cuộc sống đầm ấm vui tươi. Trải qua cả nghìn năm có lúc vào vạc dầu, khi vào lò luyện đan, chú có được cuộc sống trường sinh nhưng sẽ không phải cuộc sống bình dị vui vẻ bên đàn khỉ ở Hoa Qủa Sơn nữa. Cho nên, con đừng cứng nhắc với mục tiêu của cuộc đời, ví dụ như là phải vào đại học ở vị trí thủ khoa. Con cũng đừng quá cầu an mà hoảng hốt khi những nỗi buồn bất chợt ập tới. Thứ mẹ muốn có nhất của Tôn Ngộ Không chính là sự ham sống và luôn sống hết mình cho dù cuộc sống đem tới cho chú thử thách gì. Con thì sao?
Viết cho con 30 tuổi
Tây du ký… Có lẽ mỗi người đều có số phận. Con người (như Đường Tăng) sinh ra dường như đã mang sẵn trách nhiệm trả nợ lẫn phúc phận từ kiếp trước. Những người vốn là con trời con Phật vì tội lỗi phải đầu thai có thể khổ sở suốt kiếp người dù ở kiếp người họ luôn là một người tốt.
Tây du ký… Có lẽ phải đương đầu với số phận. Dẫu đã được sắp đặt sẽ trở lại thế giới Phật khi hết kiếp người, vẫn phải trải đủ 81 kiếp nạn, vượt qua nó, bầm dập và tổn thương mới trở lại được với thế giới linh thiêng.
Tây du ký… Có lẽ đừng tự hỏi tại sao mình ác với muôn loài khác, thế giới lúc nào cũng tồn tại yêu ma quỷ quái, chẳng ai muốn làm cái loài hạ đẳng đó, nhưng ai chọn được giống loài mình? Ma quỷ vẫn cứ làm điều ác bởi như thế mới là ma quỷ, và con người vẫn phải tàn nhẫn với ma quỷ để giữ lấy sự an toàn cho mình. Từ góc nhìn của lũ ma quỷ kia, con người có phải cũng là một loài tàn ác?
Tây du ký… Có lẽ đừng đi tìm chân lý hay công bằng. Nơi Đức Phật với hành giả ngự cũng vẫn có một thứ “luật” không hoàn toàn tránh khỏi “tham sân si”. Con người đáng thương sao tránh trời khỏi nắng? Nếu là Đường Huyền Trang gặp nạn mới có Tôn Ngộ Không đôn đáo tìm Thần Phật cứu giúp kịp thời, còn gia đình 3 người chết dưới tay Bạch Cốt Tinh họ đã có tội gì từ kiếp trước? Nhân loại chờ luật Trời công minh, nhưng ngay cả trên 9 tầng mây lẫn nơi Đất Phật đều vẫn còn tâm sự.
Tây du ký… Có lẽ chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng biết đâu là con mắt nhìn thấu 3 cõi của một người tương tự Đường Tăng?
Phải rồi, sự chia sẻ giữa mẹ và con là luôn luôn, không ngừng nghỉ. Một cuốn sách ấu thơ cho mẹ và con những bài học, qua mỗi tuổi trưởng thành. Tuổi lên 8. Tuổi 15. Và tuổi 30…
Bài dự thi “Cuốn sách ấu thơ của tôi”.
Linh Ngọc Gia Bảo