Thằng Phong đẻ sau cái Mít 28 ngày, thế mà người nhớn lại cứ bảo hai đứa cùng tuổi. Đã thế nó lại còn bắt cái Mít gọi nó là anh Phong. Cái Mít bĩu môi “Anh có mà anh cái dấm đài”.
Đã sáu tuổi rồi làm sao mà vẫn đái dầm nhỉ? Thằng Phong nghĩ – rõ là mình đái vào đúng gốc chuối, mà lại hoá ra là đái lúc nằm mê. Người lớn không đái dầm là do người lớn không bao giờ nằm mê đái vào gốc chuối. Thế thì nó phải thành người nhớn thì cái Mít mới hết chê.
Thằng Phong bắt chước người nhớn lên rừng đẵn cây, thực ra là nó lên quả đồi cạnh nhà nhặt lấy những cành bồ đề người ta tỉa xuống. “Ba cây!”… ít quá, nó lấy thêm cành nữa. “Là đàn ông thì phải vác ít nhất cũng phải là bốn cây”. Cành bồ đề chỉ bé bằng cái cán chổi mà nó thấy nặng quá, nó bước kiểu khệnh khạng giống như ông Tư công nhân lâm trường. Đến đoạn đường dốc nó ráng sức, bốn cây mà nặng thật, toát hết cả mồ hôi. Mặt nó méo xệch. Thoáng thấy bóng cái Mít nó làm ra vẻ như không “Thấy đàn ông chưa, đàn ông bao giờ cũng khoẻ như lực sĩ”. Cái Mít bĩu môi: “lực sĩ gì, có mà trông giống con vịt Đô Nan”. Nhưng mà có lẽ thằng Phong khoẻ thật – nó vừa vác củi vừa hát. Bài hát của nó chẳng biết nó học ở đâu:
“Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi đi sau rốt
Tôi xin kể nốt cái chuyện con voi
– Con vỏi con voi…”, mà cái bài hát này hay thật, cứ hát vòng vòng mãi không hết, ở nhà mẫu giáo chẳng thấy có bài hát nào như thế cả, bài hát này chắc là bà nó dạy nó, mà cái Mít thì không có bà, bà nó đã chết từ đời nảo đời nào. À! Nhà bác Tư có bà cụ Tư Tâm, bà có bài hát “Dưa chuột” cũng hát vòng vòng còn dài bằng mấy bài “Con voi”. Nghĩ vậy, cái Mít tìm đến bà cụ Tư Tâm…
Đến một buổi sáng biết chắc thằng Phong đang ở nhà, cái Mít bắt đầu hát. Nó hát to như hét qua phên vách, bên ấy có thằng Phong đang ngồi viết tập:
“Dưa chuột là ruột – ruột dưa gang
Dưa gang là nàng – nàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu – cậu bí ngô
Bí ngô là cô – cô đỗ nành
Đỗ nành là anh – anh dưa chuột.
Dưa chuột mà…” cứ thế nó hát vòng vòng. Thằng Phong biết, đầu tiên thằng Phong tủm tỉm cười, nhưng dần dần thì chuyển thành tức. “So với bài Con voi thì bài Dưa chuột đã ra cái quái gì” thằng Phong đỏ mặt lên:
– Đồ bắt chước: bắt chước sách nước rửa chân.
Cái Mít trả miếng ngay:
– Con trai mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ đái ra ồ ồ.
Mẹ tưởng tưởng là con con cá rô…
Cái Mít chưa hát hết câu thì thấy tiếng cửa đập sầm sầm. Thằng Phong nhảy vọt sang, cái then cửa yếu quá, cái Mít lấy cái cán chổi chắn ngang. Suỳnh suỳnh thằng Phong đẩy mạnh quá, cái chổi bật ra làm cái Mít ngã bổ chẩng “Ôi! Đồ đàn ông bắt nạt con gái”. Hai đứa vật nhau mặt đỏ khía. Cả hai cùng khóc, cùng cào cấu, cuối cùng thì vai thằng Phong bị sáu vết răng còn cái Mít thì bị dứt đứt bao nhiêu là tóc – người nhớn đi vắng cả chẳng có ai can.
Cửa nhà thằng Phong hôm sau có hai chữ “tớ kiềng” viết nguệch ngoạc bằng phấn. Cái Mít lấy than củi viết lên cửa nhà mình “kiềng đến tận lúc già bằng con cóc cụ”.
Đến lớp mẫu giáo cả hai đứa đều không thèm nhìn mặt nhau. Nhưng hôm ấy lại là ngày mùng một tháng sáu, cô giáo lại cho lớp chơi trò “Mèo đuổi chuột”, chả biết bắt thăm thế nào thằng Phong lại hoá thành mèo, còn chuột lại đúng vào cái Mít. Hai đứa phải đi vào giữa vòng của cả lớp. Tiếng trống ếch dồn rối rít: Tung…! Tung…! Tung. Hai đứa nhìn nhau xấu hổ, càng cố nín càng buồn cười.
– Bắt đầu đi! Bắt đầu đi! – Vòng người thúc giục.
– Meo…, meo…, meo! – Thằng Phong kêu.
Cái Mít “chít…, chít!, Chuột chạy rối rít. Các bạn vỗ tay reo hò ầm ĩ:
Bắt được rồi! Chuột chết rồi – cả lớp hô vang. Cả mèo và chuột đều lăn ra cười như nắc nẻ;
Đêm ấy chờ lúc không ai nhìn thấy, thằng Phong lẻn ra xoá hai chữ “Tớ kiềng” trên cửa. Nó vừa vào trong bàn thì thấy cái Mít chạy sang để vội lên bàn một củ khoai luộc rồi chạy biến về.
Nhà văn Vũ Quý