Cách đây khoảng 8, 9 năm, khi tôi còn ở Nga, có một thời gian, không hiểu sao tôi rất hay mơ thấy thày giáo dạy Văn thời cấp III của mình. Nhiều lần mơ thấy thày đang bị ốm, hay gặp một điều không may nào đó rất nguy cấp, rồi người ta đưa thày lên chiếc máy bay và tôi thì chạy ở dưới đất mà gọi thày. Sau này khi về phép gặp lại vợ chồng thày cô thì được biết, những ngày đó, thày của tôi bị tai biến và ốm nặng.
Không hiểu đó có gọi là thần giao cách cảm không, nhưng tôi hiểu, tôi đã rất gắn bó với người thày của mình, người có vị trí đặc biệt trong cuộc sống và sự trưởng thành của tôi.
Suốt cả quãng đời học sinh của một đứa trẻ, những người thày luôn để lại hình ảnh không thể thiếu bên cạnh bố mẹ, bạn bè, làm nên những thước phim tuổi thơ hoặc là đầy màu sắc vui tươi, hoặc có nhiều day dứt, trăn trở. Thế nhưng, có lẽ, đối với lứa tuổi bước vào ngưỡng dậy thì, những người thày dù muốn hay không còn mang một sứ mệnh quan trọng nữa. Thày cô là người đại diện cho cả thế giới người lớn trong mắt cô bé, cậu bé đang lớn, đang muốn khẳng định cái Tôi của mình trong khi cũng bối rối không biết thể hiện cái Tôi ấy thế nào giữa rất nhiều các mối quan hệ giằng níu.
Ngày tôi học cấp III, không mấy ai biết tôi đã trải qua một cơn khủng hoảng tuổi mới lớn, thể hiện rõ nét ở chứng đau đầu, đôi lúc đau lăn lộn tưởng chừng không chịu nổi. Chính tôi đến sau này mới hiểu tình trạng của mình ngày ấy. Trong những va chạm với thế giới người lớn, cô bé 15 tuổi bị mất phương hướng. Lứa tuổi luôn tuyệt đối hóa một điều, lại nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất so với các lứa tuổi khủng hoảng khác.
Tôi luôn được bố mẹ yêu thương, ủng hộ. Nhưng ở tuổi ấy, người ta cũng không tìm được cách nói hết mọi chuyện với bố mẹ. Vì thế mà chứng đau đầu của tôi kéo dài và ngày càng nặng. Và thày đã là người giúp tôi vượt qua chấn động tâm lý này.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh thày tôi lần đầu đến với lớp. Một người giản dị, đội cái mũ mềm nhìn rất buồn cười mà sau này chúng tôi hay gọi đùa là mũ phở của thày. Thày có nụ cười dễ mến, hút thuốc rất nhiều, giọng giảng bài nhỏ nhẹ, vừa nghe. Trước đó, tôi chưa từng học thày giáo dạy Văn nào có giọng nói nhỏ nhẹ như thế. Chính giọng nói nhỏ nhẹ nhưng truyền cảm ấy đã khiến cho buổi học đầu tiên của tôi với thày trôi qua đầy cảm xúc. Có cả tiếng cười, có cả những phút rưng rưng cảm động. Tôi còn nhớ, tối hôm đó về nhà, tôi say sưa kể mãi về buổi học này với bố. Có thể thày đã không ngờ được bọn trẻ phấn khích đến thế. Những ngày sau đó, thày hướng dẫn chúng tôi cách nghĩ, cách ghi chép, cách tư duy. Sau 9 năm học luôn được coi là học sinh giỏi Văn ở trường, lần đầu tiên tôi mới thấy thế giới văn chương thực sự đang mở ra với mình. Nói không quá lời, với tôi, việc học Văn trở nên sáng rõ, không còn mơ hồ cảm tính như chúng tôi từng học trước đó nữa. Thày là người đầu tiên dạy cho tôi PHƯƠNG PHÁP HỌC để có thể tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu. Với môn Văn phổ thông, có thể nói, với phương pháp ấy, tôi chưa từng phải ngồi ôn tập mỗi khi kỳ thi tới, kể cả những lần thi thử Đại học. Tôi nhớ mọi điều thày nói với chúng tôi. Nhớ cả lời khuyên của thày khi chúng tôi đi thi học sinh giỏi năm lớp 12. Năm đó tôi thi môn Nga. Trước khi vào phòng thi, thày dặn: “Hãy quên chuyện điểm số đi. Hãy chỉ nghĩ đến những gì mình có, mình biết, thể hiện mình hay nhất, say mê nhất”. Tôi luôn cho rằng, những điểm số rất cao trong các kỳ thi mà tôi đạt được một phần nhờ tôi đã làm theo lời khuyên này. Trong phòng thi, chỉ có sự say sưa chiếm lĩnh đứa bé, thấy mình đang vượt qua một thử thách, thấy mình đang thể hiện như một nghệ sĩ vậy, mà không một thoáng nào nghĩ đến thứ bậc, cạnh tranh, điểm số…
Nhưng trên hết, những bài giảng của thày luôn cho tôi một hướng nghĩ tích cực về cuộc sống, về con người, là những bài học đối nhân xử thế đầu tiên tôi lĩnh hội được một cách rõ ràng.
Với sự tinh nhạy của nhà sư phạm, thày đoán được những vấn đề của từng đứa trong chúng tôi và tìm cách hỗ trợ. Bằng những câu chuyện bên lề, những tâm tình giờ nghỉ, thày cho chúng tôi thông điệp: học sinh có thể tin cậy tìm lời khuyên ở thày trong bất cứ chuyện gì. Tôi cũng không rõ mình đã chia sẻ với thày như thế nào trong khi ngày ấy, tôi là đứa tương đối kín đáo, không hay nói. Chỉ còn nhớ cảnh thày im lặng hút thuốc, lắng nghe tôi giãi bày. Nhớ cảm giác an tâm mỗi khi thoáng thấy bóng thày dắt xe vào trường, vai đeo túi nghiêng nghiêng. Nhớ cả một vài buổi trưa ấm êm cùng ngồi quanh mâm cơm đạm bạc ở nhà thày cô, để thấy mình là đứa bé hạnh phúc nhất. Nhớ và giữ mãi tấm thiệp thày gửi tặng tôi nhân ngày 8/3 năm lớp 12. Trong đó, thày tặng một bài thơ nhỏ. Bài thơ cho tôi tin vào giá trị bản thân mình mà trước đó nhiều sự kiện không vui đã khiến tôi hoang mang, cho tôi thấy con đường giản dị trước mắt tôi sẽ bước qua, không còn lo sợ ổ gà, gai góc, thậm chí cũng không quan trọng lá hoa dọc đường. Bài thơ còn cho tôi biết, những gì tôi muốn làm, muốn nói mà không biết nói thế nào, sẽ có không ít người hiểu được. Và tôi đã tự tin để dấn bước vào con đường phía trước, biết chắc chắn mình cần gì, mình sẽ làm gì, sẽ học trường nào. Ngày đó, không nhiều đứa trẻ 17 tuổi xác định được “định hướng nghề nghiệp” một cách quyết liệt như vậy.
Còn tôi, tôi cũng từng viết tặng thày một bài thơ nhưng mãi sau này mới dám đề tặng: “Kính tặng Thày Vũ Xuân Túc”.
Tôi viết:
“…Trong đám đông, bên những người xa lạ
Tôi nói cười mà lòng vẫn không vui
Họ mỉm cười.
Và họ cũng nhìn tôi
Như nhìn một người có lỗi
Có lẽ tôi đã lạc vào thế giới
Của riêng người lớn?
Hay họ nhận ra rằng
Tôi vẫn chỉ là một cô bé con?
Đi tiếp ư?
Hay lại quay về?
Đã hết rồi mùa phượng đỏ, những tiếng ve
Ngôi trường cũ đang rộn ngày học mới
Giọt nước mắt rơi trên tay nóng hổi
Nhớ quá thày cô! Ôi nhớ quá mái trường!
Đứng ở cổng, nghe hồi trống thân thương
Thấy bóng thày đi lên thang gác
Bỗng ấm lại lòng tôi đang ngơ ngác
Tôi biết rằng mình phải bước tiếp thôi!
Tôi biết rằng thày sẽ giúp tôi… “
Tôi kể lại những kỷ niệm này không phải để “tôn vinh” một người thày vì thày tôi được tôn vinh từ lâu trong lòng rất nhiều thế hệ học sinh. Không chỉ một mình tôi được thày hướng dẫn, trao niềm tin trong những ngày nông nổi ngốc nghếch của tuổi mới lớn. Không chỉ một mình tôi giữ trong lòng những kỷ niệm bé nhỏ mà quan trọng đến thế với tuổi thơ.
Tôi viết để tự nhắc mình – một trong những người lớn – và nhắc những người lớn khác nhớ lại thời dễ khóc dễ cười mình đã trải qua quá lâu rồi, để hiểu, mỗi một cách hành xử của người lớn, mỗi một điều nhỏ nhặt họ chia sẻ với đứa trẻ, mỗi một lời từng được nói ra – tất cả đều được ghi nhận, đều mang một ý nghĩa nhất định trong việc khẳng định giá trị bản thân, lựa chọn con đường tiếp theo của cuộc đời đứa bé.
Sắp đến 20-11, nhớ Thày Cô của mình, thấm thía bài học làm người Thày đã dạy, và bài học sâu sắc hơn về việc nuôi dạy thế hệ trẻ mà chỉ đến khi nuôi con, dạy trò, mình mới hiểu ra.
Cảm ơn Thày giáo kính yêu của chúng em.
Nguyễn Thụy Anh