Thuở thơ bé, in đậm dấu ấn trong ký ức của mỗi chúng ta là những câu chuyện cổ tích. Từ giọng kể ngọt ngào của bà, của mẹ, thế giới diệu kỳ của những bà tiên, ông Bụt, cô Tấm, chàng Thạch Sanh, của cây khế “ăn một quả, trả một cục vàng” dần dần hiện ra, trở thành một phần không thể thiếu của thế giới tinh thần. Bởi vậy, cuốn sách mới ra mắt của Nhà xuất bản Kim Đồng mang tên “Thiện và Ác và Cổ tích” (Thủy Nguyên biên soạn, NXB Kim Đồng, 2018) không chỉ dành cho độc giả nhỏ tuổi, mà còn là tấm vé trở về tuổi thơ dành tặng cho bất cứ người lớn nào muốn sống lại những ngày tháng vô lo.
Cuốn sách là tập hợp của mười sáu truyện cổ tích và truyền thuyết quen thuộc, như “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, “Sọ Dừa”, “Tấm Cám”, “Cây tre trăm đốt”,… được kể lại theo một cách hoàn toàn mới. Thay vì sử dụng ngôi thứ ba như truyền thống, từng truyện cổ tích trong cuốn sách cuốn hút người đọc theo lời kể, góc nhìn của cả nhân vật chính diện và phản diện. Nhờ đó Thiện và Ác đều có thể xuất hiện và lên tiếng, tạo nên cách tiếp cận đa chiều. Ví dụ như truyện “Thạch Sanh”, hai nhân vật chính, đứng ở hai tuyến đối lập là Thạch Sanh và Lý Thông sẽ lần lượt đóng vai trò là người thuật lại câu chuyện, tạo nét mới mẻ trên nền cốt truyện quen thuộc.
Không chỉ có cách kể sáng tạo, cuốn sách còn thu hút độc giả nhờ tranh minh họa kỳ công, đẹp mắt, được thực hiện bởi nhóm gồm mười sáu họa sĩ với phong cách đặc trưng. Nếu như họa sĩ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên minh họa “Sự tích Quả dưa hấu” bằng bốn bức tranh đậm chất sử thi, bố cục khoáng đạt, bay bổng với sắc trầm chủ đạo thì những bức tranh minh họa truyện “Cây khế” của họa sĩ Phạm Quang Phúc lại khiến bạn đọc vô cùng ấn tượng với màu sắc tươi tắn, nét vẽ mang hơi hướng phong cách tranh dân gian, hồn hậu và tinh nghịch. Nhờ đó, “Thiện và Ác và Cổ Tích” (NXB Kim Đồng, 2018) không chỉ thổi làn gió mới vào truyện cổ tích xưa gắn liền với tuổi thơ, mà còn trở thành một bữa tiệc thị giác dành tặng bạn đọc.
Minh Trang (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)