Năm 1987, cuối lớp 7 – 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đi thi đọc thơ tiếng Nga – cuộc thi rất lớn kỷ niệm 70 năm CM tháng 10 do phân viện Pushkin tổ chức ở Cung văn hoá Việt Xô.
Hồi đó, tôi nhút nhát, tự ti, áo cũ của mẹ, quần pích-kê, nói gì cũng nhỏ nhẹ, cô giáo Liên chủ nhiệm còn phê bình và góp ý phải nói to lên, chỉ được cái giọng phát âm tiếng Nga khá tốt nên được chọn đi thi. Năm ấy đọc hai bài, trong đó có bài “Cánh buồm” của M. Iu. Lermontov. Cánh buồm là bài khó đọc. Bố tôi nghe con đọc, bảo, chưa ổn. Thế là bố cùng tôi luyện tập bằng cách… nói chuyện về những cánh buồm, về biển, về cảm giác của con người khi đứng trước biển, về khao khát tự do. Lần đầu tôi được nghe bố đọc nhiều bài thơ tiếng Việt viết về biển như thế. Ngày đó mới được ra biển một lần thôi …
Và đứa bé nhút nhát năm ấy đi thi đoạt giải Nhất khối chuyên Nga phổ thông và giải đặc biệt của báo Odessa buổi chiều. Giải thưởng đầu tiên liên quan đến thơ ca dường như biến tôi thành một người tự tin hơn, âm thầm giữ biết bao ước mơ nhỏ trong lòng. Những ước mơ lớn dần, trong đó có mơ ước được đến … Odessa, nơi có tờ báo Odessa buổi chiều đã trao giải cho tôi (một chiếc đài 60 Rúp!) năm đó. Rồi những cuộc thi tiếp theo, những giải thưởng, những kỷ niệm quý giá của thời thơ ấu.Tôi vẫn thầm cảm ơn các cô giáo ngày đó đã cử tôi đi thi dù tôi không phải là người nổi hay “hot”, là “ngôi sao” của lớp như nhiều bạn khác. (Hồi đó ở Lê Ngọc Hân có cả một dàn “Sao”- toàn các bạn giỏi, diễn kịch hay, mạnh dạn, năng động…). Tôi năm ấy khá trầm, chỉ rất yêu môn Văn, thích tiếng Nga, và có lẽ có vẻ hơi mơ mộng. Ý nghĩa của một hoạt động học đường đối với cuộc đời một đứa trẻ có thể rất sâu sắc, và cũng ngọt ngào như vậy đấy!
Vì thế mà, tôi nghĩ, với các hoạt động trình diễn trên Sân thơ Thiếu nhi, việc mời các bạn nhỏ clb Đọc sách cùng con và các bạn tác giả Cây bút tuổi hồng báo Thiếu niên Tiền Phong tham gia cũng sẽ có ý nghĩa tương tự. Nếu muốn chương trình “mượt thật mượt” và diễn chuyên nghiệp, có lẽ chỉ cần thuê các đơn vị chuyên biểu diễn cùng các diễn viên nhí đã quen luyện tập theo kịch bản, có bản lĩnh sân khấu là ổn. Còn đây, có những bạn khi xin cô giáo nghỉ học để ra sân thơ vào Ngày thơ, các cô còn ngạc nhiên vì ở lớp các bạn cũng không phải là các nhân vật xuất sắc, đáng chú ý!!! Ở câu lạc bộ, các bạn làm quen với việc đọc, được hướng dẫn để lắng nghe rung động của mình đối với tác phẩm, và bước đầu thấy đồng cảm với ngôn ngữ, cảm xúc của các tác giả. Vượt lên mọi ngại ngần, các bạn hào hứng muốn được thử lên sân khấu, được có mặt ở Ngày Thơ. Một nhóm bạn nhỏ sẵn sàng thu âm đọc đế kiểu đồng để làm nền cho những bạn lên sân khấu… Vẻ non nớt tươi mới của chúng ngày hôm ấy, nét hồi hộp, tập trung không giấu được đã khiến cho câu chuyện thơ chúng kể trở nên thuyết phục lạ lùng! Nhiều nhà thơ, nhiều khán giả lớn tuổi ngồi bên dưới đã rưng rưng, còn bọn trẻ cùng trang lứa thì phấn khích, có lúc cười rộ lên sảng khoái. Mỗi bạn nhỏ tham gia Sân thơ thiếu nhi, kể cả những bạn nhỏ đến xem, đều không biết rằng, chúng đã cống hiến cho Ngày hội Thơ chung của đất nước nét lung linh trong thế giới Thơ riêng tư của mình! Cảm ơn lắm, các bạn nhỏ của chúng tôi!
Hy vọng các năm sau nữa, đây vẫn sẽ là một sân chơi hồ hởi, hồn nhiên của những đứa trẻ, cho các em cơ hội được tham gia, được đến gần với thơ ca lâu nay đang dần xa rời bạn nhỏ vì sự gò ép cảm nhận để học, để thi…Trên sân khấu, các bạn lúng túng một chút, lộn xộn một chút, lăng xăng một chút… mới thật là đáng yêu!
TSGD Nguyễn Thuỵ Anh (Suy nghĩ nhỏ từ Sân thơ thiếu nhi “Reo vang bình minh” – Đường Xuân – Sân Thái Học, Văn Miếu 22/2/ 2016)