Từ trước tới giờ tôi vẫn nghĩ rằng tình thương — tức lòng yêu thương sâu đậm vô bờ bến — là điều gì đó chỉ có trong gia đình. Cùng lắm là có ở bằng hữu thân thiết. Nhưng tôi đã lầm.
Tôi ngộ ra điều đó từ khi bé con của tôi (“Bé Ong”) ra đời. Chúng tôi đã đến khám bác sĩ và các chuyên gia tư vấn, đã trải qua hàng giờ trong nước mắt và tiếng gào thét đến tuyệt vọng khi nhận được chẩn đoán tự kỷ của con. Chúng tôi không biết mình đã sai ở chỗ nào. Rồi chúng tôi bất ngờ khi thấy mọi người đến trước cửa mang theo thức ăn. Rồi mọi người đến giúp chúng tôi lau dọn nhà bếp và đem rác đi đổ. Mọi người đến nhà thuốc để lãnh thuốc kê toa giùm chúng tôi. Mọi người ghé qua chỉ để ngồi lắng nghe tâm sự của chúng tôi. Chúng tôi hầu như không quen biết ai trong số họ.
Vài tháng trôi qua như bóng câu qua cửa, và chúng tôi đón nhận sự tử tế đến độ thường nhật, từ những người tiếp tân đến các nhân viên xã hội, từ việc điều trị tại nhà cho tới các tổ chức cung cấp dịch vụ Can Thiệp Sớm của chính phủ. Những người bạn đã cố gắng giúp đưa chúng tôi đến với các dịch vụ hiện hữu, an ủi chúng tôi, và không bao giờ quên hỏi thăm chúng tôi, những bậc phụ huynh, xem tâm trạng chúng tôi ra sao rồi, có đỡ hơn không.Rồi có một người mẹ tốt bụng từ nhóm Không-Mua-Gì-Hết ở địa phương tôi, người đã hồi đáp lại lời cầu xin trong tuyệt vọng của chúng tôi về một cái nôi đưa (cho bé con của chúng tôi), vì cái nôi cũ của chúng tôi bị gẫy, còn Bé Ong thì không thể ngủ thiếu nó được. (Chúng tôi đã kiểm chứng giả thuyết này.) Hôm đó, cô ấy đã chạy xe qua nhà tôi, cùng với mấy bé con cô ấy ngồi đầy ghế sau, và để lại cho tôi cái nôi đưa thay thế. Ngay trên hành lang của tôi, trong khi tôi đang đưa Bé Ong đi khám theo lịch hẹn với bác sĩ. Thậm chí tôi đã không có ở nhà để cảm ơn cô ấy. Tôi còn không biết cô ấy là ai nữa.
À, tôi có nhắc tới việc cộng đồng thị trấn tôi đã quyên tiền để lắp một cái xích đu ở công viên địa phương, dành riêng cho trẻ em và người lớn bị khuyết tật chưa? Và nếu cộng đồng không quyên đủ, thì chính quyền địa phương sẽ bù vào chưa? Tôi cảm nhận được sự trợ giúp của cả cộng đồng này khi họ kiến tạo nên không gian sống mà con trai tôi và những người khác sau này sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái hòa nhập và khám phá.Tôi cảm nhận được tình thương sâu đậm đó một lần nữa khi tôi đến gặp người bạn mới để đi chơi cùng, người vừa dọn nhà đến đây vài tuần trước. “Chị quả là một bà mẹ tốt”, cô ấy khẽ nói, rất chân thành, trong khi tôi đang tự nhủ thầm, liệu mình có quyết định vội vã khi dẫn con trai mình tới nhà người khác mà trước sau gì thì bé cũng có một trận khóc hờn vì không kiểm soát được cảm xúc của mình.Chúng tôi sống tại một thị trấn nhỏ bao bọc bởi tình thương. Tôi từng kỳ vọng vào sự trợ giúp hết mực từ phía hàng xóm láng giềng, các tổ chức, các bà mẹ, và thậm chí cả chính quyền sở tại. Hóa ra chúng tôi là những người cực kỳ may mắn.Kế tiếp, chúng tôi rất lo lắng về việc đi ra ngoài cái cộng đồng bé nhỏ yên ấm của mình.
Nhưng ngày hôm qua, tình thương lại lặng lẽ xuất hiện, tại một thành phố, không phải thị trấn quen thuộc của tôi. Chúng tôi đã đến một trong những khu cửa hàng mua sắm lớn tại đó để mua nhu yếu phẩm (và nhờ đó hạn chế nhu cầu đi xa mua sắm được một thời gian). Quyết định mang Bé Ong đi theo tới siêu thị thường là chuyện bất đắc dĩ, chứ không còn là chuyện tôi muốn. Chúng tôi bước ra khỏi xe.
“Xe. Xe. Xe.” Bé la lên.
Tôi biết là mình đã “vô thế” rồi. Chúng tôi đành đến gần dãy xe đẩy màu đỏ ở cạnh tòa nhà khu mua sắm. Nơi đó khá chộn rộn. Người người ào ào đi lại. Xe hơi chạy ra chạy vô rần rần. “Xe! Xe! Xe!” Bé la lớn dần với giọng phấn khích tột độ.
Hít một hơi thật sâu, rồi tôi nói. “Nào, Bé Ong ơi, giờ cha mẹ sẽ đặt con ngồi vô xe để Mẹ đẩy con đi mua đồ, nha!” Tôi nín thở chờ đợi điều tôi biết chắc sẽ xảy ra tiếp theo đó. Tiếng la thét của bé bắt đầu; tôi thấy nhẹ nhõm vì chúng tôi đang đứng ở ngoài sân. Tôi khẽ đẩy xe đưa bé và tôi đến một khu vực ít người qua lại, phần vì bé nhưng phần lớn là vì tôi muốn tránh những ánh mắt xoi mói. Đó là chuyện xảy ra khi bé con của bạn hành xử không giống những đứa trẻ khác. Bạn sẽ bắt đầu để ý nhiều hơn đến những gì người ta nói và làm với bạn. Bạn sẽ bắt đầu lắng nghe mỗi lần có ai đó ở gần — một kẻ xa lạ nào đó vẫn còn đang học cách không đánh giá người khác — một kẻ đang muốn chứng tỏ họ vẫn còn cơ hội phát triển kỹ năng không quy kết người khác.
Và đó luôn là siêu thị, vì đó là không gian công cộng mà trước sau gì bạn cũng phải dẫn con bạn tới.Tôi thì thầm vào tai bé việc tôi sắp làm, hy vọng điều đó sẽ làm bé dịu lại. “Nào, giờ mẹ sẽ cài dây lại để con ngồi trong xe đẩy cho an toàn nhe. Khóa an toàn đây rồi. Cạch. Cạch.”
“Xe. Xe. Xe. Đau! Đau! Đau! Đau! Xe. Xe. Xe. ỒN! ỒN! ỒN!”
Lúc đó bé kêu thét lên. “Ở đây ồn quá, đúng không Bé Ong? Mẹ nghe thấy thiệt nhiều người, xe và xe. Đó, con nghe không? Rẹt, rẹt.” Tôi cố hết sức để giả tiếng kêu của cánh cửa điện tử mà chúng tôi sắp phải đi qua. “Đó chính là tiếng cánh cửa mở ra đóng vào. Chút xíu nữa mẹ con mình sẽ đi qua mấy cái cửa đó, và đi vào gian hàng để mua thực phẩm mà mình cần mua nhé.”
“ỒN! ỒN! ỒN!” và đột nhiên bé la lên, “Xe. Đạp. Lớn. Xe. Đạp. Xe. Đạp.” Tôi biết lúc đó bé nghĩ gì. Cửa hàng tạp hóa ở thị trấn chúng tôi có khu bán xe đạp đủ kích thước bày đầy vòng ngoài như hàng trang trí. Tôi tưởng đó là thứ chỉ có ở thị trấn nhỏ.
“Bé Ong à, cửa hàng này không có bán xe đạp đâu con.”
“XE! ĐẠP! LỚN! XE! ĐẠP! XE! ĐẠP!” Bé vẫn kiên trì la lớn. Suốt cả thời gian còn lại của chuyến đi, bé liên tục la ba chữ, “Xe.Đạp!”, “Ồn!” và “Xe!” Nếu chỉ có vậy thôi, thì chúng tôi hẳn đã coi đó là chuyến đi thành công.
Nhưng sau đó ai đó đụng phải chiếc xe đẩy. Thế là bé khóc toáng lên, một cơn bùng nổ dường như kéo dài bất tận, nếu bạn ở vào vị trí tôi lúc đó. Những tiếng nấc ngắt quãng bằng tiếng “Ồn!” và “Đau!”, xen lẫn bằng vô số tiếng “Không! Không! Không!” mỗi khi tôi cố dỗ bé.Người ta đứng nhìn chăm chằm rồi lần lượt tránh né chúng tôi. Họ lắc đầu. Là cha mẹ, bạn hẳn sẽ tự hỏi, có phải người ta cho rằng đó là lỗi của người làm cha mẹ như bạn hay không. Người ta bắt đầu nghĩ bạn đã truyền lại cho con cái gene không tốt. Rằng đúng ra, bạn không nên quyết định có con vì bạn không biết cách làm cha mẹ.
Haizzzz, tôi lạc đề rồi!
Khi tôi ngẩng nhìn lên, và tôi nhìn thấy cô ấy. Một người mẹ bên cạnh một bé con tuổi mẫu giáo, đang đứng nhìn. Tôi thì thầm vào tai Bé Ong cốt làm dịu bớt phản ứng hoảng loạn của bé. Người mẹ đó hơi nghiêng người xuống để nghe xem tôi nói gì. Cô ấy quan sát cách tôi lấy bàn tay áp vào hai bên sườn của bé để tạo ra áp lực sâu mà cơ thể bé cần để trấn tĩnh, và cách tôi dùng cơ thể mình làm màn chắn cho bé tránh khỏi tiếng ồn môi trường quanh chúng tôi. Cô bé con cô ấy cũng đứng đó, lặng lẽ quan sát chúng tôi.
Bảy phút sau đó, Bé Ong đã bình tĩnh trở lại, và lặp lại điệp khúc “xe đạp, xe đạp, xe đạp” của bé, điều mà tôi cho là một dấu hiệu cải thiện. Tôi lấy hết can đảm mà đẩy bé về phía mấy cái cửa kêu rẹt rẹt kia.
Cô ấy vẫn đứng đó. Không ngó chằm chằm. Không xoi mói vào tình cảnh khó khăn của chúng tôi. Mà đứng nhìn với đầy vẻ tôn trọng của một người quan sát, tự mình học hỏi, và có lẽ đang ôn lại đoạn đối thoại giữa cô và con gái cô về cách mỗi người ứng xử trước khó khăn thử thách khác nhau trong đời họ. Ánh mắt của cô ấy tràn ngập lòng yêu thương và sự khích lệ.
Rồi cô ấy chạm phải ánh mắt của tôi và mỉm cười với tôi, một nụ cười hàm chứa mọi điều cần nói:
“Ở ngoài kia còn nhiều người như chúng ta nữa, chị có biết không. Nếu chị thấy cuộc sống của chị trở nên quá sức chịu đựng, chúng tôi sẽ mang đến tặng chị bữa tối rồi giúp chị dọn dẹp nhà bếp. Và tôi nhận thấy bé con của chị đang phải trải qua thời điểm khó khăn, còn chị, chị không sao chứ? Chúng tôi sẽ để lại cái nôi đẩy hoặc thứ này thứ kia ngoài hành lang trước nhà chị, nếu chị không ghé lấy được. Tôi không phiền gì đâu. À, và chị cũng đừng lo lắng nhé, chúng tôi đã quyên góp để dựng lên chỗ vui chơi phù hợp với người khuyết tật ở tại công viên chúng ta — để bé con của chị đến chơi lúc nào cũng được.
Xin chị nhớ rằng, chị có bạn bè bằng hữu khắp nơi, chứ không chỉ tại quê nhà chị.
À, mà chị biết điều gì nữa không?”
Cô ấy gật đầu chào bé con của tôi, trong lúc điệp khúc của bé vẫn chưa dứt, rồi cô ấy mỉm cười lần nữa.
“Chị đúng là một người mẹ tốt.
Một người mẹ rất tốt.
Tôi nói thật lòng đó.”
“Cảm ơn Mẹ!”, tôi lặng lẽ cười đáp lễ. “Cả chị cũng vậy.”
Danielle Bee – Người Sài Gòn dịch ( Nguồn: http://themighty.com)