Bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học tổng hợp Sư phạm Moscow (Nga), Nguyễn Thụy Anh trở về mở CLB đọc sách giúp những đứa trẻ hình thành văn hóa đọc ngay từ lúc mới vào đời.
Sinh hoạt đọc sách “Cuộc phưu lưu của Mít Đặc và các bạn” (Nikolay Nosov). Ảnh: CLB “Đọc sách cùng con”
Cộng đồng đọc sách trẻ thơ
Cuối tuần, phòng 104, K7 Tập thể Bách Khoa trở nên náo nhiệt hơn so với ngày thường. Tại đây, hơn chục em nhỏ 4-10 tuổi đang tập trung lại để cùng đọc sách với các cô trong câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” (CLB).
Hôm nay các cháu cùng đọc quyển sách “Bầy voi đen” của nhà văn Vũ Hùng. Các bé được tham gia vào những trò chơi tương tác thú vị để cảm nhận được nội dung trong cuốn sách. Trước khi nghe cô đọc sách, các bé chia sẻ hiểu biết và những liên tưởng của mình về loài voi: “Nhìn voi con nhớ tới đám mây vì lông voi đen giống màu đám mây khi sắp mưa”, “Voi là bạn của rùa vì cả hai bạn cùng đi chậm”…
Bên cạnh đó, các bé còn được tương tác với cô qua nhiều việc trả lời câu đố (“Làm thế nào để cân được voi nhỉ?”), đọc bài đồng dao “Con vỏi, con voi”, mô tả hành động, cảm xúc của chú voi bằng động tác cơ thể và cắt dán hình con voi bằng giấy thủ công.
Đó là cách CLB truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ, hình thành thói quen đọc sách từ thời thơ ấu trong hơn 10 năm qua.
Dịch giả Thuỵ Anh, Quốc Hùng, bà Galina Vladimirovna (Con con gái họa sĩ Vladimir Sevchenko) và dịch giả Quỳnh Hương trong buổi ra mắt bản dịch sách “Xung và Cung – Đôi bạn voi dũng cảm”. Ảnh: CLB “Đọc sách cùng con”
Tiến sĩ (TS) Giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ: “Năm 2009, tôi trở về Việt Nam sau 17 năm sinh sống và học tập tại Nga. Tôi sáng lập mô hình hoạt động CLB “Đọc sách cùng con nhằm hướng tới xây dựng văn hóa đọc, hỗ trợ kỹ năng đọc, nghĩ, nói và viết cho trẻ, giúp hình thành kỹ năng tự học”.
Phụ huynh Nguyễn Thanh Mai cho biết: “Bé nhà tôi mới đi sinh hoạt tại CLB được 4-5 buổi. Tới đây, bé được đọc sách, làm thủ công và chơi trò chơi. Bé thích lắm, cuối tuần nào cũng bảo mẹ cho tới CLB với các bạn, các cô”.
Bên cạnh việc xây dựng cộng đồng đọc sách, TS. Nguyễn Thuỵ Anh cũng là người viết và dịch sách. Mảng viết và dịch cho thiếu nhi được chị đặc biệt quan tâm. Trong số các sáng tác cho trẻ em của tác giả Thụy Anh, có một số tác phẩm tiêu biểu như: Các tập thơ thiếu nhi “Nhim nhỉm nhìm nhim”, “Mẹ hổ dịu dàng”, “Ngày xưa, ngày nay, ngày sau…”, “Vui cùng tiếng Việt”, “Mèo con đếm tuổi” (NXB Trẻ), “Phù thủy sợ ma” (NXB Kim Đồng).
Ngoài ra, chị cũng chuyển ngữ nhiều sách thiếu nhi Nga như “Cửa hàng thế thời tuổi thơ” (Sergey Sedov), “Vichia Maleev, ở nhà và ở trường” (Nikolay Nosov)… Trong số đó, cuốn sách tranh “Xung và Cung – Đôi bạn voi dũng cảm” của nhà văn Vitali Bianki và họa sĩ Vladimia Sevchenko được đón nhận đặc biệt nồng nhiệt. Cuốn sách lấy cảm hứng sáng tác từ câu chuyện có thật về hành trình từ nước Việt đến nước Nga của đôi bạn voi Xung và Cung. Qua câu chuyện của họ, độc giả nhí cảm nhận được tình cảm thân mến giữa những người bạn Nga- Việt. Hình ảnh thú vị và văn phong tươi sáng của cuốn sách thể hiện sự quan tâm, cảm mến của những người bạn Nga đối với đất nước và con người Việt Nam.
Nhà văn Nga Albert Likhanov giao lưu cùng CLB. Ảnh: CLB “Đọc sách cùng con”
Qua trao đổi, chúng tôi được biết, CLB Đọc sách cùng con được đón nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến thăm và giao lưu, trong đó có nhà văn Nga Albert Likhanov, tác giả “Ông tướng của tôi”. Ông rất bất ngờ với không gian bé nhỏ, ấm áp của CLB, nơi cho ông cảm xúc “rất Xô-viết và nhân ái”. Sau này, nhờ sự giới thiệu của Likhanov, TS. Nguyễn Thụy Anh đã được nhận giải thưởng của Quỹ Trẻ em Nga vì những hoạt động vì trẻ em, đồng thời nhận giải thưởng “Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữ” của Hội nhà văn Nga năm 2018…
TS. Nguyễn Thụy Anh cũng tham gia chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác, dịch thuật và kỹ năng sư phạm của mình tại các Festival Văn học Nga khu vực châu Á Thái Bình Dương và qua kênh Uchi.ru. Chị được mời tham gia Ban giám khảo một số cuộc thi sáng tác trong khuôn khổ Festival và cuộc thi sáng tạo của trẻ em do Hội nhà văn chi nhánh Saint-Petersburg tổ chức.
Chị cho biết, chị đang tham gia viết sách giáo khoa tiếng Nga cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 với tư cách là chủ biên (Tổng chủ biên là nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi). TS. Nguyễn Thụy Anh cũng bật mí rằng bộ sách sẽ là sản phẩm của những nghiên cứu dựa trên thành tựu của phương pháp sư phạm hiện đại, hướng tới việc tạo động lực để học sinh tham gia việc học thông qua các hoạt động học đa dạng cùng các ngữ liệu phong phú, thú vị của nền văn hóa, văn học Nga. Bằng cách đó, chị muốn “trả món nợ tình cảm” mà nước Nga đã trao cho chị trong những năm sống, học tập tại nơi này.
Trại viên EcoCamp tập thể dục bên bãi biển Đồ Sơn. Ảnh: CLB “Đọc sách cùng con”
Xây dựng một hệ sinh thái đọc sinh động
Từ năm 2013, TS. Thuỵ Anh và cộng sự tổ chức trại hè EcoCamp – trại hè thường niên dành cho thiếu nhi tại Đoàn An điều dưỡng 295 Đồ Sơn (Hải Phòng)… Ngay cả ở đây, bên cạnh những hoạt động thể chất, những buổi giao lưu với các khách mời, những bài học kỹ năng mới mè…, thì vẫn luôn có một hệ sinh thái đọc sinh động được quan tâm xây dựng.
Theo TS. Nguyễn Thuỵ Anh, “hệ sinh thái đọc” bao gồm không gian đọc, hoạt động đọc, cộng đồng người đọc các lứa tuổi và ảnh hưởng tương hỗ của họ. Ở EcoCamp, việc đọc được tích hợp vào các hoạt động hằng ngày. Ví dụ, để chuẩn bị cho cuộc thi nấu ăn, các trại viên đọc sách nấu ăn hoặc các tản văn của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… để tạo cảm xúc và tìm công thức.
Trong 10-15 ngày tại EcoCamp, các bạn trẻ từ 6 – 15 tuổi được sinh hoạt vui chơi tập thể, tham gia hoạt động thể chất và trải nghiệm như EcoCup (giải bóng đá nhí mini), EcoChef (thi nấu ăn), trải nghiệm ủ phân hữu cơ, pha chế đồ uống, thả diều…
Mô hình trại hè EcoCamp dường như có dáng dấp của trại hè Artek ở Liên Xô cũ mà TS. Thuỵ Anh từng may mắn được tham dự khi học lớp 8. Đó là lần đầu tiên cô bé Thuỵ Anh 14 tuổi được đến với một thế giới dành riêng cho trẻ thơ, được giao lưu với bạn bè quốc tế, được khuyến khích tự tin thể hiện năng lực của mình. Kỷ niệm 3 tuần ở trại hè gieo vào suy nghĩ của TS. Thuỵ Anh một ước mơ: Làm sao để trẻ em Việt Nam cũng có được một nơi của riêng mình như vậy mỗi khi hè đến.
Từ trăn trở đó, hơn 10 mùa trại EcoCamp với hơn 20 lượt trại đã được tổ chức. Tham gia trại hè, nhận thức, thái độ, hành vi của trẻ dần thay đổi tích cực qua từng trải nghiệm. “Con tôi đã mang về cái kính vạn hoa tặng ông, vỉ nướng chả tặng bà và mỗi thành viên ai cũng có quà theo sở thích. Sự quan tâm đó không đến tự nhiên, bạn ấy đã được trại hè, anh chị và các bạn trao cho nhiều niềm vui và sự san sẻ”. Đó là tâm sự của phụ huynh Lê Minh sau mùa trại EcoCamp 2019.
Trại viên EcoCamp giao lưu với các chiến sĩ Hải đội 4. Ảnh: CLB “Đọc sách cùng con”
Cha mẹ làm bạn đồng hành với con
Với việc đặt tên CLB “Đọc sách cùng con”, TS. Nguyễn Thụy Anh và cộng sự đề cao sự đồng hành của cha mẹ và con cái trong câu chuyện đọc sách cũng như trong mọi hoạt động sống. TS. Nguyễn Thuỵ Anh chia sẻ: “Tôi kỳ vọng thông qua câu chuyện đọc sách trong mỗi gia đình, bố mẹ và các con giữ được sợi dây kết nối về cảm xúc, sự chia sẻ và đồng hành. Chính vì thế, tên của CLB không chỉ là đọc sách mà là “Đọc sách cùng con”.
TS. Nguyễn Thuỵ Anh, cho rằng, các bậc phụ huynh có thể làm rất nhiều thứ để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình. Chẳng hạn: thiết kế không gian đọc êm ái, thuận tiện, đủ sáng, giá sách thấp vừa phải để trẻ có thể tự lấy sách, ngắm sách, sắp xếp sách; cùng đọc với trẻ để tạo cộng đồng đọc nhỏ trong gia đình; Đưa trẻ đi hiệu sách hằng tháng, hằng quý…
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể gợi ra các hoạt động xung quanh cuốn sách, như trò chơi tưởng tượng, dùng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện nội dung một tình tiết trong sách, đặt câu đố… để kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Việc “chơi” với sách, với ngôn từ của nhà văn sẽ giúp đứa trẻ vượt qua tâm lý ngại đọc hoặc chưa muốn đọc để đến với những trang sách lung linh của tuổi thơ. Đặc biệt, các bố mẹ tuyệt đối không ép buộc hay lôi cuốn trẻ đọc sách bằng những món quà, tiền – luôn nói “mời đọc” chứ không nói “phải đọc”.
Trong 13 năm qua, TS. Thụy Anh nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu tự thân, từ đó hình thành một thói quen cả đời. TS. Nguyễn Thuỵ Anh được Tạp chí Forbes Vietnam bình chọn là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.
CLB “Đọc sách cùng con” được thành lập năm 2010 theo ý tưởng của Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhằm mục đích hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ từ 12 tháng tuổi thông qua phương pháp đọc – kể tương tác. |
Hoàng Yến (Theo báo Thời Đại ra ngày 8/3/2023)