(VOVTV) – Về vụ việc nữ sinh tự tử ở An Giang do bị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm bạo lực tinh thần, tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã có những chia sẻ về trách nhiệm của các bên liên quan.
Phóng viên: Thưa chị, về việc nữ sinh tự tử ở An Giang, chị nghĩ như thế nào về trách nhiệm của nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm khi cô đã liên tục công kích tinh thần học sinh, thậm chí còn đăng thông tin trên mạng xã hội mạt sát, kể cả khi biết tin cô bé đã tự tử?
Tiến sĩ Thụy Anh: Một sự việc đáng buồn xảy ra như thế thì ai trong những người lớn liên quan đến các em cũng đều phải nhận một phần trách nhiệm.
Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm trong việc này đặc biệt lớn. Những người lớn, lại làm trong ngành sư phạm, không thể “ăn thua” với một đứa trẻ như vậy được.
Giáo viên chủ nhiệm đăng trạng thái mỉa mai nữ sinh tự tử. Ảnh: Học sinh cùng lớp nữ sinh N.T.N.Y. cung cấp
Mặt khác, tôi nghĩ, trách nhiệm này còn thuộc về cả hệ thống: Các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên có được trang bị kiến thức và thường xuyên tập huấn về tâm lý lứa tuổi, cách lắng nghe, chia sẻ, xử lý những lỗi sai, những hiểu lầm giữa các em và với các em không?
Nếu không, tôi e rằng, có rất nhiều câu chuyện uất ức khó giải toả ở các môi trường sư phạm khác mà chỉ khi có sự vụ nghiêm trọng xảy ra, chúng ta mới lại “dậy sóng” lên, để rồi lại lắng xuống sau ít ngày mà không được giải quyết triệt để, tận gốc!
Phóng viên: Bêu tên và kỷ luật học sinh trước toàn trường – hình phạt mà trường THPT Vĩnh Xương đã áp dụng với nữ sinh N.T.N.Y. liệu có phải là phương pháp sư phạm đúng đắn, thưa chị?
Tiến sĩ Thụy Anh: Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra ngày 15/9/2020 đã quy định bỏ hình thức kỷ luật phê bình học sinh trước lớp, trước trường. Quy định này là đúng đắn tuy đưa ra rất muộn.
Học sinh đi học không chỉ nhận kiến thức, phương pháp học mà còn cần được sự đồng hành của nhà trường, thầy cô, bạn bè trong cả quá trình dần trưởng thành của mình. Việc hạ thấp nhân phẩm, lòng tự trọng của một bạn trẻ bằng việc đưa tên “bêu tên” trước mọi người, dùng lời mạt sát, mỉa mai… đều là những việc cần triệt tiêu ở môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh bày tỏ quan điểm về vụ việc nữ sinh tự tử ở An Giang do bị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm bạo lực tinh thần. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phóng viên: Bên cạnh đó, một bộ phận dư luận cho rằng, để dẫn đến sự việc đau lòng này, cha mẹ của nữ sinh tử tự ở An Giang cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã không quan tâm, lắng nghe con của mình. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Thụy Anh: Bố mẹ em chắc cũng đang rất sốc và hoang mang. Chúng ta có thể chia sẻ để các bố mẹ ý thức được việc để tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý của con, các mối quan hệ xã hội của con ở độ tuổi này cần thiết như thế nào! Việc xảy ra chắc chắn sẽ khiến họ giật mình nhìn lại, mình cũng đã bỏ lỡ thời điểm nào đó chia sẻ cùng con, chưa biết cách quan sát để nhận ra những bất thường…
Nhưng, nói thật, việc này không hề đơn giản! Nhiều bố mẹ cũng chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng trong việc này. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh lại quá bận, không dành đủ thời gian đi bên con, lớn lên cùng con, cổ vũ để con tin vào giá trị của bản thân. Khủng hoảng về giá trị bản thân, không có được niềm tin từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè – đó cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ tìm đến cái chết.
Phóng viên: Thưa chị, liệu rằng việc truy cứu trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã là biện pháp giải quyết tối ưu cho vụ việc trên?
Tiến sĩ Thụy Anh: Trước hết, thói quen quy trách nhiệm, xử lý, kỷ luật… là cách giải quyết đằng ngọn, bề nổi, đôi khi là để “xử lý khủng hoảng truyền thông”, trấn an dư luận. Điều này dẫn đến sự rối loạn, mất kiểm soát, lệch chuẩn tiếp theo của sự ứng xử: đùn đẩy trách nhiệm, tìm mọi cách đổ lỗi cho chính đứa trẻ hoặc gia đình, khiến cái sai này kéo theo cái sai khác.
Nó khiến người ta trở nên bấn loạn và thậm chí, vô tình lạnh lùng hơn, ác nghiệt với nhau. Nếu những dòng trạng thái trên mạng xã hội của cô giáo là thật thì cũng là hệ quả của việc “sợ trách nhiệm” này.
Hãy nghĩ đến đứa trẻ vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên vừa thoát chết đang còn đầy hoảng loạn, hoang mang! Hãy tìm hiểu quá trình tích tụ những uất ức của em, phân tích hành vi của em cùng với chuyên gia tâm lý để hiểu sâu sắc, vấn đề nằm ở chỗ nào.
Mỗi một thầy cô giáo, những nhà quản lý giáo dục và cả cha mẹ thay vì mắng chửi, lên án nhau trên mạng cần phải nhìn lại hiểu biết của mình về tâm sinh lý tuổi mới lớn, rà lại những lỗ hổng về kiến thức, cảm xúc trong giao tiếp với trẻ.
Linh Trịnh – VOVTV