Tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot xuất bản lần đầu tiên vào năm 1878 là bộ truyện mà tôi đọc từ ngày thơ ấu, hồi tôi học lớp 4. Và có lẽ đó là bộ truyện đã để lại trong tôi cho đến tận bây giờ khi tôi 75 tuổi, những ấn tượng và suy tư không thể nào quên: sự cảm kích về tinh thần vượt qua gian khổ để hoàn thành nguyện ước, sự trân trọng về tính cách cao đẹp, tình con người với con người, con người với động vật của những người không có gia đình nhưng họ biết yêu thương để có một gia đình, gia đình với người nuôi dưỡng khi mình bị bỏ rơi, gia đình với một cụ già lang thang biểu diễn xiếc để sống chân chính, gia đình với những người bạn có được trên mỗi chặng đường qua, gia đình với những chú chó, chú khỉ trong một gánh xiếc và cuối cùng là gia đình đích thực của mình.
Những nhân vật trong truyện rất đáng yêu và đáng được tôn trọng với cách suy nghĩ và hành xử đa dạng của họ.
Đó là cậu bé Rê-mi, sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng bị bắt cóc và bỏ rơi, rồi được má Bác-bơ-ranh cưu mang nuôi dưỡng. Rê-mi là một cậu bé quả cảm, biết vượt qua mọi nỗi thống khổ về tinh thần cũng như vật chất, vượt qua những trận cuồng phong bão tuyết, giá rét cắt da cắt thịt của những vùng rừng núi băng tuyết qua khắp mọi vùng của nước Pháp cùng với cụ Vi-ta-li để kiếm sống. Lúc nào Rê-mi cũng ngẩng cao đầu trước gian truân, chiến thẳng nó và quyết tâm tìm lại được mẹ và em trai của mình. Chúng ta còn được thấy một Rê-mi đầy tình thương bao la với ba chú chó và một chú khỉ, những người bạn thân thiết của Rê-mi trong gánh xiếc của cụ Vi-ta-li, một Rê-mi biết sống có ân nghĩa. Tôi nhớ mãi chi tiết Rê-mi và Mat-chi-a sau một thời gian biểu diễn xiếc, cố gắng dành dụm được một khoản tiền để mua tặng mẹ nuôi là bà Bác-bơ-ranh một chú bò sữa, một thứ vật chất được coi là của cải quý giá nhất trong gia đình một nông dân Pháp thời bấy giờ.
Đó là bà Bác-bơ-ranh, một người phụ nữ nông dân đầy lòng nhân từ đã nuôi dưỡng, dành hết tình yêu thương cao cả của một người mẹ, tân tụy chăm sóc cho Rê-mi cho dù cậu không phải là con do bà sinh ra. Trong mọi hoàn cảnh bà đều mở rộng lòng mẹ dạy dỗ, che chở cho Rê-mi. Bà là người mẹ nuôi mà Rê-mi tôn thờ, kính trọng đến nỗi khi tìm được mẹ ruột của mình thì người đầu tiên Rê-mi nhớ đến, nghĩ đến chính là bà.
Đó là cụ Vi-ta-li, một ca sĩ lừng danh một thời huy hoàng của nước Ý do bị thất thế phải lưu lạc sang nước Pháp, thành lập một gánh xiếc có Cụ, ba chú chó và một chú khỉ cùng cây đàn diễn trò để kiếm sống. Cụ là mẫu mực của lòng nhân hậu, là tấm gương cao cả về sự kiêu hãnh và lòng tự trọng bản thân, không khuất phục hoàn cảnh khó khăn. Cụ đã dạy dỗ, nâng đỡ và trao tặng cho Rê-mi những tính cách tốt đẹp mà Cụ có. Cụ là người thầy, người cha vĩ đại mà Rê-mi hằng ao ước. Cụ yêu thương Rê-mi và bầy thú nhỏ như yêu các con, san sẻ với họ mọi bất hạnh rủi ro trong những khu rừng hoang vắng ngập tràn băng tuyết, trên những nẻo đưuờng xa mà nhiều lần đói rét bủa vây. Cụ dạy cho họ lòng tự trọng biết sống bằng chính sức lao động của mình, sự lạc quan, lòng chính trực, đàng hoàng ngẩng cao đầu chiến thắng gian nan. Cụ mang đến cho Rê-mi và bầy thú những năm tháng đầy hạnh phúc ấm áp tình người và sự trưởng thành quý giá.
Đó là cậu bé Mat-chi-a chịu thương chịu khó, biết chia sẻ gian nan cực khổ với Rê-mi, biết bảo vệ và chung thủy với tình bạn của mình.
Đó là bà Mi-li-gơn, cậu bé Ac-tơ (mẹ và em trai ruột của Rê-mi), cô bé Li-dơ (sau này là vợ của Rê-mi). Tất cả các nhân vật của Hector Malot đều có chung một phẩm chất nhân hậu, biết vượt lên trên khó khăn của hoàn cảnh, tự mình mang lại hạnh phúc cho mình.
Bộ truyện kết thúc có hậu. Rê-mi tìm lại được mẹ ruột và em trai, được gặp lại mẹ nuôi, có vợ là cô bé Li-dơ mà cậu gặp trên đường đi tìm mẹ. Từ chỗ không có gia đình khi sinh ra mới được vài tháng, Rê-mi đã có một gia đình đích thực của mình.
“Không gia đình” là một bài ca ca ngợi thẩm mỹ, thẩm mỹ của tinh thần vượt lên trên khổ ải, thẩm mỹ của sự chia sẻ hoạn nạn và niềm vui, thẩm mỹ của tình yêu thương giữa con người với con người, con người với động vật và vượt lên trên tất cả là thẩm mỹ của lòng tự trọng bản thân trong mọi hoàn cảnh lúc nào cũng ngẩng cao đầu tự mình nắm bắt hạnh phúc. “Không gia đình” còn là tinh hoa của lòng nhân ái, tinh hoa về những phẩm chất tốt đẹp của cuộc đời.
Gấp cuốn sách lại tôi ngẫm mãi một điều: những ai biết vượt lên trên gian khổ để sống tử tế thì đều tìm được một cuộc sống tốt đẹp cho mình. Nếu các bạn chưa đọc, theo tôi hãy tìm đọc cuốn truyện này. Chúc các bạn có nhiều cảm xúc đẹp và tiếp thu được nhiều điều tốt đẹp khi đọc cuốn “Không gia đình” này.
Nguyễn Ngọc Dung (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)