Home / Bài Viết / Tình yêu? – Hạnh phúc hay nỗi lo?

Tình yêu? – Hạnh phúc hay nỗi lo?

“Những ngày gần đây, báo chí không ngừng thông tin về vụ việc sát thủ Nguyễn Hải Dương giết cả nhà người yêu vì chuyện tình với cô con gái không thành. 6 mạng người là cái giá quá đắt cho một tình yêu mù quáng.

Câu chuyện đau lòng này rồi cũng sẽ dần khép lại khi kẻ thủ ác phải trả giá đắt cho những hành vi man rợ của mình trước pháp luật. Nhưng điều còn ám ảnh mãi có lẽ chính là nỗi lòng của những bậc làm cha, làm mẹ sau vụ án tình rúng động này.

Cũng là một người mẹ có con gái đang ở tuổi trưởng thành, vụ án này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều trong mấy ngày qua. Bất cứ bậc làm cha, làm mẹ nào khi đọc về vụ án chắc hẳn cũng rùng mình khi nghĩ đến cô bé, cậu bé con mình ở nhà. Chúng cũng đang ở lứa tuổi bắt đầu yêu, bắt đầu đến với những ngọt ngào và cả cay đắng.

Một bà mẹ có con gái đang tuổi mới lớn như tôi nên dạy con đối diện thế nào với tình yêu đây thưa chuyên gia? Làm sao để bảo vệ con gái mình trước một thứ tình cảm mãnh liệt như tình yêu. Không lẽ tôi sẽ phải theo dõi, kè kè bên con gái mình suốt ư?

Có yêu thì cũng sẽ có lúc giận hờn, cãi vã… Làm sao để cháu có thể chủ động rút lui khỏi tình yêu khi thấy không hợp mà không gây hận thù cho đối phương? Tương tự như vậy, làm sao để khi người ta rời bỏ cháu mà cháu không quá suy sụp rồi nghĩ quẩn? Xin chuyên gia hãy cho tôi một vài lời khuyên để người làm cha, làm mẹ như chúng tôi có thể chia sẻ cùng các cháu, giúp các cháu luôn tỉnh táo và vững vàng. Tôi thực sự quá lo lắng trước tình trạng yêu đương của giới trẻ hiện nay. Tôi nghĩ vụ án đau lòng này cũng là một lời cảnh tỉnh tới bất kì ông bố, bà mẹ nào có con tuổi mới lớn.

Xin cám ơn chuyên gia rất nhiều.”

Minh Huyền gửi ngày 17/07/2015 21:30

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh

Gửi chị Minh Huyền,

Thật ra, không chỉ đến “vụ thảm sát Bình Phước”, chúng ta mới cần nghĩ đến việc nói về khái niệm “Tình Yêu” với con trẻ. Hơn thế nữa, nếu các bậc cha mẹ bắt đầu nói với con về tình yêu từ “cú hích” là những sự vụ ầm ĩ dư luận mà nguyên nhân là chuyện tình cảm của những người trẻ thì vô hình trung, chính chúng ta cũng đang nhìn tình yêu của con trẻ ở một góc độ đôi chút lệch lạc mất rồi – chúng ta nói đến nó vì sự an toàn chung của chúng ta, vì cho rằng nó có thể là xấu, là tiêu cực, là nguyên nhân cao nhất gây ra tai họa.

Câu chuyện “Bình Phước”, nếu đúng như những gì báo chí đăng tải, mang trong nó rất nhiều vấn đề xã hội chứ không chỉ tình yêu tuổi trẻ. Đó là vấn đề hiểu biết pháp luật và tội phạm, sức khỏe tâm thần và tâm lý của thanh niên, kỹ năng đối mặt với nguy hiểm và tự bảo vệ mình của mỗi người… Tuy nhiên, chuyện lo lắng cho con mình khi đến tuổi yêu đương là sự lo lắng chính đáng của mỗi người cha, người mẹ. Tôi xin phép được đặt “vụ Bình Phước” sang một bên để trao đổi cùng chị. 

1. Xây dựng “bộ giá trị” tình yêu

Tình cảm yêu đương luôn nảy nở một cách tự nhiên và rất cần thiết cho những đứa trẻ đang chuẩn bị bước vào đời. Không thể cấm được nó. Cũng không được quyền vùi dập nó. Cũng chính vì thế mà, hãy sớm nói với con về tình yêu một cách trân trọng, từng bước mở rộng từng cung bậc cảm xúc, những câu chuyện đẹp đẽ xung quanh nó, câu chuyện tình yêu của chính bạn thời đi học, câu chuyện tình cảm giữa bố mẹ để đi đến hôn nhân. Điều này sẽ khiến đứa trẻ có cảm xúc tích cực với từ Tình Yêu, không hãi sợ nó, có thể mơ mộng về nó nhưng qua lời kể của bố mẹ, đứa trẻ xây dựng cho mình một “bộ giá trị” tích cực đi kèm với khái niệm tình yêu:

– Tình yêu khiến người ta muốn sống tốt hơn, muốn đẹp hơn trong mắt người yêu.

– Tình yêu khiến người ta thăng hoa, làm việc tốt hơn, học tốt hơn, cư xử tốt hơn.

– Tình yêu khiến ta thấy được chia sẻ về cảm xúc, được nâng niu, trân trọng về thể xác.

– Tình yêu còn khiến cho những người thân bên cạnh ta và bên cạnh người yêu ta cũng được yêu thương hơn, hạnh phúc hơn.

Đó chính là điều mà chúng ta mong con hiểu được và cũng là những tiêu chí quan trọng để con cảm nhận rung động của mình khi gặp người khác phái. Nó hỗ trợ trực giác của con người để có thể, dù còn mơ hồ, tự đánh giá, người mình trao gửi yêu thương có chung bộ giá trị như thế với mình không. Những gì đi ngược lại sẽ sớm tạo phản ứng cảnh giác. Chẳng hạn, người đó chỉ yêu chiều con bạn mà cục cằn với người xung quanh; hay người đó chỉ rủ đi chơi mà không để ý đến việc con phải học hay phải chia sẻ việc nhà với bố mẹ…

Tuy nhiên, không thể chỉ nói khơi khơi như vậy, mà “bộ giá trị” ấy phải do đứa trẻ tự rút ra từ những câu chuyện hàng ngày, từ nhiều nguồn thông tin khác nữa. Bạn càng không né tránh, càng sớm trò chuyện với con về đề tài này thì con bạn càng có cơ hội đón nhận rung động đầu đời một cách bình tĩnh, không “choáng váng”, không “sốc” tinh thần đến độ chỉ còn nhìn thấy người yêu mà đi đến những quyết định nông nổi vì dù muốn hay không, tình yêu vẫn là một thứ cảm xúc mạnh, dễ dàng “cuốn phăng” con người đi nếu không có những bước chuẩn bị tích cực.

Hãy nói sớm với con về tình yêu một cách trân trọng

Bố mẹ càng sớm trò chuyện với con về đề tài này, càng có cơ hội được biết (dù chỉ đôi chút), được chia sẻ (dù chỉ đôi chút) với con khi thứ tình cảm đáng quý này nảy sinh. Mà đã chia sẻ được thì sẽ dễ dàng tìm được cách tháo gỡ mọi vướng mắc. Hãy gắng nhớ lại mình thời nhỏ, nhất là thời e ấp, thích thích nhau, thương trộm nhớ thầm. Chỉ có cách đó mới giúp bạn hiểu được cảm xúc xáo trộn của đứa con bây giờ. Và hơn hết, khi trẻ đến tuổi dậy thì 13, 14 tuổi, bố mẹ hãy là bạn, là “quân sư” của các em bằng cách:

– Không tra hỏi, không theo dõi.

– Không phán xét, không kết luận.

– Chỉ đưa thông điệp: “Mẹ sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng cố gắng thấu hiểu!”.

Đôi khi hãy đặt ra các tình huống để bàn luận, cùng giải quyết. Ví dụ, kể một câu chuyện của ai đó: “Nếu là con, con có bỏ nhà đi không?”, “Nếu con là người mẹ, con sẽ cảm thấy thế nào?”, “Theo con, có phương án nào khả thi hơn không?”…

– Tạo không khí sẵn sàng tranh luận, tôn trọng ý kiến lẫn nhau trong gia đình, khuyến khích, thích thú với những ý kiến phản biện. Những “trò chơi” tranh luận như vậy là thông điệp của bố mẹ gửi đến đứa trẻ một cách hiệu quả nhất.

– Bố mẹ tỏ ra nghiêm khắc, khó gần, soi mói, không khoan nhượng – đó là điều kiện cực tốt cho mầm mống “yêu đương bạt mạng, không nghĩ ngợi gì” nảy nở.

– Bố mẹ thờ ơ, bận bịu, phó mặc con lớn lên, không quan tâm đến những xốn xang con để lộ ra hàng ngày – đó cũng là điều kiện để tình yêu chớm nở của các em nhanh chóng trở thành “là riêng, là thứ nhất”.

Hãy là hậu phương cho con để con thấy BÌNH TĨNH, TỰ TIN VÀO MÌNH, nghĩ đến TRÁCH NHIỆM của mình với tình yêu, với người thân, và nhận KINH NGHIỆM từ bố mẹ khi đến tuổi nhớ thương.

2. Kỹ năng… nói lời chia tay hay “tôn trọng giá trị người khác”

Khi quyết định chấm dứt một mối quan hệ, cũng phải có kỹ năng để tránh gây tổn thương cho cả hai bên. Nghe thì có vẻ buồn cười hoặc mông lung, nhưng trên thực tế, đây cũng là một kỹ năng tự bảo vệ mình.

Một trong những điều khiến cho hành vi ứng xử của con người bị lệch chuẩn là “sự tự đánh giá bản thân” của người ấy bị hạ thấp. Khái niệm “giá trị bản thân” tưởng như không tồn tại đối với những phần tử ngổ ngáo, hay gây gổ, bất cần, thì trên thực tế, họ là những người bị điều này chi phối mạnh mẽ nhất, thông qua việc người mà họ gần gũi, ít nhiều phụ thuộc, đặc biệt là chuyện tình cảm, đánh giá họ như thế nào.

Khi chấm dứt một mối quan hệ cũng cần có những kĩ năng để tránh làm tổn thương cả hai bên

Dù bản thân họ ra sao, họ vẫn cần có người quý trọng mình, thấy cái hay cái tốt cái giỏi của mình ở khía cạnh nào đó, hoặc chí ít là hiểu được tình cảm của họ. Khi xuất hiện hoặc nghi là có một người thay thế mình, hay bỗng nhiên bị chia tay đột ngột, “giá trị bản thân” đang được tình yêu khẳng định bỗng hoàn toàn sụp đổ. Có hai cách phản ứng đối với những người không vững vàng trong việc tự đánh giá bản thân trong câu chuyện bị từ chối tình yêu:

Một là: Từ việc hoài nghi giá trị của bản thân, anh ta có thể đi đến hoài nghi giá trị của chính cuộc sống của mình trên đời. Nhiều người trẻ quyết định tự tử chỉ để hy vọng vào một sự “đánh giá lại” của người thân, người mình yêu quý về giá trị của bản thân mình. Họ hy vọng, sự tiếc nuối của người thân khi mình không còn trên đời nữa làm tăng giá trị của mình.

Hai là: Người đó quyết định trả thù, gây họa cho không chỉ đối tượng của mình mà cả những người xung quanh nữa. Trong trường hợp này, họ cho rằng “giá trị bản thân” của mình nằm ở chỗ, mình có thể trừng phạt người khác khi người khác “coi thường” mình. Vì vậy, con của chúng ta cần phải biết, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải có sự trân trọng tình cảm, cảm xúc của người khác, tôn trọng giá trị con người trong họ dù giữa mình và họ có những bất đồng.

Trẻ phải được học cách “đặt mình vào vị trí người khác” để không vô cảm với những cảm xúc của người bên cạnh. Chính sự vô cảm, không cần biết đến ai, ích kỷ chỉ lo cho cảm giác của mình, chỉ mong thỏa mãn “cái Tôi” kiêu hãnh của mình đã và còn sẽ là nguyên nhân gây nên nhiều tai họa, bi kịch trong quan hệ giữa người và người. Ngay từ khi con còn nhỏ, hãy luôn lưu ý việc này bằng cách đặt những câu hỏi để con quan tâm đến cảm xúc của người khác. Đây phải là một kỹ năng nằm trong mảng kỹ năng sống nói chung: Biết cách xử lý các mối quan hệ xã hội chứ không nhất thiết chỉ là trong quan hệ lứa đôi. Đôi khi chỉ cần dừng lại ngẫm nghĩ một chút là đã khiến thái độ thay đổi, hành vi thay đổi, và một bi kịch đã không thể xảy ra.

3.  Xây dựng mối quan hệ bạn bè vững chắc ở tuổi mới lớn

Câu chuyện yêu đương, hờn giận rồi chia tay luôn khiến cả hai người đều tổn thương, kể cả người tỏ ra chủ động. Đến lúc ấy, bạn bè sẽ là những người chia sẻ gần gũi, động viên con hiệu quả hơn cả bố mẹ nữa. Chính vì thế, bên cạnh lo lắng về tình cảm yêu đương của con cái, cha mẹ hãy quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ bạn bè nói chung của con, đặc biệt là khi con đến tuổi dậy thì.

Nhiều vị phụ huynh chưa hiểu hoặc chưa chấp nhận được sự thật này, rằng sẽ đến một ngày bố mẹ phải lùi xuống một chút để những đứa trẻ lớn lên. Mọi bí mật của chúng có thể ta không được biết hết mà người bạn thân sẽ nắm giữ. Đừng quá tức giận. Cho dù chúng không dám chia sẻ đến cùng mọi chuyện của mình với chúng ta – những người lớn- thì bố mẹ vẫn là một “uy tín” mà chúng luôn cần, luôn mong muốn được tìm đến lúc khó khăn. Nếu bố mẹ biết cách chăm sóc cho mối quan hệ bạn bè của con được ấm áp, đồng thời tự mình tạo tình cảm thân mến với bạn của con thì trong mọi trường hợp khủng hoảng, bố mẹ có nhiều cơ hội hỗ trợ con tốt nhất.

Chị Minh Huyền kính mến, một lần nữa tôi chia sẻ với chị rất nhiều về những băn khoăn của chị vì bản thân tôi cũng là một người mẹ có đứa con đang chớm bước vào tuổi dậy thì. Tôi cho rằng, ngay việc “nghĩ trước” như thế này của chị cũng đã là một bước đầu tiên tốt đẹp để tiếp cận con trong câu chuyện tình yêu rồi. Chúng ta băn khoăn nhưng hãy có lòng tin và không để sự lo lắng hoặc những cảm xúc tiêu cực xen vào chuyện này.

Hãy hướng đứa trẻ đến những suy nghĩ tích cực, thậm chí cho nó hiểu rằng, tình yêu là cảm xúc đẹp thì sự đổ vỡ dù đau đớn cũng có thể là một trải nghiệm quan trọng khiến con người trưởng thành. Suy cho cùng, các con chúng ta cần được sống cuộc đời của chúng, đối mặt với mọi vấn đề của cuộc sống, học cách đứng lên sau vấp ngã. Điều mà bố mẹ có thể cùng con xây dựng ngay từ nhỏ là thái độ với con người, với cuộc sống, khẳng định giá trị của bản thân. Đó là những yếu tố sẽ ảnh hưởng, thậm chí quy định hành vi của con trong tương lai.

Theo http://tamsugiadinh.vn/

About admin2

Scroll To Top