Năm đầu tiên đi học mẹ muốn em có được điều gì?
Một chiếc cặp nặng trịnh đầy sách trĩu trên lưng?
Những điểm 10 tròn trịa bên lề vở đẹp?
Hay những điều thú vị và mới mẻ mỗi ngày mà em nhìn thấy, mà thày cô giúp em nhìn thấy, được gom lại trong bàn tay xinh xắn, được nhìn ngắm, quan sát bằng đôi mắt và bằng cả trái tim?
Một nhóm những người tâm huyết với giáo dục, tâm đắc với việc “Hiểu trẻ em để dạy trẻ em” đã bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện soạn bộ sách giáo khoa đáp ứng được một số tiêu chí “cần và đủ” của công nghệ giáo dục hiện đại – tổ chức việc học cho trẻ từ những lớp đầu tiên của bậc tiểu học theo phương pháp: thày cô gợi mở, học trò theo đó tự mình tìm đến những khái niệm quan trọng thông qua việc hoàn thiện các kỹ năng học tập của mình.
Năng lực của trẻ em luôn là một hiện tượng bí ẩn tuyệt vời của thế giới này. Chúng ta chỉ có thể kích thích các năng lực tiềm ẩn ấy phát triển và phát triển mạnh mẽ khi biết cách tôn trọng và đánh giá cao khả năng của trẻ, đồng thời tìm được cách tiếp cận hợp lý, tự nhiên nhất khiến trẻ có cơ hội được tự mình khám phá chính bản thân mình, tự mình tìm ra những nguyên tắc riêng trong phương pháp khai thác thông tin bài học mà thày cô đưa ra.
Chúng ta kỳ vọng vào một lớp học trò Việt Nam biết cách học, biết cách nhìn ra những vấn đề cần phải giải quyết chứ không phải chỉ chăm chăm thực hiện các bài tập khuôn mẫu mà người khác đặt ra cho mình.
Những cô cậu trò nhỏ lớp Một của chúng ta đến trường không chỉ biết mắm môi mắm lợi viết mãi một dòng chữ vào vở Rèn chữ, mà còn biết quan sát, phân tích và đưa ra kết luận cho việc tiếp thu kiến thức. Và như thế, áp lực bài vở gần như không còn nữa!
Xin giới thiệu với các bạn bộ sách lớp Một do nhóm Cánh Buồm – Giáo dục hiện đại thực hiện.
Hội thảo có chủ đề CHÀO LỚP MỘT là buổi ra mắt chính thức Bộ sách lớp Một này. Đến với chương trình, các vị khách công tác trong lĩnh vực giáo dục, các nhà nghiên cứu sư phạm, các độc giả quan tâm tới giáo dục, và đặc biệt là đông đảo các phụ huynh có con, cháu đang hoặc sắp bước vào lớp Một sẽ tham gia vào không gian đối thoại, thảo luận cởi mở với nhóm tác giả của Bộ sách.
Chương trình diễn ra hồi 18:00 đến 19:30, thứ Hai, ngày 27 tháng 9 năm 2010, tại Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội, với sự tham dự của diễn giả chính: Nhà văn – nhà nghiên cứu sư phạm Phạm Toàn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam và Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh.
Xin kính mời các bố mẹ và những bạn quan tâm đến tham dự.
Giáo dục hiện đại