Cuốn sách thật sự rất đặc biệt. Nó kể những sự tích kỳ lạ khó có ai trên đời có thể kiểm chứng, thế nhưng lại khiến cho tên tuổi của người kể chuyện, Nam tước Munchausen, trở nên lẫy lừng khắp thế giới.
Ai đó có thể bĩu môi và coi những chuyện kể trong sách là thứ khoác lác thuần tuý… song, bất chấp như vậy, “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nam tước Munchausen” không vì thế mà không thuộc vào số ít những câu chuyện thần kỳ đem lại nhiều cảm hứng nhất cho trẻ em và người lớn hàng thế kỷ qua: Gulliver du ký, Hành trình vào tâm tâm địa cầu, Anh chàng Hobbit, Tử tước chẻ đôi, Hiệp sĩ không hiện hữu…
Hieronymus Carl Friedrich von Münchhausen (1720 –1797) là một nhà quý tộc người Đức, một nhân vật có thật sống ở thế kỷ 18. Ông còn là một người người kể chuyện nổi tiếng, kể những câu chuyện phiêu lưu mà chính mình trải nghiệm khi gia nhập quân đội Nga trong cuộc chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi đã được nhiều tác giả phóng đại và thêm thắt nhiều tình tiết li kỳ, dần dần Nam tước Munchausen đã trở thành một nhân vật hầu như thuần tuý văn học. Các câu chuyện về Nam tước Munchausen thoạt đầu được in trên tạp chí ở Berlin.
Do quá nổi tiếng, các mẩu chuyện đã được Rudolf Erich Raspe tập hợp xuất bản bằng tiếng Anh. Sau đó, Gottfried August Burger, một người đương thời với Munchausen, đã chuyển ngữ tập sách trở lại tiếng Đức đồng thời tiếp tục thêm mắm thêm muối để những cuộc phiêu lưu càng lý thú hơn. Bản “Des freiherrn von Münchhausen” của Gottfried August Burger được coi là ấn bản hoàn hảo nhất trong các tác phẩm kể về vị nam tước trứ danh này, đồng thời cũng chính là bản được dịch và gửi tới độc giả Việt Nam.
Kẻ nói khoác, nói trạng ở trên đời đâu phải hiếm có! Thế nhưng có người nào bắt cả ao vịt trời bằng một sợi dây buộc cục mỡ, hay cưỡi đạn thần công bay tới bay lui trong chiến trận… mà lại có thể khiến người ta mê say đến thế?! Đây quả là kho tàng chuyện “trạng” “xứ Tây”, một món lạ so với những câu chuyện Trạng cuả Việt Nam vốn đã rất quen thuộc.
Thời gian: 10h00 ngày 11/10/2013
Địa điểm: Phòng Khám phá – Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội
Với sự tham gia của dịch giả Lê Quang và biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.