Chiều ngày chủ nhật (25-08-2019), CLB Đọc sách cùng con và Viện tâm lý & tâm thần học Việt – Pháp đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Ứng phó với Stress học đường”.
Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ người lớn mà cả các bạn nhỏ cũng phải chịu nhiều áp lực. PGS-TS Trần Thu Hương – Giảng viên Khoa Tâm Lý Học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGH, Tổng thư ký – Phó chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam đã phân tích và chỉ ra những biểu hiện của Stress để các bậc phụ huynh, các thày cô dễ dàng phát hiện và nhận ra. Stress có thể khiến trẻ mất ngủ, sợ hãi, tìm cách đổ lỗi cho người khác – vật khác, trẻ không tập trung hoặc mất khả năng chú ý…
Stress có nhiều mức độ khác nhau đi kèm với những biểu hiện được PGS-TS Trần Thu Hương nêu ra trước đó. Stress không chỉ tác động tới tinh thần mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người, có thể gây ra các bệnh về tim, phổi, dạ dày hay thận… Chia sẻ trong tọa đàm bác sĩ Nguyễn Thái Bình – Bác sĩ chuyên khoa cấp 1, chuyên ngành Tâm thần Đại học Y Thái Nguyên lí giải, trong cuộc sống, nếu có áp lực để tạo “sự hưng phấn” hay có thể coi là động lực, động cơ học tập, làm việc thì rất tốt nhưng nếu áp lực ở mức độ cao dẫn đến việc Stress, gây ảnh hưởng tới tinh thần, sức khỏe là hoàn toàn không tốt.
Cô Trần Thu Hương đã đưa ra một số bài tập trắc nghiệm nhanh dành cho những vị khách tham gia buổi tọa đàm.
Số liệu thống kê nhanh cho thấy stress hiện hữu quanh cuộc sống của nhiều người, vô hình trung những điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới những người xung quanh. Vậy làm sao để giải tỏa stress, để không thấy sợ hãi với tên stress “cứng đầu” kia? Phương pháp hít thở 5 giây và phương pháp massage ngón tay là một trong số những liệu pháp rất hiệu quả, giúp ổn định tinh thần và sức khỏe của người đang “có vấn đề “ với stress. Tuy nhiên, khi stress đã ở mức độ cao thì các phụ huynh, các thày cô nên đưa trẻ đến thăm, khám trực tiếp để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ sớm, kịp thời từ các chuyên gia.
Chia sẻ trong tọa đàm, nhiều bố mẹ cũng đưa ra những biện pháp mình hay sử dụng để giúp con vượt qua những khó khăn, những điều khiến trẻ lo lắng. Đồng tình với phụ huynh, GS-TS Tâm lý – Giáo dục Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện trưởng Viện tâm lý & tâm thần học Việt Pháp cho biết khi các bố mẹ, thày cô có thể hiểu và chia sẻ cùng con, cùng học trò, điều đó sẽ góp phần giảm đi áp lực mà trẻ đang phải gánh chịu. Cô cũng cho rằng, việc nắm tay sẽ truyền những cảm xúc an toàn, tự tin cho đứa trẻ. Bởi vậy, các bố mẹ, thày cô đừng tiếc khi sử dụng những phương tiện dẫn truyền cảm xúc như ánh mắt, lời nói, và ấm áp từ đôi tay dành cho đứa con nhỏ của mình.
Bằng những kinh nghiệm nhiều năm làm việc và hỗ trợ các bố mẹ, các bạn nhỏ, TSGD Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con cũng đưa ra những gợi ý để bố mẹ có thể giải quyết những vấn đề căng thẳng mà các bạn nhỏ đang gặp phải để “khẳng định mình” và tự tin vào giá trị bản thân.
Xin trân trọng cảm ơn các anh chị phóng viên, báo chí đã về dự và đưa tin về hoạt động buổi tọa đàm. Xin cảm ơn những chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình. Xin cảm ơn các bố mẹ, thày cô đã đồng hành và tham dự tọa đàm. Viện tâm lý & tâm thần học Việt – Pháp và CLB Đọc sách cùng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các gia đình, thày cô để hỗ trợ các bạn nhỏ – những thế hệ tương lai trưởng thành thật vui vẻ, hạnh phúc. Xin hẹn gặp lại ở những chương trình tiếp theo.
Bài viết: Dương My, Hình ảnh: Cò Trắng