Home / Bài Viết / Tôi đã trở thành “mọt sách” như thế nào?

Tôi đã trở thành “mọt sách” như thế nào?

Mỗi lần nghĩ đến câu chuyện về tạo thói quen đọc sách cho con trẻ, tôi lại nhớ đến mẹ tôi.

Mẹ tôi là giáo viên tiểu học, còn bố tôi là nông dân, nhà tôi ở một tỉnh lẻ, vậy nên, đương nhiên rồi, tôi là con nhà nông chính hiệu, theo như bố tôi hay nói là “từ gốc rạ chui lên”. Dù là ở nông thôn, lại sinh con một bề, nhưng bố mẹ tôi rất tạo điều kiện cho chị em tôi học hành.

Hồi chị em tôi còn học phổ thông, ngoài làm ruộng, bố tôi làm thợ nề, đi xây cả ngày, chúng tôi chỉ học có nửa ngày ở trường, mẹ tôi cũng dạy nửa ngày, nửa ngày còn lại của bốn mẹ con xoay quanh đồng ruộng: cấy, gặt, chăn trâu bò, cắt cỏ, lấy rau lợn, bón phân lúa, xúc ngô, khoai…v.v. Tôi là út nên được ưu tiên không phải gánh gồng nặng, chỉ quẩn quanh chăn bò, cắt cỏ, lấy rau và băm rau lợn. Đến bây giờ ngón trỏ bàn tay trái của tôi có rất nhiều sẹo, vết tích của những lần “băm nhầm” vào tay. Đây có lẽ là “đặc điểm nhận dạng” chung của những đứa con gái nông thôn thời ấy. Và cho đến bây giờ, khi mà cuộc sống có quá nhiều thay đổi, mỗi lần đi xe bus, xe khách hay ở chốn nào đông người, bất giác nhìn vào ngón trỏ trái của em nào mà có nhiều sẹo, khiến tôi nghĩ ngay tới việc rất có thể em ấy cũng là con nhà nông, cũng từng nhiều lần bị đứt tay vì băm rau lợn giống mình.

Tôi nhớ khi tôi còn học tiểu học, sách truyện rất thiếu thốn. Tôi có may mắn hơn các bạn đồng trang lứa là được mẹ tôi mượn sách ở thư viện nhà trường về cho đọc. Và thường là mẹ tôi mượn sách văn học. Tôi đã đọc hết tuyển tập các truyện cổ tích hay nhất Việt Nam, hay các truyện của nhà văn Nam Cao từ khi chưa học đến lớp 6. Nếu trí nhớ của tôi không đánh lừa tôi thì mẹ không hề ép buộc chị em tôi đọc sách, mà coi sách như phần thưởng cho lũ trẻ của bà. Mỗi lần mẹ đi trường về, chúng tôi chỉ háo hức chờ mẹ mở cặp ra xem có quyển sách, quyển truyện nào mới mượn về không, buổi tối cố gắng học hết bài trên lớp, sau đó dành thời gian đọc sách mượn. Đi chăn bò, ngoài cái nón đội đầu, cái que đuổi ruồi cho bò, lúc nào tôi cũng toòng teng đeo cái túi sách bên người, vừa trông bò, vừa đọc ngấu nghiến.

Đọc xong cuốn nào, mẹ trả và lại mượn sách khác. Nhưng đời sống lúc ấy khó khăn, thư viện trường làng lại càng nghèo, không phải lúc nào cũng có sách để mẹ mượn, những lúc như vậy, mặt mũi chị em tôi tiu nghỉu, rồi cự nự, rồi mặc cả, rồi vòi vĩnh, mong sao có được cuốn sách mới nhanh nhất. Dẫu vậy cũng chẳng hề gì, chúng tôi nài nỉ mẹ nói với bác thủ thư, “níu chân” vài ngày cuốn sách vừa đọc để đọc lại, vẫn háo hức như lần đầu, cho đến khi lại reo lên sung sướng vì được đọc sách mới.

 Như dòng suối vẫn chảy, tình yêu sách vở luôn “róc rách” đến mọi tế bào cơ thể tôi, đến khi học cấp 2, tôi thường lấy sách văn học của các chị đọc. Những năm học cấp 3, không ít lần, tôi đạp xe xuống trung tâm huyện cách nhà gần chục cây số chỉ để tìm và mua bằng được tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác, thơ Tố Hữu và những cuốn sách khác. Cho đến đại học, tôi “ngốn” ro ro các thể loại sách, mỗi lần được học bổng đều tự thưởng cho mình một cuốn sách. Thời sinh viên thiếu thốn, nhiều khi không đủ tiền để mua, tôi đã đứng chôn chân trong nhà sách từ sáng đến tối để đọc cho bằng hết các cuốn sách mà mình thích. Điểm này thì tôi thành thật xin lỗi các tác giả, các nhà xuất bản, các nhà sách, tiệm sách. Điểm đến yêu thích của tôi cũng là các thư viện, các phố sách. Khi tốt nghiệp đại học, bố mẹ phải dành riêng một phòng trên gác hai để cất giữ sách vở của tôi. Mỗi lần về quê, nhìn lại gia tài của mình, lòng xốn xang khó tả.

Quả thực, tôi đã – một cách rất tự nhiên – tình nguyện trở thành một con mọt sách. Các ba mẹ hiện nay có điều kiện thuận lợi hơn, hy vọng cũng sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng cho các em bé của mình trở thành những con mọt sách đáng yêu.

HN

About admin2

Scroll To Top