Tiểu thuyết phiêu lưu lật ngược những trật tự vốn có của xã hội, mang tới cách nhìn mới về cuộc sống.
Trạm thu phí quái lạ được xuất bản lần đầu vào năm 1961. Câu chuyện kể về Milo – một cậu bé chán chường, luôn uể oải và chẳng thấy cuộc sống có gì thú vị. Lúc ở trường, cậu mong về nhà và khi về rồi cậu lại muốn đến trường. Trên đường, cậu thích cảm giác ở nhà, và khi đã về cậu lại nghĩ đến chuyện ra ngoài. Ở bất kỳ chỗ nào cậu cũng mong mình đến một nơi khác, để khi tới đó cậu bắt đầu tự hỏi mình có mặt ở đây làm gì.
Không có gì thực sự làm cậu quan tâm, nhất là những thứ mà lẽ ra cậu phải quan tâm. Tệ hơn, cậu chẳng có việc gì để làm, chẳng có chỗ nào muốn đi và chẳng có thứ gì muốn xem.
Một ngày như mọi ngày, Milo ủ rũ cắp cặp về, mệt mỏi với những thứ quen thuộc. Đột nhiên cậu phát hiện một thùng hàng khổng lồ để trong phòng. Chính cái hình dáng vuông chẳng ra vuông, tròn không ra tròn, cùng kích cỡ lớn hơn mọi thùng hàng cỡ lớn đã kích thích cậu bé.
Trên thùng gắn phong bì đề dòng chữ: “Gửi Milo, cậu bé dư dả thời gian”. Mở thùng ra, cậu phát hiện bên trong là một trạm thu phí đường cao tốc. Cậu “lái” chiếc ô tô đồ chơi đi qua trạm thu phí, từ đó bước vào một thế giới khác xa những gì cậu tưởng tượng.
Milo đến những vùng đất chưa có tên trên bản đồ: thành phố Từ Điển, Vô Cực, lâu đài Không Trung, thung lũng Im Lặng, vùng đất Sự Mong Đợi… Dọc đường đi, Milo được tiếp xúc, quen biết với bao nhân vật, nào là chó đồng hồ, ong đánh vần, bọ bịp, khối Thập Nhị Diện, người Biến Báo…
Điều mà Milo thu được từ hành trình không phải những điều quá mới nhưng đã thay đổi thái độ của cậu với cuộc sống xung quanh. Cậu nhận ra cuộc sống tưởng chừng quen thuộc và nhàm chán lại ẩn chứa những thứ để mình sáng tạo, mày mò, xây dựng, phá vỡ… Cuộc sống có đầy đủ mọi điều bí ẩn và kỳ lạ mà cậu chưa biết tới: những bản nhạc cậu có thể chơi, bài hát cậu ngân lên, những điều con người có thể tưởng tượng và một ngày kia biến chúng thành hiện thực.
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ đưa Trạm thu phí quái lạ vào danh sách 100 cuốn sách giáo dục trẻ em. Tác phẩm cũng được sân khấu hóa với nhiều hình thức như nhạc kịch, kịch nói, dựng thành phim hoạt hình công chiếu năm 1970.
Về nội dung, Trạm thu phí quái lạ thường được ví với Alice ở xứ sở diệu kỳ hoặc Phù thủy xứ Oz. Tác phẩm là một kinh điển của văn học thiếu nhi khi đưa ra nhiều thông điệp sắc sảo. Tác giả chơi chữ dày đặc trong tiểu thuyết, tạo ra những chỉ lối, dẫn dụ người đọc khám phá ẩn ý phía sau.
Cuốn sách được viết bởi nhà văn, kiến trúc sư Norton Juster (1929). Trong một giai đoạn “kiệt sức” với công việc quy hoạch, ông nảy ra ý định nghỉ ngơi và viết sách về đô thị. Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với một cậu bé khiến ông đặt bút viết Trạm thu phí quái lạ. Tác phẩm không có gì liên quan tới môi trường, mà là sự chạm trán của một thiếu nhi với những con số, ngôn từ, ngữ nghĩa, những khái niệm áp đặt bấy lâu lên trẻ con.
Ngoài Trạm thu phí quái lạ, Norton Juster nổi tiếng với các tác phẩm văn học khác, như: The Dot and The Line (đoạt giải Oscar Phim hoạt hình ngắn năm 1965), Sourpuss and Sweetie Pie, The Hello, Goodbye Window…
Trạm thu phí quái lạ được minh họa bởi họa sĩ truyện tranh Jules Feiffer. Ông là tác giả của hơn 35 cuốn sách, vở kịch, kịch bản phim. Năm 1986, ông đoạt giải Pulitzer cho loạt hí họa trên tờ Village Voice.
Lam Thu (Theo Nhã Nam)