Home / Bài Viết / Trò chơi thơ ca giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ

Trò chơi thơ ca giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ

Nghe một câu thơ hay bài hát, ban đầu bé sẽ cảm nhận vần điệu, sau đó hiểu về ý nghĩa từng từ và liên hệ nội dung với cuộc sống. 

Theo tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, ngay từ khi còn là bào thai, đứa trẻ đã phản ứng nhạy cảm với nhịp điệu, âm thanh qua bước đi, động tác và lời nói của mẹ. Cảm nhận đầu tiên về ngôn ngữ khi bé ra đời cũng bắt đầu từ rất sớm thông qua người mẹ. Giọng mẹ êm êm, dễ chịu, quen thuộc dẫn dắt bé từng bước tìm hiểu thế giới và khám phá chính bản thân.

Những đứa trẻ ban đầu phản ứng tích cực với thể loại thơ ngắn, có nhịp điệu, giúp cảm thấy vui vẻ, bình tĩnh. Khi lắng nghe thơ, trẻ em có xu hướng bắt chước đọc theo vì dễ nhớ, dễ thể hiện.

Vần thơ như bước chân ngắn, lẫm chẫm hay hơi thở dồn dập của một em bé. Thơ cũng có thể ngân nga ngắn dài như một câu lục bát mẹ hát ru con. Tùy từng thời điểm mà chọn thể loại phù hợp, chẳng hạn khi trẻ chơi nên cho nghe thơ ngắn, khi nghỉ ngơi, sắp ngủ thì giọng thơ êm ấm dịu dàng để dỗ bé ngủ yên.

Việc tiếp nhận thơ của trẻ ban đầu chỉ là là cảm nhận nhịp điệu rồi đến vần, sau đó mới vỡ dần về ý nghĩa từng từ và liên hệ nội dung với cuộc sống. Các bé được tiếp xúc với thơ ca từ sớm sẽ có cho riêng mình một hình dung về thế giới thú vị thông qua tư duy ngôn ngữ sớm.

Thể loại thơ dành cho trẻ nhỏ là thứ ngôn ngữ đặc biệt giản dị, rõ ràng, trong sáng. Thủ pháp láy từ, láy âm, láy hình ảnh là điểm mấu chốt quan trọng trong quá trình tư duy và tiếp nhận của bé. Khi lặp đi lặp lại và có thao tác bắt chước, học thuộc đoạn thơ, não của trẻ được kích thích phát triển toàn diện từ những ngày còn non nớt.

Nếu phụ huynh thường xuyên đọc thơ cho nghe trong những năm đầu đời, bé sẽ có vốn từ phong phú và dần phân biệt được ngữ nghĩa. Thậm chí chúng còn hiểu được những khái niệm mà người lớn cho là phức tạp đối với trẻ như đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa… Nhiều nghiên cứu cho thấy thơ ca còn giúp nâng cao năng lực thẩm mỹ, giúp trẻ xây dựng sự nhạy bén về ngôn ngữ, cảm nhận ngôn ngữ bằng cảm xúc và các giác quan. Trẻ có thể “cảm” một từ thay vì chỉ hiểu nghĩa từ ấy.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh kể về kinh nghiệm ru con bằng bài “Cái cò mày đi ăn đêm”. Sau này cậu bé lên ba, một lần nghe được từ “cái cò” thì bảo mẹ: “Từ này rất buồn mẹ ạ”. Lần khác, khi cùng mẹ ngắm trời đêm rất nhiều sao, em bảo: “Trời có màu êm, mẹ ạ”. Khái niệm “màu êm” mà đứa trẻ cảm nhận được bắt nguồn từ trong thơ ca là một thứ màu đặc biệt mà người lớn không dễ tìm ra được. Đó là cảm nhận màu sắc và nói ra bằng thứ ngôn ngữ có sự tham gia của các giác quan.

Qua thơ ca, cha mẹ và con cái còn có cơ hội giao lưu cảm xúc với nhau. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nhớ một người bạn sau 2 năm đi du học nước ngoài trở về quê thì đứa con đầu lòng đã được 3 tuổi. Khoảng thời gian qua khiến giữa hai bố con có một vách ngăn không làm sao để xóa bỏ nó thật nhanh. Được một người bạn tư vấn, ông bố trẻ này đã dùng thơ, đồng dao để chơi với con. Ngay lập tức, 2 cha con trở nên gần gũi với nhau như chưa từng xa cách.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh gợi ý một vài trò chơi bằng thơ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ như sau:

1. Điền từ

Người lớn đọc đoạn thơ và dừng lại cho trẻ đọc theo những từ cuối. Chẳng hạn, mẹ đọc:

Dê trắng còn nhỏĐầu chưa mọc sừngNhưng đã đến trườngNên dê biết đếmDê con là….(Mẹ chỉ em bé, em bé đáp: Một).Anh Bê là…. (Mẹ chỉ bố, bố đáp: Hai).

Cứ như thế cho đến hết phần đếm người của bài thơ “Chú dê con biết đếm đến mười”.

2. Đối đáp

Chọn những bài thơ có phần đối đáp, có thể mẹ và con đối đáp, mẹ đối với bố và con hoặc mẹ và các con đối đáp. Chỉ nên có 2 bè, không nên có  3, 4 nhân vật.

Ví dụ:

Mẹ: Cốc cốc cốc.Các con: Ai gọi đó?Mẹ: Tôi là thỏ.Các con: Nếu là thỏ, cho xem tai.

Khi đã quen với trò chơi này, mẹ có thể thay bằng những con khác như thỏ, nai để các con được sáng tạo.

Mẹ: Tôi là mèoCon: Nếu là mèo, kêu meo meo.

3. Trò chơi thể hiện ý thơ bằng động tác cơ thể.

Nước ơi, nước ơiLại đây với béCho bé rửa mặtCho bé rửa tayCho bé sạch sẽRồi bé đi chơiMắt bé sáng ngờiNụ cười xinh xắnRăng bé rất trắngBé cắn rất đau.

Với những động từ, bé sẽ mô phỏng được bằng điệu bộ. Với cụm “mắt sáng ngời”, bé chớp chớp mắt; “nụ cười xinh xắn”, bé cười duyên; “răng trắng”, bé nhe răng. Với câu cuối, giống như trò “Ù à ù ập”, bé làm động tác giả vờ cắn đồng thời thêm âm thanh “àm” sẽ rất vui, khiến hai mẹ con cười vui vẻ. Mẹ làm một lần, lần sau bé sẽ tự động làm.

Bài thơ “Đi chơi”:

Mặt trời thức dậyTrời đã sáng rồi“Bé ơi!”…(Bé): Dạ!Mình cùng đi chơiChiếc quần xinh xắnBé mặc ngay vàoRồi khoác chiếc áoRồi đội mũ lênNhớ nhé, đừng quênĐi găng tay ấmĐi giày thật vữngRồi ta lên đường.

Từ câu “Dạ” cho đến những động tác tiếp theo, bé đều thể hiện bằng hành động trong khi mẹ đọc. Đây là trò chơi áp dụng được trong nửa tháng trước khi chuyển sang trò khác.

4. Trò chơi “nói vần vèo”

Chú Vinh con bà BinhAnh Dế con bà BếQuả na của bà BaQuả hồng của bà Bồng…

Ở mức độ cao hơn, bé có thể sáng tạo:

Bắt con cuaNấu canh chua

Chui vào tủĐể đi ngủ.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh sẽ trò chuyện với phụ huynh về chủ đề “Thơ ca và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ” từ 14h đến 16h30 ngày 14/3 tại Công ty Giáo dục KIDS TIME số 142 Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đăng ký tham dự miễn phí qua Email hoiquancacbamehcm@gmail hoặc điện thoại 0908 350 590.

Thi Trân (Theo vnexpress.net)

About admin2

Scroll To Top