Một năm học mới sắp đến. Con bạn năm nay sẽ đi nhà trẻ, tiểu học hay lên trung học? Dù cho con mới bắt đầu đi học hay đã đi học được vài năm thì mỗi ngày con đến trường, bạn đều có hàng vạn câu hỏi trong đầu. Con chơi cùng với ai trong giờ ra chơi? Con ăn trưa có ngon miệng không? Con ăn cùng ai? Con ngồi gần ai trên lớp? Thày cô giáo của con ra sao? Chúng ta luôn muốn biết cặn kẽ mọi thứ.
Và như lẽ thường, ngay khi đón con về nhà, bạn sẽ nôn nóng hỏi con: “Hôm nay con đi học thế nào?”, và rất nhiều khi, câu trả lời của con cho sự háo hức của bạn là: “Tốt ạ!”. Không bằng lòng với từ “tốt” ấy, tốt là tốt thế nào, bạn lại càng muốn hỏi con nhiều hơn nữa: Con ngồi gần ai lúc ăn trưa? Môn toán hôm nay là bài gì? Bạn ngồi cạnh con thế nào? Hôm nay có môn Khoa học không con?…v.v. Và thường là chúng ta rất ít khi nhận được các câu trả lời từ trẻ.
Và tôi đã nghĩ ngợi khá nhiều về cách mà trẻ trả lời các câu hỏi của bố mẹ. Thế nhưng tôi cũng nghĩ lại: Tôi cũng rất MỆT sau một ngày dài bộn bề công việc, cả về thể xác, lẫn tinh thần, cảm xúc. Tôi cũng không còn chút sức lực nào để mà trả lời cả một loạt câu hỏi như vậy. Trẻ cũng không khác chúng ta là bao. Đi học chính là công việc của chúng, cơ thể và tinh thần của chúng cũng cần được nghỉ ngơi khi về nhà. Trẻ sẽ rất hào hứng trò chuyện với bạn nếu chúng ta tìm được cách tiếp cận tốt hơn.
Dưới đây là một vài gợi ý để bạn trò chuyện cùng con sau giờ tan trường:
1. Hãy cho con thời gian
Giống như người lớn, trẻ cần thời gian nghỉ ngơi xả hơi sau một ngày dài học tập. Cho con thời gian để xả stress, thư giãn vui vẻ. Con cần tái nạp năng lượng sau khi đã cạn kiệt. Việc bạn cần làm chỉ là: Hãy kiên nhẫn!
2. Chấp nhận những gì con đưa ra
Khi con chia sẻ thông tin về một ngày ở trường của con, điều quan trọng là bạn hãy “ok” với mọi điều con nói. Điều đó có nghĩa là khi bạn hỏi “Giờ con thích nhất ở trường là khi nào?” thì hãy vui vẻ chấp nhận nếu câu trả lời là “Giờ ra chơi ạ!”. Nếu bạn nói với trẻ rằng: Mẹ/bố không quan tâm đến điều đó, hãy nói điều gì quan trọng hơn. Khi ấy, trẻ sẽ nghĩ rằng chúng ta không tôn trọng lời nói và suy nghĩ của trẻ. Trẻ có thể nghĩ rằng sẽ có một khuôn mẫu, tiêu chuẩn câu trả lời mà chúng cần có khi nói với bố mẹ về trường học, và từ đây, việc giao tiếp giữa bạn và trẻ sẽ trở nên khó khăn hơn. Bất kể câu trả lời là gì, hãy tiếp tục trò chuyện cùng con, chủ động lắng nghe con nói, tỏ rõ sự quan tâm của bạn. Dùng các thông tin mà trẻ cung cấp để hỏi lại con sau. Ban đầu con có thể chỉ đưa ra những thông tin chung chung, nhưng khi chúng thấy bạn thực sự quan tâm, dần dần, con sẽ rất hứng khởi để trò chuyện với bạn.
3. Hãy hỏi dần dần
Bạn muốn biết mọi thứ về trường lớp của con ngay khi con về nhà. Bạn sốt sắng muốn hỏi ngay lập tức, sợ rằng nếu không hỏi ngay và luôn thì con sẽ quên mất. Nhưng trẻ cần thời gian để xử lý thông tin. Nhiều trẻ sẽ thấy phấn khích hơn trong việc chia sẻ thông tin với bố mẹ khi chúng không gặp áp lực phải “sản xuất” ra được một câu trả lời đúng ý người lớn. Khi trẻ có thời gian nghỉ ngơi, chúng cũng sẽ dễ dàng nhớ lại những gì quan trọng với chúng.
4. Không quy chụp
Không quy chụp việc trẻ chưa trả lời nhiều thông tin cho bạn thành tính cách hay con người trẻ. Khi trẻ chưa sẵn sàng mở lời, đừng đánh giá vội vàng. Hãy nhớ rằng sau một ngày làm việc dài, bạn cũng rất dễ mệt mỏi, cáu gắt, đói bụng và cũng cần không gian để nghỉ ngơi. Đó không phải là tính cách con người bạn, mà đó là quy luật tự nhiên.
Chúc bạn trò chuyện thành công với em bé của bạn trong năm học này!
Hiếu Nguyễn dịch
Tác giả: Bekki Lindner
Nguồn: http://www.scholastic.com/