Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam (07/5/1955 – 07/5/2015), CLB Đọc sách cùng con xin được đăng tải lại bản đầy đủ bài ký sự của nhà văn Thụy Anh về Lữ đoàn 189 Tàu ngầm. Bài viết đã được đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần số 14 – 2015 (1635) ngày 19/4/2015.
Tàu ngầm trên quân cảng Cam Ranh (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương)
Từ phía xa, sống lưng con tàu đen trũi xuất hiện giữa mênh mông màu xanh tuyệt đẹp của quân cảng Cam Ranh, trời biển quyện một màu phóng khoáng. Tàu tiến dần về phía cầu cảng, nơi lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 cùng một số cán bộ sĩ quan đứng thành hàng ngũ ngay ngắn, đang chờ đợi. Tàu càng đến gần, chúng tôi càng thấy rõ vẻ đẹp mạnh mẽ của nó, như một con cá voi đen bóng khổng lồ, chắc chắc, bình thản. Trên đài chỉ huy cao vọi, hai bên cánh, dọc theo thân tàu, một hàng thủy thủ đứng hướng về bờ. Trên thân tàu có ghi dòng chữ: 182 – Hà Nội.
Tiếng khẩu lệnh khẩn trương, tác phong nhanh nhẹn cẩn trọng của các thủy thủ khi khéo léo ném dây mồi, kéo dây neo tàu, vẻ nghiêm trang của những người trên bờ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc phấp phới trong gió sớm – tất cả khiến chúng tôi, những nhà văn đi thực tế ở lữ đoàn, không khỏi cảm động. Tôi nhớ câu nói của lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm trong câu chuyện trước đó với đoàn, rằng với lính tàu ngầm, không được quyền sai sót, không có quyền… rút kinh nghiệm của chính mình vì đã có thể phải trá giá bằng cả mạng sống.
Kíp tàu tập trung gọn gàng trên bờ, gương mặt ai cũng rắn rỏi, mắt lấp lánh vui tươi. Khi họ báo cáo chuyến đi làm nhiệm vụ đã hoàn thành tốt đẹp, tôi thấy cay sống mũi. Nếu không có dịp may thâm nhập lữ đoàn, có lẽ tôi sẽ không biết đến cảm xúc này. Như thể mình trở thành một người thân của họ, những người lính, vừa vui sướng vừa tự hào được đón họ trở về. Có gì thân thương hơn thế, và cũng lớn lao hơn thế. Ở nơi ngập tràn hồn biển Tổ quốc, những bé nhỏ thân thương và cao cả lớn lao bỗng hòa làm một, không thể tách rời. Bỗng nhớ bộ phim về lính tàu ngầm của Nga mà anh em tàu 184 Hải Phòng gửi cho chúng tôi xem, có câu hát da diết đầy lo âu:
“Dù ở nơi đâu, bất chấp bão giông
Ly rượu này xin cùng tôi uống cạn
Chúc cho số lần lặn vào lòng biển thẳm
Bằng số lần nổi lên mặt nước hân hoan”
Hân hoan đón người trở về, người trên bờ thực hiện một thủ tục truyền thống khi đón tàu ngầm, là tặng kíp tàu một con heo sữa quay, cùng lời chúc mừng nồng nhiệt. Người Nga khi giao tàu ngầm cho chúng ta cũng chuyển giao cả những thủ tục độc đáo như thế, được chấp hành nghiêm túc. Heo sữa quay thể hiện tình cảm trân trọng của người chờ đợi, đồng thời cũng tượng trưng cho sự chào đón chiến công mà các thủy thủ đã thực hiện nơi lòng biển sâu.
Để có những chiến công, đương nhiên, phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả chất xám nữa.
Quyết tâm, tốc độ mà chính xác, bền bỉ
Không phải bắt đầu từ ngày 20/6/2011, ngày thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 thuộc Quân chủng Hải quân, chúng ta mới bắt đầu chuẩn bị đào tạo cán bộ, thủy thủ tàu ngầm. Ngày 15/10/2010, kíp tàu ngầm số 01 đi Nga, đến ngày 09/01/2011, khai giảng khóa đào tạo học viên tàu ngầm Kilo 636 cho các học viên thuộc kíp chỉ huy cơ quan và nghiệp vụ. Nhưng về mặt con người thì họ đã sẵn sàng cho công việc khó khăn này từ lâu hơn nữa. Rất lâu trước đó – 30 năm trước – đã có trung đoàn đặc công tàu ngầm 196 với nguồn lực được đào tạo tương đối bài bản, cung cấp cho Lữ đoàn mới nhiều nhân lực giỏi. Những người được lựa chọn về đây từ các đơn vị khác nhau trong quân chủng đều là những cán bộ sĩ quan tiêu biểu về sức khỏe thể chất và tinh thần, giỏi kỹ thuật và khả năng chịu đựng áp lực cao, qua rất nhiều vòng tuyển loại khó khăn. Khi hỏi, thi tuyển qua bao nhiêu vòng, họ cười: “3, 4 vòng ở đơn vị cũ, 5, 7 vòng ở lữ đoàn”. Thử thách có nhiều, trong đó, họ nhớ nhất là “trò” quay tít hơn 100 vòng, dừng lại phải nhanh chóng lấy được thăng bằng và thử thách trong buồng khí nén với áp suất tương đương với áp suất dưới độ sâu 50-70m nước. Tuy nhiên, thử thách đầu tiên nhanh chóng trở thành các bài tập rèn luyện thể lực thường xuyên của đơn vị. Bây giờ họ chỉ mỉm cười vui vui khi thấy những người “bình thường” chúng tôi lè lưỡi thán phục trước sức chịu đựng phi thường của họ. Trong doanh trại có đầy đủ các công cụ tập luyện hiện đại ngoài trời, đường chạy, bể bơi, phòng tập đấm bốc, tập võ, sân bóng đá, sân bóng chuyền, thậm chí cả phòng tập đa năng ở mỗi khu nhà. Sớm và chiều, dường như không một người nào không tập luyện gì đó. Cuối ngày, từ phía các sân tập, tôi nghe thấy tiếng cười hồn nhiên và cả tiếng thánh thót rơi những giọt mồ hôi vui vẻ của họ.
Việc rèn luyện thể chất của người lính không làm tôi ngạc nhiên bằng sức học của họ. Đến thăm Trung tâm huấn luyện tàu ngầm, chúng tôi hoa hết cả mắt trước những khu mô phỏng chi tiết, hàng ngàn van ống xoắn xuýt, bảng biểu được chú thích bằng tiếng Nga. Một sĩ quan đang hướng dẫn phần thực hành ở khu “cứu hộ lặn nhẹ thoát hiểm”. Giọng anh nhỏ nhẹ kỳ lạ, nhưng rõ ràng đâu ra đấy. Tôi hỏi: “Tất cả đều phải biết tiếng Nga sao?”. Anh cười cười, gật đầu: “Không biết cũng phải biết!”.
Cho đến khi về gặp gỡ, giao lưu với kíp 7 là kíp được đào tạo tại Ấn Độ, tôi mới tin cái gật đầu ấy. Buổi tối thứ 6, anh em kíp 7 không xem phim, không ca hát. Từ kíp trưởng là thiếu tá Đào Văn Thảo, theo anh tự nhận, là “già nhất” – sinh năm 1975 cho đến người trẻ nhất sinh năm 1991, miệt mài với cuốn sách giáo khoa tiếng Nga. Là người được đào tạo ở Nga, tôi xin phép tham gia học cùng họ, chia sẻ chút kinh nghiệm hệ thống ngữ pháp và cách ghi nhớ cấp tốc của mình. Không ngờ, lời đề nghị thiếu khiêm tốn này được vui vẻ tiếp nhận. Qua thao tác test nho nhỏ, tôi đã thấy ngay khả năng tập trung và quyết tâm của những người lính. Mới học vài tháng, được hướng dẫn đôi chút, tự học là nhiều, thế mà rất nhiều người trong số họ tỏ ra khá vững ngữ pháp, bắt đầu tích lũy vốn từ, tiếp cận tài liệu toàn các thuật ngữ kỹ thuật tàu ngầm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những chuyên gia Nga đang hướng dẫn kỹ thuật trên bờ mà chúng tôi được gặp chớp nhoáng giữa giờ, cứ tấm tắc khen lính ta thông minh và chịu khó, cái gì không biết, quyết biết bằng được. Cũng chính vì thế mà tàu 182 và 183 mới đón nhận hơn một năm nay, các cán bộ, thủy thủ ta đã hoàn toàn làm chủ được tàu, đi xa dài ngày không cần chuyên gia đi kèm.
Anh em tàu 184 Hải Phòng thì sau hai năm rèn luyện tại Nga, họ đã làm việc tương đối thoải mái với vốn tiếng Nga làm việc đáng kính nể. Ngoài việc học chuyên môn trên lớp, họ còn có thời gian tự học tiếng từ 19h30 đến 23h00 hàng ngày mà sáng vẫn 6h00 dậy chạy bộ hết 3 cây số. Những ai bị điểm 3 thì tự “phạt” mình bằng cách không đi chơi ngày nghỉ để ôn luyện. Nhiều buổi sinh hoạt giao ban, các anh kiên quyết chỉ sử dụng tiếng Nga. Ban đầu chật vật, sau quen dần. Có anh còn thực hành bằng cách hàng ngày sau giờ học thường tìm đến trò chuyện với một bà cụ về hưu ngày ngày ngồi sưởi nắng trong công viên. Kết quả là trên 50% anh em đạt toàn điểm 5 –mồ hôi mặn đắng đã đổi được một con số ngọt ngào!
Trở lại với buổi học tiếng Nga đặc biệt mà tôi được tham dự tại lữ đoàn 189 một tối tháng 3 hôm ấy, tôi nghĩ, có lẽ trong đời dạy học của mình, tôi chưa từng thấy hạnh phúc đến thế với chỉ ít phút được làm “cô giáo” ở đây, giữa những người lính. Dường như, chưa bao giờ tôi được lắng nghe như thế, và cũng chưa bao giờ có cơ hội chia sẻ với người lính giản dị và gần gũi đến vậy. Trong một trò chơi nhỏ, tôi đề nghị anh em kíp 7 viết ra một từ bất kỳ xuất hiện trong đầu họ, một từ đầu tiên mà họ nhớ nhất và yêu quý nhất. Và tất nhiên rồi, lẽ ra tôi phải đoán được, cái từ được viết ra nhiều nhất trên những tấm bìa, với nét chữ còn vùng vụng bằng tiếng Nga, là từ :“Tàu ngầm”!
Sợ tan mất mùa xuân…
Ở trong lòng lữ đoàn 189 ít ngày, chúng tôi trải qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những câu hỏi có lẽ khá kỳ quặc luôn được đặt ra. Đầu tiên là, vì sao các sĩ quan có thể giữ những chiếc áo quân phục trắng đến thế, nếp là phẳng phiu đến thế – bất kỳ bà nội trợ nào cũng phải băn khoăn. Sau đó là một loạt băn khoăn khác như, vì sao răng họ trắng thế. Anh Đậu Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu 184 đùa đùa bảo chúng tôi, rằng vì… không có trà mà uống, uống nước lọc răng đẹp. Nhưng sau đó, anh kể, điều kiện đầu tiên của lính tàu ngầm là răng khỏe, không sâu. Dưới tàu, nơi thiếu dưỡng khí nhiều ngày, toàn bộ kíp tàu phải thở bằng hỗn hợp khí, nồng độ oxy rất thấp (khoảng 18,5% hoặc thấp hơn). Hỗn hợp khí thở ra luôn được tái tạo để sử dụng, nếu sâu răng thì… hỏng hết! Nói rồi, anh cười rất tươi, khoe hàm răng cực trắng và cực đều của mình.
Và cuối cùng, điều tôi vẫn ngạc nhiên cho đến tận bây giờ, khi đã xa 189 được nửa tháng, là, vì sao trong xa xôi gian khổ, trong áp lực của việc học tập, rèn luyện và thiếu thốn tình cảm gia đình, những người lính vẫn đầy lãng mạn. Bắt đầu ngay từ người đứng đầu Lữ đoàn. Và cũng bắt đầu ngay từ lời giới thiệu về tàu ngầm, Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm đã nói: “Tàu ngầm rất đẹp… Cá heo rất thích… Khi chúng tôi thử nghiệm tàu trên biển Baltich, bắt gặp cả đàn lớn cá heo phải tới 60, 70 con vờn giỡn, nhảy san-tô xung quanh.”
Thật nhiều câu chuyện lãng mạn tôi được nghe ở đây. Trong đó có chuyện “cưới vợ qua Skype” của trung úy Vũ Văn Dũng, kíp 7. Cho đến giờ, anh em vẫn trêu Dũng là may có được “vợ nhặt”. Đã định ngày cưới mà do tình huống bất ngờ mà không về được đúng hẹn, hai bên gia đình vẫn quyết tâm “cho cưới”. Với người lính, bất ngờ là chuyện đã quen. Cô dâu của anh, sau những phút tủi thân dễ hiểu, cũng đã bắt đầu trở thành người vợ lính thật sự khi cô vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh, đồng ý cho… đón dâu qua Skype! Có lẽ đó sẽ là một kỷ niệm thật đẹp của họ, một đám cưới hy hữu – cô dâu đứng bên… máy tính làm lễ với hai họ, chú rể ở tận Ấn Độ mặc comple, trịnh trọng và hồi hộp đứng… nhìn màn hình. Đầu năm 2015, đơn vị tổ chức cưới lại cho họ ở đơn vị rất vui và đầm ấm, báo hỷ cùng hai đôi uyên ương khác nữa. Tình yêu và đám cưới của người lính tàu ngầm độc đáo và lãng mạn thế đó!
Buổi sáng thứ 7 “lao động cộng sản” ở doanh trại, tôi thấy anh em chăm chút cho nơi ở của mình bằng những hình đắp nổi trang trí, bằng những bồn hoa được xếp gạch vuông vắn. Và vàng, đỏ, cam, xanh biếc… những khóm hoa nhiều màu khoe sắc sặc sỡ bên người lính. Trước nhà có thảm cỏ xanh điểm hoa vàng rực. Trung úy Nguyễn Tư Hóa, lính thông tin của tàu 184, tâm sự: “Thảm hoa này gợi em nhớ đến thảm hoa bồ công anh bên Nga, những ngày đầu Xuân, chị ạ. Sao cỏ xanh thế, cây cối thay màu nhanh thế… Em cứ nhớ, hoa cỏ càng đẹp mình càng thấy tiếc nuối, cứ như là sắp tan mất mùa Xuân…”. Rồi cười ngượng nghịu, dường như không quen với việc nói ra cảm xúc của mình. Là bởi, lính tàu ngầm vốn kiệm lời. Lại còn là lính thông tin, như các anh nói vui – “bí mật bất ngờ, kịp thời ngắn gọn”, dường như mọi tình cảm cũng lặn sâu vào trong. Khó khăn cũng im lặng chịu đựng. Vui quá cũng không thể hò reo. Đương nhiên, ở đây có cả thói quen và kỹ năng “giữ bí mật quân sự” nữa. “Đoàn kết, kỷ luật, bí mật, quyết thắng” – là khẩu hiệu ngắn gọn được ghi trên biểu tượng của Lữ đoàn. Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi bảo nhau, ở đây, thấy anh em cười nhiều hơn là nói. Những nụ cười sáng rỡ, đẹp như tâm hồn của họ vậy.
Chuyện trên bến cảng (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương)
Chuyện 13 đứa trẻ…
Chuyện xa xôi, không được gần gũi gia đình của người lính dường như ai cũng biết, người lính nào trên thế giới cũng vậy. Nhưng, tôi trộm nghĩ, đối với lính biển nói chung và lính tàu ngầm Việt Nam nói riêng, thì tình yêu của người phụ nữ quê nhà dành cho họ hẳn phải luôn sâu sắc gấp nhiều lần những tình yêu khác. Sâu sắc đến độ không cần những nồng nhiệt hình thức, đến độ … không cần nói ra. Nhắn tin cho chồng, thấy không đáp lời là tự biết chồng đã đi làm nhiệm vụ. Không đòi hỏi, không căn vặn, không hờn dỗi, không cả dựa dẫm… Hình ảnh những người vợ với nhiều cái “không” như thế, qua lời kể của người lính, cũng hiện lên thật đẹp trong suy nghĩ của tôi. Tôi nhớ lại câu chuyện của một sĩ quan tàu ngầm Nga, sau những chuyến đi trở về phải hai lần… thay vợ. Những người phụ nữ ấy không chịu nổi cảnh luôn phải đơn độc đối mặt với cuộc sống, cũng là điều dễ hiểu. Tôi lẩn thẩn tự lý giải câu chuyện của những người lính tàu ngầm chúng ta: Có phải, tình yêu của họ dành cho nhau “được khuếch đại” lên bằng cách nào đó, để những người vợ vừa chờ đợi, vừa nuôi con, vừa làm cha, lại vẫn rạng rỡ trong một niềm tin vững vàng kỳ lạ?
Còn các bạn nhỏ thì sao? Thật thú vị khi nghe kể về 13 đứa trẻ ra đời trong thời gian kíp tàu 184 học tập xa Tổ quốc. Và cũng 10 bạn nhỏ như thế của những người cha là lính tàu ngầm kíp 7 đã ra đời mà cha con rất lâu sau mới được gặp mặt. Những người lính rộn ràng hẳn lên khi nói đến con, kể về những cảm xúc nôn nao của người lần đầu làm cha mà lại không lao về ngay với con được. Thượng úy Phạm Hồng Quý (Tàu 184) kể, khi trở về, con của anh nhất quyết không theo cha, không cho bế vì… thấy lạ hoắc. Có người đã có đến đứa con thứ hai mà vẫn nguyên một thắc mắc… chưa từng nhìn thấy vợ có bầu!… Nghe chuyện của các anh, tôi cũng rưng rưng vì chạnh nhớ câu chuyện của mình: bố tôi, một người lính, từng viết trong nhật ký về ngày tôi ra đời. Hôm đó, bố ở đơn vị, ngủ mơ thấy tiếng trẻ con khóc. Mấy hôm sau sốt ruột xin về thăm nhà một đêm, về đến nhà mới biết con đã ra đời sớm hai tháng, đúng hôm mơ thấy tiếng khóc. Sợi dây liên hệ tinh thần giữa cha và con thiêng liêng đến khó lý giải.
Chúng tôi rời Lữ đoàn vào một ngày thứ Bảy, cũng là lúc một số sĩ quan rời đơn vị về với gia đình ở Nha Trang, Đà Nẵng. Một anh vừa vội vã ra xe vừa kể: lần này sẽ đến gặp cô giáo của con để nhờ cô hỗ trợ cháu mỗi khi các bạn trêu chọc, bắt nạt, chỉ vì mấy năm trời con đi học chỉ có mẹ đến họp phụ huynh. Con khoe: “Bố tớ là lính tàu ngầm”, chẳng bạn nào tin, khiến cu cậu tủi thân, đòi chuyển trường…
Còn nhiều gia đình xa nhau như vậy, đặc biệt là những người có vợ ở quê miền Bắc, miền Trung Bắc Bộ. Tỉnh Khánh Hòa rất quan tâm, cấp 90 suất đất để sĩ quan thủy thủ hợp lý hóa gia đình. Sắp tới đây lại có hẳn một khu đô thị căn cứ Cam Ranh với quy mô đầu tư gồm 8 chung cư với 872 căn hộ, dự kiến có trường mầm non, trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở. Hy vọng những người lính của chúng ta sớm đưa “hậu phương” về gần, để bớt đi một phần nhọc nhằn xa cách.
Tranh do bạn Huy Anh (9 tuổi) làm sau khi lắng nghe những câu chuyện về Tàu ngầm từ cô Thụy Anh
Tranh của bạn Hiền Minh (9 tuổi)
Trong lòng “hố đen đại dương”…
Câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ dưới tàu, trong lòng biển, hóa ra lại là câu chuyện nói đến sau cùng. Những người lính không muốn rườm lời về công việc khó khăn, nguy hiểm mà suốt bao lâu họ vẫn rèn luyện ráo riết để chuẩn bị thích ứng. Ngoài việc chịu được áp lực về thể chất, thần kinh phải thật vững vàng.
Tàu ngầm 636.1 Varshavianka được phương Tây đặt tên là “hố đen đại dương” vì khả năng “biến mất” của nó trong lòng biển, thách thức các phương tiện kỹ thuật thủy âm. Tàu có 6 khoang, trong mỗi khoang là hàng ngàn van ống. Không gian hẹp. Tiếng ồn thông gió. Tiếng khẩu lệnh chốc chốc vang lên. Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện của người trắc thủ sonar. Tàu đi trong biển, cần nhất đôi tai thính nhạy nghe hơi biển, nghe sóng, nghe tiếng chân vịt, tiếng trả sóng những con tàu… để phán đoán được tình hình: tàu nào đi ngang qua, to nhỏ anh đều phải phân biệt, không được sai. Mọi bất trắc có thể gặp đều đã được đặt ra thành tình huống xử lý ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm: xử lý khi chìm, chống ngư lôi của đối phương, xử lý đâm va, đáy bị thủng..v..v. Ở khoang luyện tập thoát hiểm, các sĩ quan phải vượt qua các thử thách như thật: tạo âu (cấp nén khí cân bằng áp suất bên ngoài), đánh ngập khoang thoát. Giữa các khoang tàu đều có cửa van chắc chắn. Khi một khoang có vấn đề, thay vì… chạy dồn sang khoang khác, nhóm thủy thủ phải nhanh chóng đóng chặt cửa tự nhốt mình trong đó, xử lý độc lập bằng được để không liên lụy sang khoang khác. Ở nơi đêm là ngày, ngày là đêm ấy, những người lính phải đoàn kết một lòng, tin tưởng lẫn nhau, chấp nhận hy sinh vì đồng đội.
Đương nhiên, trong lòng “hố đen đại dương”, họ không chỉ nói với nhau bằng khẩu lệnh. Đôi khi, vào dịp sinh nhật một ai đó, các thủy thủ và sĩ quan thay nhau… đọc thơ. Khoang tàu hẹp, họ phải xếp hàng mà đọc, người này đọc xong lùi đi ra, nhường chỗ cho người khác.
Thuyền trưởng Đậu Văn Hoàng nói với chúng tôi khi chia tay: “Lính tàu ngầm cái gì cũng “ngầm”. Thương nhớ ngầm và kiêu hãnh cũng kiêu hãnh ngầm, chẳng ai biết.” Điều này thì tôi lại không đồng ý với anh. Nét kiêu hãnh của người lính tàu ngầm, dù không nói ra, mà lồ lộ trong dáng đi, ánh mắt, cả trong cái cách đội mũ của anh nữa! Hay thậm chí, cả câu anh hay nhắc đi nhắc lại rất thật lòng – “Ở đơn vị nhớ vợ, về với vợ nhớ tàu” – cũng lấp lánh những âm sắc tự hào không che giấu được.
Và niềm tự hào chính đáng này, chúng tôi, dù mới ở đây được ít ngày, cũng cảm nhận được, và xin mạn phép được chia sẻ cùng các anh.
Thụy Anh
3/2015
Viết tại Lữ đoàn 189, Cam Ranh, Khánh Hòa.
Tàu ngầm thứ 5 “Khánh Hòa” đã rời bến ở Nhà máy đóng tàu Admiralty sáng ngày 1/4/2015, thực hiện các bước thử nghiệm trên biển. Chiếc thứ 6 có tên “Vũng Tàu” đã được khởi đóng từ ngày 28/5/2014, dự kiến giao cho Việt Nam năm 2016. Báo chí Nga và Việt Nam từng dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới LB Nga, tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng nhân dân”, Igor Korotchenko: “Những tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua là một trong những đề án tốt nhất của Nga. Chúng không chỉ được trang bị vũ khí và ngư lôi mà còn cả tổ hợp tên lửa tấn công Club-S. Điều này cho phép tàu tiêu diệt một loạt các mục tiêu mặt đất, các mục tiêu trên biển cũng như dưới nước”. Tàu có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300m, thuỷ thủ đoàn 52-60 người. Tàu được mệnh danh là “hố đen đại dương” vì khả năng “biến mất” của nó, thách thức các phương tiện kỹ thuật thủy âm. Tổ hợp sản xuất và nghiên cứu khoa học “Avrora” đã hỗ trợ xây dựng tại quân cảng Cam Ranh trung tâm huấn luyện tàu ngầm đồng bộ và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á và hiện giờ đang tích cực hoạt động đào tạo với hai khoa “Lý thuyết mô phỏng” và “Khoa thực hành”, đảm bảo việc rèn luyện các kíp thủy thủ và sĩ quan tàu ngầm chất lượng cao nhất, chuẩn bị cho các hoạt động trong lòng biển. (Thông tin tổng hợp từ các nguồn trên báo Nga)