Nhà văn Nguyễn Tuân xuất hiện trong nền văn học hiện đại Việt Nam với một phong cách văn học độc đáo từ tác phẩm Vang bóng một thời. Đi theo cách mạng và kháng chiến, tới những năm 1957, 1958 cùng các nhà văn xây nền đắp móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam, Nguyễn Tuân đã để lại cho bạn đọc thiếu nhi tác phẩm Truyện một cái thuyền đất.
Tác phẩm đã đưa bạn đọc trở về một bến sông ngàn năm xưa… mà vẫn như hôm nay, vẫn như ngày mai… có khói bay nhè nhẹ, có tiếng sóng vỗ vào bờ, có cây đa, cây bàng, có quán nước và… chuyện tình yêu.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nổi tiếng với truyện ngắn Những chiếc ấm đất(Vang bóng một thời), ông đã từng nhâm nhi từng câu chữ, nâng niu thưởng thức chậm rãi vẻ đẹp của những chiếc ấm đất dùng để pha trà… Từ đấy, ông đã đi đến tận nơi sản xuất ra những chiếc ấm đất, đó là làng Bát Tràng bên bờ sông Hồng, nơi đối diện nhìn sang đất Thăng Long – Hà Nội.
Có lẽ chúng ta đều đã từng dùng những cái bát, cái đĩa được sản xuất từ làng Bát Tràng… Nhưng không phải ai cũng đã có dịp đến Bát Tràng và cũng không phải ai cũng có thể biết được đời sống của những con người đã làm ra cái bát cái đĩa như thế nào?
Truyện một cái thuyền đất giản dị như một truyện dân gian cổ tích, truyện kể về cô Sao một cô thợ vẽ hoa trên bát đĩa trước khi đưa vào lò nung để thành bát sứ. Cô thương nhớ mong đợi anh Tạ, người chở thuyền đất nguyên liệu đến bán cho làng Bát Tràng để làm bát đĩa.
Nói chuyện về tình cảm nam nữ với trẻ em, nhà văn Nguyễn Tuân đã có một cách viết rất trong sáng. Khi kể về nỗi nhớ nhung, về cách hẹn hò của người thợ gốm sứ, nhà văn cho cô Sao đã nặn ra những cái hình khi thì gốc đa, khi thì cổng đình, khi thì giếng nước… Thật là giống như đồ chơi con trẻ.
Bạn đọc cũng sẽ được gặp gỡ với cụ Một, người thợ làng Bát Tràng, một nhân vật như người ông gần gũi nhân hậu, cảm thông chia sẻ với cô Sao và anh Tạ cứ như một ông Bụt hiển hiện giữa đời lam lũ… Chẳng hiểu sao khi đọc đến đoạn cô Sao vì nhớ anh Tạ mà vẽ ra cả cái thuyền vào bát sứ, tôi bỗng nhận ra một tình cảm lãng mạn chan chứa như là cảm giác của thiên truyện nổi tiếng Cánh buồm đỏ thắm (Aleksandr Grin).
Nhà văn Nguyễn Tuân quả là một bậc thầy văn chương khi ông đã viết nên một thiên truyện vừa lãng mạn lại vừa cổ điển về tình cảm lứa đôi nam nữ dẫn đến hôn nhân vợ chồng rất mộc mạc. Nhà văn đã nêu một chứng minh rõ ràng cho câu nói: “Không phải là viết về cái gì mà lại viết như thế nào cho trẻ em”.
Quả là giống như những truyện cổ tích viết về “người đẹp” và “quái vật” vẫn là văn học cho thiếu nhi. Truyện một cái thuyền đất là một thiên truyện quý giá, tìm đọc và hiểu được cái hay của câu chuyện đó giống như bạn đã hiểu được sự tinh túy của nghề gốm sứ Bát Tràng.
Các bạn thân mến, Truyện một chiếc thuyền đất của nhà văn Nguyễn Tuân được chọn lọc in lại cùng những cuốn sách quý trong dịp kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng thành lập, chính là một dịp đưa bạn đọc đến một viện bảo tàng, bạn sẽ được mở một kho tàng văn học, bạn sẽ được những viên ngọc quý. Những “viên ngọc quý” ấy bạn không dễ dàng có ngay, hãy đọc và cảm nhận câu chữ trong nhịp đập của trái tim mình. Chúc các bạn có niềm vui khai sáng khi đọc sách.
Nhà văn Lê Phương Liên (bài đã đăng trên trang zing.vn)