(Dân Việt) – Dưới góc độ của một nhà giáo dục học và một người mẹ tâm lý, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh – tác giả bộ sách “Bố ơi vì sao – Nói sao cho con hiểu?” đã có những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho các phụ huynh về cách tiếp nhận và giải đáp muôn vàn câu hỏi vì sao của trẻ và cách đối diện với nỗi sợ của con.
Là tác giả của bộ sách “Bố ơi vì sao – Nói sao cho con hiểu?”, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh lại vừa tiếp tục gửi tới các độc giả nhỏ tuổi cũng như các phụ huynh 10 cuốn sách tiếp theo sau thành công của 10 cuốn đầu tiên. Mỗi cuốn sách là một cách lý giải thú vị cho những câu hỏi “Vì sao…” của con trẻ.
Nhân dịp ra mắt phần tiếp theo của bộ sách, một chương trình giao lưu mang tên “Bố ơi vì sao? – Những phương án khác” do NXB Trẻ và CLB Đọc sách cùng con phối hợp tổ chức đã diễn ra chiều Chủ nhật vừa qua tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) dưới sự dẫn dắt của Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Điều đặc biệt là sự kiện này đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình không chỉ của các độc giả nhí U10 mà cả những bậc phụ huynh, ông bà U80.
Những câu hỏi mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể thắc mắc với cha mẹ chúng mà để giải thích được cho các bạn nhỏ hiểu và “ngấm” thì không mấy đơn giản: Vì sao phải tiết kiệm? Vì sao phải tắm? Vì sao phải đi ngủ? Vì sao phải ngồi xa tivi? Thế nào là nói bậy? Tình yêu là gì?…
Không giới hạn ở việc giới thiệu những cuốn sách mới, dưới góc độ của một nhà giáo dục học và một người mẹ tâm lý, tác giả Thụy Anh đã có những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích cho các phụ huynh về cách tiếp nhận và giải đáp muôn vàn câu hỏi vì sao của trẻ cho đúng cách, với những “kim chỉ nam” được đưa ra như: Không nên né tránh bất cứ câu hỏi nào của trẻ; Cách giải thích cho trẻ phải dựa trên cơ sở khoa học; Chỉ cho con cách quan sát cuộc sống xung quanh; Kết hợp với một chút tưởng tượng bay bổng…
Thông qua các hoạt động tương tác với các bạn nhỏ trong buổi giao lưu, chúng ta có dịp hiểu hơn câu chuyện của các con mình về nỗi sợ, về tình yêu cũng như khám phá thêm vốn ngôn ngữ diễn đạt phong phú của trẻ.
Chương trình có tính tương tác rất cao khi cả người lớn và trẻ con đều được yêu cầu chia sẻ về tình yêu, về nỗi sợ của mình cả theo cách trực tiếp kể lại, cả theo cách gián tiếp là viết lên những mảnh giấy đủ sắc màu rồi gửi về cho TSGD Thụy Anh đọc lên. Không phải chỉ các em nhỏ mới có nhiều nỗi sợ mà bản thân các bậc phụ huynh cũng có nhiều điều phải lo lắng, sợ hãi. Nhưng chính cách bố mẹ kể với con về cảm nhận của chính mình cũng là cách giúp con cởi mở hơn, dễ dàng tâm sự với bố mẹ hơn về những vấn đề con đang gặp phải.
Lời khuyên của TSGD Thụy Anh là: “Đừng nói với con câu “có cái gì mà sợ”, thay vào đó bố mẹ hãy tôn trọng cảm xúc của trẻ và chia sẻ nỗi sợ cùng con. Cũng không cần tạo áp lực cho con bằng việc bảo con phải dũng cảm lên mà hãy tôn trọng nỗi sợ đó và rồi đến lúc nào đó tự nỗi sợ đó sẽ đi qua”.
Ông Văn Hậu (77 tuổi, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội) có lẽ là bậc phụ huynh lớn tuổi nhất đến tham dự chương trình và cũng nhiệt tình đứng lên nói về nỗi sợ của mình. Hiện đang sống với hai đứa cháu học lớp 4 và lớp 7, nỗi sợ của ông là “sợ cháu mình bị nghiện internet dẫn đến mắt hỏng, tai nghễnh ngãng, bị máy móc “nuốt mất”, kỹ năng sống kém”.
Theo kinh nghiệm của “Mẹ hổ dịu dàng” – TSGD Nguyễn Thụy Anh, chia sẻ nỗi sợ không có nghĩa là phán xét nhưng việc chia sẻ này là rất cần thiết.
Tình yêu và nỗi sợ không chỉ được mô tả bằng lời mà bằng cả hình vẽ. Nữ họa sĩ người Nga – cô giáo mỹ thuật Olia của CLB Đọc sách cùng con đã gợi mở cho các bạn nhỏ cách thể hiện tâm tư tình cảm của mình qua nét vẽ. Trong bức tranh này, phần trên là cách cô Olia mô tả tình yêu và phần dưới là nỗi sợ.
Các bạn nhỏ hào hứng khi được vẽ nên cảm nhận của chính mình.
Tham gia vào các hoạt động của CLB Đọc sách cùng con, bạn nhỏ nào cũng thích thú khi được vừa học vừa chơi. Trong ảnh: Các bạn nhỏ đang chơi trò tráo đổi dép để tăng tính tương tác.
Là người luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức, tâm hồn cho thế hệ trẻ, sư thầy Thích Quảng Khiết – trụ trì chùa An Đức (Hải Dương) cũng đến chúc mừng TSGD Nguyễn Thụy Anh và bày tỏ: “Nhà chùa đi tu nhưng mang mơ ước làm nghề giáo mang tri thức cho các bạn trẻ. Mô hình CLB Đọc sách cùng con là mô hình nhà chùa luôn muốn mang đi các nơi, cho các em có một mô hình sinh hoạt bổ ích. Đây là cơ hội để các em sớm được tiếp xúc với sách, có khả năng đọc để trang bị những kiến thức trong tương lai. Các em là những mầm măng cần được bồi dưỡng.”
Không chỉ có các bạn nhỏ cùng các phụ huynh mà cả những bạn trẻ là Cộng tác viên của CLB Đọc sách cùng con, nhóm tình nguyện From me cũng đã có một khoảng thời gian thú vị khi chung tay với tác giả Nguyễn Thụy Anh tạo nên một chương trình ý nghĩa cùng “Nói sao cho con hiểu?”.
Khánh Thư – Ảnh: V.Q.Tùng, Cò Trắng (Theo danviet.vn)