Rối loạn phổ Tự kỷ (Autism Spectrum Disorder) là tên gọi dùng cho một nhóm các rối loạn phát triển ảnh hưởng tới não bộ. Rối loạn về não này ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ của một người với những người khác và khả năng phản ứng một cách phù hợp với thế giới bên ngoài. Những người mắc tự kỷ có xu hướng có những hành vi hoặc sở thích lặp đi lặp lại và lối suy nghĩ cứng nhắc. Mức độ nghiêm trọng của tự kỷ là khác nhau ở mỗi người. Có những người mắc tự kỷ vẫn có những chức năng tương đối cao, và ngôn ngữ cũng như trí thông minh của họ không bị ảnh hưởng. Có nhiều người bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng và chậm về mặt ngôn ngữ. Có những người không bao giờ nói.
Trẻ sơ sinh mắc tự kỷ có thể có biểu hiện tránh giao tiếp bằng mắt, có vẻ như bị điếc, và quá trình phát triển ngôn ngữ và kĩ năng xã hội bị dừng lại đột ngột. Người ta thống kê được rằng 20% trẻ có tự kỷ đã trải qua quá trình này, hay còn gọi là “thoái lui thần kinh.”
Trẻ tự kỷ có thể hành động như thể trẻ không ý thức về những người đến hoặc đi, về những va chạm thể chất và có thể làm tổn thương người khác ngay cả khi không bị kích thích. Trẻ sơ sinh mắc tự kỷ thường rất chăm chú vào một vật hay một hoạt động, vỗ tay, có vẻ không nhạy cảm với những vết bầm hay vết bỏng, và thậm chí có thể cố tình gây thương tích cho bản thân mình. Rối loạn thường trở nên rõ ràng hơn khi trẻ lên 3 tuổi, mặc dù một số trẻ được chẩn đoán muộn hơn. Khả năng bé trai tự kỷ cao gấp 3 tới 4 lần so với bé gái. Khi bé gái bị ảnh hưởng bởi rối loạn này, các em thường có những triệu chứng và suy giảm về nhận thức nghiêm trọng hơn.
Trẻ có thể mắc tự kỷ không phân biệt màu da, dân tộc, hay địa vị xã hội. Mặc dù người ta chưa tìm ra nguyên nhân của tự kỷ, có rất nhiều yếu tố được cho là có liên quan tới một số dạng tự kỷ; bao gồm các yếu tố truyền nhiễm, trong quá trình trao đổi chất, về gene, thần kinh, và yếu tố môi trường như chế độ ăn uống, hay tiếp xúc với chất độc hoặc dược phẩm.
Vào đầu những năm 1940, một bác sĩ tại bênh viện John Hopkins (Mỹ) là Leo Kanner đã nghiên cứu một nhóm gồm 11 trẻ chậm phát triển. Dựa trên những hành vi “tập trung vào bản thân” (self-involvement) và tự kích thích ở những trẻ này, ông sáng tạo ra thuật ngữ “tự kỷ ở trẻ sơ sinh”. Nhà khoa học Đức Hans Asperger nghiên cứu một nhóm trẻ khác cũng với những triệu chứng tương tự nhưng nhẹ hơn gần như cùng lúc với Kanner. Dạng nhẹ hơn của tự kỷ này về sau được biết đến là Hội chứng Asperger.
Tự kỷ: Là một rối loạn phát triển đặc trưng bởi sự suy giảm phát triển hoặc phát triển bất bình thường trong giao tiếp xã hội, kĩ năng tương tác, và những hành vi và sở thích đặc biệt hạn chế.
Nhận thức: “Nhận thức là toàn bộ những quy trình mà nhờ đó những cảm nhận từ các giác quan được chuyển hoá, được mã hoá, được lưu giữ và sử dụng.
Kĩ năng xã hội: Là những hành vi về nhận thức và biểu hiện bên ngoài được sử dụng trong tương tác giữa người với người, từ những hành vi không lời đơn giản (giao tiếp mắt, gật đầu)… cho tới những hành vi ngôn ngữ phức tạp (như đưa ra một thỏa hiệp mà làm hài lòng tất cả mọi người.)
Hội chứng Asperger (Asperger Syndrome): Là một rối loạn phát triển thuộc phổ tự kỷ, được định nghĩa bởi những khiếm khuyết trong giao tiếp và phát triển xã hội, những sở thích thu hẹp và hành vi lặp đi lặp lại. Không giống những người tự kỷ đặc trưng, người mắc AS không bị chậm phát triển ngôn ngữ hay nhận thức một cách rõ rệt. Những người mắc AS gặp khó khăn trong việc hiểu về xã hội, và những hành vi của họ thường không linh hoạt. Họ cũng gặp khó khăn trong ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ trừu tượng.
Nguồn :Nhóm Dịch – CLB RUBIC Vì trẻ tự kỷ
Nuôi con rối loạn phát triển