Home / Thông Báo / Ước mơ

Ước mơ

Cháu chàu cô Thuỵ Anh

Cháu có ước mơ là trở thành một người thợ làm bánh giỏi. Khi biết điều này, các bạn cứ cười và thậm chí trêu cháu, khiến cháu rất khó chịu và cũng có khi bị lung lay. Cháu không muốn ước mơ ấy của mình bị thay đổi. Vậy cháu cần làm gì, học gì để thực hiện được ước mơ của mình?

Cháu mong nhận được chia sẻ của cô ạ. Cháu cảm ơn cô.

Bùi Mỹ Hường (lớp 7E, THCS Thị trấn Yên Viên – Gia Lâm – Hà Nội)

anh uoc mo (1)

Làm bánh giỏi cũng là một tài năng

Trả lời:

Hường thân mến,

Đọc thư em, cô nhớ lại những ước mơ thời thơ ấu của mình và không khỏi mỉm cười. Cô nhớ, ở mỗi chặng đường của cuộc đời, cô có những ước mơ nho nhỏ khác nhau. Có những ước mơ gần như ngay lập tức thực hiện được! Có những ước mơ… mơ rồi lại quên bẵng đi. Nhưng cũng có ước mơ ban đầu chỉ rất mơ hồ, mãi đến khi lớn lên mới thành hình rõ nét và đã trở thành hiện thực về sau…

Cô rất thích câu hỏi của em vì cô đọc được sự chín chắn, quả quyết trong đó. Em còn hỏi “phải học gì, làm gì” để thực hiện ước mơ của mình – chứng tỏ em là con người nghiêm túc và quyết tâm

Theo cô nghĩ, thường tồn tại hai loại ước mơ. Khi ta mong muốn làm một việc gì đó trong tương lai, vẽ ra bao nhiêu tưởng tượng về điều đó nhưng lại… không có bất kỳ kế hoạch hành động nào hết! Ước mơ như vậy cũng rất cần. Nó khiến chúng ta phát triển trí tưởng tượng, sống bay bổng và lãng mạn hơn. Nhưng nó cũng nhanh chóng tan đi như bong bóng xà phòng mà ta chẳng mấy tiếc nuối. Loại ước mơ thứ hai cho ta cả trí tưởng tượng và cả một năng lượng kỳ lạ. Khi nghĩ đến nó, ta thấy hưng phấn, muốn ngay lập tức làm việc, học tập, tìm tòi… Mọi hành động của ta đều như hướng về một cái đích ấy. Ban đầu, ta thấy mình nhanh nhẹn hơn, chịu khó hơn, để ý hơn đến mọi sự liên quan đến ước mơ của mình. Dần dần, chính sự năng động ấy tạo cho ta sự tự tin, từng bước đạt được những tiến bộ nhất định và các mục tiêu ngày càng hiện ra cụ thể hơn trong suy nghĩ. Người ta nói, trí tưởng tượng dẫn dắt hành động và “vật chất hoá” ước mơ. Không một ai thành công mà không bắt đầu từ một ý tưởng, một mong muốn, một hình dung về tương lai! Và con người nhờ có ước mơ mà tạo nên được kỳ tích, làm ra “phép lạ”, thực hiện được những điều phi thường… Chẳng hạn, những phát minh khoa học của nhân loại… Hoặc, sự chịu đựng đáng kinh ngạc của con người khi gặp khó khăn, bị gây áp lực từ bên ngoài, nhưng vẫn bền bỉ theo đuổi dự định của mình. Đó là loại ước mơ “đường dài” – rất nhiều khi, nó táo bạo, kỳ lạ, không giới hạn, nhưng lại xây được những bậc thang hành động khiến con người từng bước trưởng thành.

Cô còn nhớ, hồi nhỏ, cô tình cờ có trong tay một cuốn sách có hình ảnh trại hè quốc tế thiếu nhi Artek ở Crưm (Liên Xô bấy giờ). Cô đọc đi đọc lại, ngắm hình ảnh, và mơ mộng. Cô tưởng tượng mình mặc những bộ quần áo như các bạn trong ảnh, đi lại, nói năng, chạy nhảy… Thế mà rồi, một ngày, cô đã có mặt ở trại hè đó, đã thực hiện mọi hoạt động y như mình đã hình dung! Năm ấy, cô 14 tuổi. Trở về từ trại hè, cô có ngay cho mình một ước mơ mới cùng “kế hoạch hành động” rõ nét hơn rất nhiều: phải học giỏi tiếng Nga để sang Nga du học! Thời đó không có nhiều nguồn thông tin, không có Internet, cô cũng không có cả băng đĩa để luyện nghe. Nhưng cô đã trở nên tích cực, khác hẳn đứa trẻ rụt rè, hay xấu hổ ngày trước. Cô đến phân viện tiếng Nga mang tên Pushkin ở Hà Nội xin được vào thư viện mượn sách. Cô đã nhờ người mua sách ở Nga gửi về. Cô gắng vượt qua nỗi ngại ngùng để trò chuyện, tiếp cận với chuyên gia Nga. Cô làm mọi bài tập thầy giao theo mức 200% – nghĩa là tự đặt thêm thử thách cho mình và nhờ thầy chấm điểm, góp ý…

anh uoc mo (2)

Hãy giữ lấy nước mơ của mình (ảnh:internet )

Cô kể câu chuyện của mình chỉ để minh hoạ cho việc, ước mơ làm ta trở thành con người biết hành động, cho ta sự hứng khởi và hạnh phúc, bỏ qua cả mọi lời đàm tiếu bên ngoài… Với ước mơ trở thành thợ làm bánh giỏi của em cũng thế! Cô tin, trước hết, em sẽ cảm thấy hạnh phúc vì mình có một ước mơ, sẽ tưởng tượng về những sản phẩm mình sáng tạo ra, tưởng tượng cả về những chuỗi cửa hàng bánh mang thương hiệu của mình hay những điều thú vị tương tự như thế. Sau đó, hẳn em sẽ để tâm hơn đến các công thức làm bánh, mọi thông tin liên quan từ các nguồn khác nhau. Rồi, cô đoán, em sẽ đi học làm bánh ở một lớp học nào đó (giờ các lớp học như thế mở ra khắp nơi), hoặc tìm cho mình một “sư phụ” trong số những người quen hoặc qua những người quen, luyện tập, sáng tạo mỗi ngày; làm bánh tặng bạn bè, người thân mỗi dịp sinh nhật, lễ tết… Cô tin, bạn bè em thấy em hành động, được ăn bánh ngon, sẽ chẳng có lý do gì mà chế giễu em nữa cả!

Tuy nhiên, như cô đã nói, ước mơ cũng có những bậc thang. Những gì em đang mong muốn bây giờ chưa chắc và không nên nghĩ là cái đích cuối cùng của cuộc đời. Ta sẽ không tự giới hạn mình. Cô nghĩ, biết đâu, trong lúc học làm bánh, sáng tạo các món bánh khác nhau, em tìm ra những ước mơ khác táo bạo và bay bổng hơn. Biết đâu em sẽ thích môn Hoá và chuyên ngành “Hoá thực phẩm”! Biết đâu em sẽ thích.. kiến trúc khi trang trí sắp đặt cho tác phẩm bánh của mình! Biết đâu… Và có thể….

Tương lai còn rộng dài phía trước. Vì thế, khi đã có ước mơ cụ thể bây giờ, em hãy mạnh dạn đón nhận nó, tưởng tượng và hành động. Có thể sau này em sẽ trở thành một nghệ nhân làm bánh, nhưng cũng có thể em sẽ làm một nghề khác, nhưng cô tin, mơ ước hôm nay sẽ là những bước đầu tiên quan trọng để em hướng tới tương lai. Ai có mơ ước, người đó có niềm vui và động lực hành động! Ai có mơ ước và bắt đầu hành động, người đó có những mục tiêu rõ ràng để dần xác định được mục đích lớn của đời mình. Ước mơ thật cần thiết và quý giá!!!

Chúc em luôn được hạnh phúc với ước mơ của mình! Hãy hành động! Và một vài năm nữa, nhớ viết thư cho cô, chia sẻ những điều mới mẻ em có được trong quá trình thực hiện ước mơ, Hường nhé!

Thân mến,

Cô Thuỵ Anh.

About admin2

Scroll To Top