Quá nhiều câu hỏi khi nói đến bức tranh của các họa sĩ. Một ví dụ điển hình chính là bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci cho đến nay vẫn khiến người ta nhắc đến, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra về các vấn đề xung quanh tác phẩm này.
Từ xa xưa, khi máy ảnh chưa xuất hiện thì tranh vẽ là công cụ để lưu giữ khoảnh khắc, để nhà nhà người người có thể tưởng tượng bữa tiệc của vua Belshazzar qua tác phẩm của Rembrandt. Nhiều họa sĩ cố gắng khiến tác phẩm của mình giống thật nhưng số khác thì lại không.Và không phải mọi chi tiết, nhân vật trong tác phẩm đều được tạo ra để trông giống thật. Danh họa Edward Munch là một người như thế. Ông dùng những màu sắc tương phản mãnh liệt, những nét lượn sóng dữ dội còn khuôn mặt thì ghê rợn. Đó chính là tác phẩm “Tiếng thét” ra đời vào năm 1893. Hay như Alberto Giacometti muốn thể hiện tính cách con người theo cách đơn giản nhất nên đã lược bỏ hết các chi tiết khi khắc tượng một ai đó.
Trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, không ai trông già, xấu hay béo nên các bức tượng vô cùng đẹp đẽ cả về kỹ thuật, tỉ lệ hình thể đôi khi phi thực tế. Ngược lại, nhiều tác phẩm của Pablo Picasso lại khá kỳ quặc khiến người xem cảm thấy kì dị, khó hiểu vì ông cho rằng điêu khắc từ nhiều góc nhìn sẽ giúp miêu tả chủ thể rõ hơn là chỉ từ một góc độ.
Hình ảnh khỏa thân chắc chắn xuất hiện nhiều trong hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh. Tất cả bắt đầu từ người Hy Lạp cổ cho rằng cơ thể trần trụi là một thứ đẹp đẽ và đáng nghiên cứu. Và cho đến tận ngày nay, các họa sĩ vẫn luyện tập vẽ mẫu khỏa thân để hiểu hơn về cấu trúc hay hình dáng cơ thế. Tiêu biểu của thể loại này là bức “Sự ra đời của Vệ Nữ” (Sandro Botticelli, 1486), “Bữa trưa trên cỏ” (Édward Manet, 1863)…
Ngoài vẽ chân dung cho những nhà giàu có, các họa sĩ còn vẽ hoa quả. Vì sao lại thế? Đầu tiên là hoa quả không ngọ nguậy như con người, chúng đáng tin cậy. Mục đích là điều này giúp họa sĩ học về hình dạng, màu sắc hay độ đậm nhạt trong tự nhiên. Chúng được gọi là tranh tĩnh vật.
Vì sao nghệ thuật toàn người khỏa thân? (Susie Hodge, Claire Goble minh họa, NXB Kim Đồng, 2018)
Không chỉ người bị cận mà cả những người mắt tinh hơn cú cũng cảm thấy nhiều bức tranh khiến họ rất hỗn độn vì sự mờ ảo. Đó là vì các tác giả cố tình vẽ bằng nét cọ rối bời, cố tình không gọt giũa chỉnh tề tác phẩm hoặc làm nhòe bức ảnh. Đó là một xu hướng xuất hiện vào năm 1893 sau khi nhiếp ảnh được phát minh. Nghệ thuật luôn luôn có thử nghiệm.
“Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài đồng bên Thánh Anne và Thánh Jon Tẩy Giả” (Leonardo da Vinci, khoảng 1499 – 1500) trông như một bức tranh vẽ dở. Đôi khi rất khó xác định một tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành hay chưa. Những cũng có bức tranh mà họa sĩ cố tính không hoàn thành. Đó là trường hợp của danh họa Gilbert Stuart. Ông đã vẽ chân dung của tổng thống Mỹ George Washingtown. Bức họa rất nổi tiếng, đã được in trên tờ đô la Mĩ suốt hơn một thế kỷ. Lí do người họa sĩ sợ rằng nếu bức chân dung hoàn thành thì ông sẽ không được sở hữu nó nữa chứ không hề có dụng ý nghệ thuật nào cả.
Có những bức tranh vẽ dở, có bức kỳ dị, có bức nhòe và có những tác phẩm sẽ khiến người ta không biết xem từ hướng nào, không hiểu ý tưởng của tác giả. Nghệ thuật có thể gây sửng sốt hoặc thậm chí đáng sợ.
Nhiều bức tranh khiến người ta nghĩ mình cũng tự tạo ra được. Tuy nhiên, qua phân tích thì chúng chứa đựng ý tưởng của tác giả phức tạp hơn nhiều.
Giá trị của tác phẩm đôi khi rất mong manh. Khi Van Gogh mất đi rồi thì tác phẩm của ông rất đáng giá, đến hàng triệu đô dù cả đời ông đã chỉ bán được một bức tranh. Số tiền bỏ ra để sở hữu một tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào việc người ta muốn sở hữu chúng như thế nào chứ không phải vì chất liệu hay cha đẻ của chúng. Những câu chuyện đằng sau đã giúp gia tăng giá trị.
Và nếu có cơ hội đến các triển lãm thì hãy giữ im lặng vì các tác phẩm đang lên tiếng để chúng ta có thể khám phá nhiều điều ẩn giấu bên trong.
Cò Trắng (viết cho CLB Đọc sách cùng con)