Các tác phẩm kinh điển của văn học Việt bán đầy rẫy trên thị trường, nhưng thường không đầy đủ hoặc có sai lệch. Bộ sách “Việt Nam danh tác” sẽ in các tác phẩm này theo bản gốc nguyên vẹn.
Số đỏ, Vang bóng một thời, Miếng ngon Hà Nội, Việc làng, Gió đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường là những tác phẩm mang giá trị lâu bền, trở thành mẫu mực của văn học Việt Nam. 6 cuốn sách vừa được công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành lại, nằm trong bộ sách “Việt Nam danh tác”.Việc thực hiện bộ “Việt Nam Danh tác” sẽ căn cứ vào bản thảo chính xác nhất, thường là các bản toàn vẹn, nguyên gốc, không bị kiểm duyệt cắt bỏ. Bản in đầu tiên sẽ là bản gốc được ưu tiên để đối chiếu. Sáu tác phẩm đầu tiên của bộ sách ra mắt với sự giúp sức của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Tạ Duy Anh.
Sáu tác phẩm đầu tiên trong bộ sách
Việc thực hiện bộ “Việt Nam Danh tác” sẽ căn cứ vào bản thảo chính xác nhất, thường là các bản toàn vẹn, nguyên gốc, không bị kiểm duyệt cắt bỏ. Bản in đầu tiên sẽ là bản gốc được ưu tiên để đối chiếu. Sáu tác phẩm đầu tiên của bộ sách ra mắt với sự giúp sức của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Tạ Duy Anh.
Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch kể, năm 1996, khi ông làm khóa luận tốt nghiệp, để chạm được vào những tờ tạp chí cũ như Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Hà Nội báo, Phong hóa… ông phải rất vất vả và cần sự giới thiệu của lãnh đạo nhà trường. Chỉ cách đây 5 năm, khi nghe nói có một nơi bán bộ Tuyển tập Nguyễn Công Hoan gồm 10 quyển, ông Thạch mua về trong niềm hoan hỉ. Nhưng ông đã thất vọng khi tất cả những gì in trong tuyển tập đều không có nguồn. Là giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông Phạm Xuân Thạch có lần bảo các em sinh viên đi mua cuốn Thi nhân Việt Nam về. Kết quả là có tới năm, sáu bản Thi nhân Việt Nam khác nhau.
“Điều đó cho thấy một thời chúng ta quá thiếu đói sách, tư liệu; còn bây giờ, khi xuất bản đã thuận lợi hơn, thì chúng ta bước vào sự hỗn loạn của thị trường sách. Các tác phẩm có giá trị cao cũng bị in bừa bãi, cẩu thả, không có nguồn đối chiếu, sai lệch so với bản gốc” – ông Thạch nói.
Cũng bởi lý do đó mà bộ sách “Việt Nam danh tác” được thực hiện. Bộ sách tái bản một cách tương đối toàn diện những tác phẩm đã xác lập được vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Việc tái bản các tác phẩm “danh tác” này là một cố gắng của nhóm tuyển chọn nhằm vinh danh giá trị, giới thiệu lại, tiếp thị lại với độc giả những gì đã một thời là tinh tuý của văn học Việt Nam. Trong một môi trường đọc hoàn toàn mới hiện nay, một môi trường đang biến đổi phức tạp với những trào lưu tiếp thu ồ ạt văn hoá ngoại, bộ sách là sự vinh danh đối với những tác phẩm là tinh hoa của văn học Việt.
Ông Vũ Hoàng Giang – giám đốc đơn vị thực hiện bộ sách – nói về các tiêu chí tuyển chọn tác phẩm: Sách đưa vào bộ “Việt Nam danh tác” là những sáng tác mẫu mực trong thể loại của mình, được đánh giá là thành tựu lớn về nghệ thuật ngôn từ. Đó cũng là tác phẩm chiếm được tình cảm của nhiều thế hệ người đọc, đi vào đời sống của họ một cách phổ biến và bình dị, vượt qua những rào cản về thể chế chính trị, gánh vác hồn cốt của dân tộc. Tác phẩm đó phải mang nhiều yếu tố của những tác phẩm kinh điển theo đánh giá của thế giới. Một tiêu chí quan trọng là tác phẩm mang những giá trị nhân văn phổ quát, khiến độc giả luôn tìm đọc lại, quy chiếu lại trong những hoàn cảnh mới của xã hội.
Minh họa cho quá trình đi tìm bản thảo gốc cho bộ “Việt Nam danh tác”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lấy trường hợp nghiên cứu tác phẩm Số đỏ. Ông đã ngược dòng thời gian, tìm kiếm những bản in tác phẩm qua nhiều thời kỳ. Ông cho biết, Số đỏ được in lần đầu trên tờ Hà Nội báo, nhưng được 16 kỳ thì báo bị đình bản. Có lẽ do Vũ Trọng Phụng đã bán bản quyền tác phẩm cho Hà Nội báo, nên tới năm 1938, ông chủ của tờ báo này là Lê Cường đã cho in tác phẩm thành sách. Sau đó, tác phẩm liên tiếp được các nhà làm sách in, như nhà Minh Đức phát hành năm 1446, nhà Mai Lĩnh in năm 1952, nhà Khai Trí in năm 1961… Đối chiếu các bản in sau này so với bản đầu tiên đều có những sai lệch đáng kể. Có chỗ bị thay từ, sửa chữ, có chỗ bị cắt cả đoạn dài. “Để khôi phục lại tác phẩm như văn bản gốc, nguyên bản là việc làm gian truân” – ông Lại Nguyên Ân nói.
Sau sáu tác phẩm vừa ra mắt, bộ sách “Việt Nam danh tác” tiếp tục in những tác phẩm đã ghi dấu trong nền văn học hiện đại Việt Nam khác.
An Hạ (Theo vnexpress)