Mùa Thu này, lớp học “Tiếng Việt đi khắp năm châu” do TS Nguyễn Thuỵ Anh thiết kế đã đến với Stuttgart đúng vào dịp Halloween. Một ngôi trường dành cho các phù thuỷ nhỏ Stuttgart nhanh chóng được thành lập để đón khoá học với xấp xỉ 30 học viên cùng các “phù thuỷ” lớn hỗ trợ. Diễn ra chỉ vỏn vẹn một tuần (từ 29/10 đến hết ngày 4/11), khoá học đã để lại dấu ấn tích cực đối với các gia đình người Việt ở Stuttgart.
Nói là “nhanh chóng”, nhưng trên thực tế, để có được một ngôi trường trang trí theo phong cách trường Hogwarts của Harry Potter và các bài học tiếng Việt đủ hay và vui để gây cảm hứng cho các bạn nhỏ như thế là cả một nỗ lực lâu dài của Hội người Việt Nam tại Stuttgart. Kết nối với CLB Đọc sách cùng con từ mấy năm trước, Hội đã ấp ủ dự định tổ chức thử nghiệm một trại tiếng Việt cho trẻ. Và năm nay, ý định ấy đã thành hiện thực. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên nên các phụ huynh ban đầu cũng có nhiều lo lắng và chưa hình dung ra trại sẽ hoạt động thế nào; làm sao chỉ trong 7 ngày có thể xây dựng một môi trường tiếng Việt nơi xa Tổ quốc, trong đó nhiều bạn nhỏ còn nói chưa tròn âm, chuẩn dấu?!
Những lo ngại ấy là chính đáng và hợp lý. Song, các phù thuỷ nhỏ đã từng bước vượt qua các rào cản ngôn ngữ ban đầu để tham gia thực hiện các nhiệm vụ mà cô Thuỵ Anh và cô Trà My (CLB Đọc sách cùng con, Hà Nội) giao cho. Hai vở kịch nhỏ (Chủ nhà; Cậu bé không gọn gàng) được dàn dựng theo phương pháp tương tác: trẻ được tự do thêm thắt câu chữ, động tác theo kiểu của mình. Các bài hát được học tích cực, mỗi từ mới được thể hiện bằng động tác cơ thể. Những điệu dân vũ nhộn nhịp kết hợp dân ca, có điệu nhảy do chính các em tình nguyện viên 14, 15 tuổi (Hải Đăng, Vanessa, Tommy, Lukas) biên đạo. Bài học về phở cùng tài nấu phở của cô Hà, cô Hạnh; bài học mỹ thuật, làm chủ màu sắc cùng chú Long mà các bạn đặt tên là chú Ngựa màu; bài học cầm kim khâu con cú nhồi bông thật khéo với cô Trà My; bài học về dấu lên bổng xuống trầm toát mồ hôi với cô Thuỵ Anh, bài học đếm ếch, đếm chân rộn ràng trên nền âm nhạc, câu chuyện đàn bầu của ông Sơn, lời ru của mẹ Hà, mẹ Hương buổi tối… – tất cả hẳn sẽ ở lại trong ký ức lung linh của các học viên trường phù thuỷ Stuttgart.
Các phù thuỷ nhỏ vừa học vừa chơi, đúng hơn là… lúc nào cũng học: học qua cả các trò chơi, cả khi tưởng chừng không phải nghĩ ngợi gì! Đó là lúc cùng bố mẹ hào hứng hưởng ứng chương trình thể thao trong phòng tập, tham dự “Cup phù thuỷ Stuttgart 2017”, rồi chạy nhảy ngoài trời… Và cả lao động. Có thể ở nhà các phù thuỷ của chúng ta cũng không chăm chỉ đến thế! Nhiều bố mẹ ngạc nhiên khi thấy con mình hăng hái cầm chổi quét nhà, dùng khăn lau bàn sạch bóng, nhiệt tình hỗ trợ các cô chú kê ghế, bê dọn đồ ăn, thu rác… Làm việc nhóm bao giờ cũng vui và hiệu quả mà!
Không quá kỳ vọng vào những “thành tích” ngôn ngữ sau một khoá học, chỉ mong các con có được những cảm xúc tươi mới, hạnh phúc với tiếng Việt và cộng đồng nho nhỏ trong lòng nước Đức này, có động lực tiếp tục nói, hát, viết và tìm hiểu tiếng mẹ, tiếng cha trong tương lai. Và đó cũng chính là điều mà trại tiếng Việt mùa Thu Stuttgart đã làm được. Đây chính là “thành tích” chung của Ban tổ chức, các bố mẹ, các con và các cô giáo đến từ Việt Nam!
Vỹ thanh:
*Bạn Hấu (10 tuổi) là một học viên đến trại từ bang Bayern. Mẹ bạn kể lại, trên đường đi từ trại về, cậu bé phù thuỷ đeo trên người hai huy chương và tất cả những huy hiệu được Trường phù thuỷ trao tặng. Cậu hãnh diện khi mọi người xung quanh tò mò nhìn theo và hỏi han. Góc Việt Nam trong Hấu đã lớn hơn thật nhiều!
*Kết thúc trại, sáng hôm sau thức dậy, Uyên và Nam đã rộn ràng micro hát bài Phép lạ hàng ngày của bác Nguyễn Lê Tâm mà các cô giáo dạy trong trại. Cả nhà là một lớp học nhỏ, thật là vui!
*Kiu là một phù thuỷ Stuttgart, 10 tuổi. Kiu đã viết một lá thư chia tay thật dài gửi hai cô giáo. Lời lẽ chân thật, nồng nhiệt của Kiu khiến hai cô đọc đi đọc lại thư mãi không thôi.
*Tony 12 tuổi, ban đầu không hào hứng lắm, chỉ thích trò… chạy ra ngoài chơi. Vậy mà cho đến ngày cuối cùng, cậu lại là người nhớ bài học rất kỹ và chi tiết, trả lời đúng gần như toàn bộ câu hỏi của trò Rung chuông phù thuỷ – một thử thách nặng nề nhất của trường học phù thuỷ Stuttgart!
*Duy, Kiu và Tiến rung được chuông phù thuỷ, không sai mảy may một lỗi nào, kể cả bài điền dấu làm điên đầu mọi phù thuỷ khác!
*Louis là bạn nhỏ chưa nói được tiếng Việt nhưng lại sẵn sàng lắng nghe và tham gia các trò chơi với thái độ cực kỳ nhiệt tình, thân thiện. Khi trở về nhà, Louis nói với mẹ: “Con cũng là người Việt, mẹ nhỉ?”.
*Kumi, cậu phù thuỷ 6 tuổi, làm bố mẹ rối tung với bài hát đếm chân của mình suốt cả hai ngày sau trại: từ “một người hai chân” lên tận “100 người 200 chân”…
Và những câu chuyện tương tự đang được cập nhật chính là vỹ thanh kéo dài, ngân vang đầy cảm động của bài ca tiếng Việt mùa Thu Stuttgart này…
Phóng viên CLB Đọc sách cùng con từ Stuttgart.