Mỗi lần vào công viên Thống Nhất bây giờ, tôi lại ngơ ngác nhìn quanh, tìm lại cái vòng đu quay rất nhiều các con vật gỗ. Chúng không còn ở đó nữa. Chúng không còn ở đâu. Có chăng, chỉ còn lại trong câu chuyện của nhà thơ Xuân Quỳnh ngày xưa từng viết: “Chú gấu trong vòng đu quay” mà tôi từng đọc đi đọc lại nhiều lần! Trong cuộc đời đầy những biến động này, chẳng mong cái gì bền vững mãi, nhưng lại ấm lòng khi nghĩ, vẫn còn cách gặp lại những kỷ vật ký ức, những hình ảnh ký ức, những mùi hương ký ức!
Tôi đọc truyện Xuân Quỳnh trước khi đọc thơ của cô. Những câu chuyện bé xinh dành cho tuổi thơ – về sau này tôi mới thấy nó gần với thơ cô thế! Gần ở chỗ, những chi tiết giản dị mà vẽ nên cả một không gian, thời gian, khung cảnh và cả không khí một thời. Ngôn ngữ truyện ngắn của Xuân Quỳnh còn linh hoạt, đầy màu sắc – khi chấm phá thoăn thoắt, khi tỉ mẩn tả thực, tạo thành một thứ ngòi bút biết vẽ. Nó lại giống như câu thơ mà tôi rất yêu: “Vừa nghe tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc”.
Cái nhạy cảm của người phụ nữ, của người mẹ, của một bé gái sống mãi trong người phụ nữ ấy… đã khiến câu chuyện cứ đọng lại mãi không chỉ trong tâm trí mà đã trở thành những “chất” làm nên con người mình. Như tôi đây, bước chân đến nơi đâu cũng đôi lúc mơ hồ thốt nhiên cảm thấy quen thuộc – là ký ức và cảm xúc mà Xuân Quỳnh đã cho tôi: một đoạn đường em Lâm từng đi bộ về nhà vì nhường chỗ trên ô tô buýt cho một cụ già trong “Chuyến xe cuối cùng”, một chút nghèn nghẹn dễ chịu khi nhớ đến những cậu bé trong “Bến tàu trong thành phố”, một cái so người vì gió bấc rét buốt luồn qua khe cửa với nỗi sợ buồn cười của một cậu bé khi nhìn thấy cái vỏ chuối mà thần hồn nát thần tính trong “Con đen đen”, nỗi bâng khuâng thương thương những con người trong truyện “Ông nội, ông ngoại”, thương người mẹ “như cái kem, lạnh mà cũng bốc khói”, cảm xúc lãng mạn đầu tiên khi đọc “Hoa mận trắng”, cái đấu tranh nội tâm trong im lặng của đứa trẻ ở “Con sáo của Hoàn” … Không phải chỉ là bài học làm người, không phải chỉ là câu chuyện thú vị mà còn cả những cảm giác về những thời khắc – những cảm giác được xây dựng bằng tất cả các giác quan. Điều này đến tự nhiên từ ngôn ngữ của nhà thơ. Tôi thích thứ ngôn ngữ đời thường, đầy chất thơ mà lại rất tự nhiên của Xuân Quỳnh. Ngay cả trong những truyện đồng thoại thì Xuân Quỳnh vẫn trung thành với cách viết giản dị, câu văn trong sáng, thanh thoát mà gợi từ không gian đến cảm xúc. Tôi cứ lẩn thẩn liên tưởng đến hai loại ngôn ngữ mà người lớn thường nói với trẻ con: hoặc là nựng nịu ngân nga đến là… giả dối, những mong bắt chước kiểu nói của trẻ để làm trẻ vui, hoặc là thân thiện, ấm áp nhưng giữ tông giọng bình thường của người lớn, không cố gắng trở thành trẻ con. Người lớn ấy là người lớn muốn là bạn, vừa dẫn dắt, bao dung, vừa tin tưởng, thấu hiểu, chia sẻ. Giọng điệu của Xuân Quỳnh trong truyện ngắn cho trẻ cũng có chất ấy.
Những đứa trẻ từng say mê đọc truyện Xuân Quỳnh, tôi trộm nghĩ, khó mà trở thành người… ác được. Tác giả tặng cho chúng cái nhìn nhân hậu, dí dỏm với người và vật xung quanh, lòng trắc ẩn với bao nhiêu câu chuyện về thân phận cô độc của con người, Chẳng hạn, trong “Người bán đồ chơi”, “Bà bán bỏng cổng trường tôi”, “Thày giáo dạy vẽ”, “Bạn Lộc”, “Bà tôi”… tình người hòa quyện khiến chẳng ai còn khổ nữa vì những cảnh đời đã được nhận sự đồng cảm và chia sẻ thật lòng, rất trẻ con mà cũng rất chững chạc…
Những đứa trẻ-độc giả của Xuân Quỳnh không thể trở thành người lớn ác được còn nhờ những rung động lãng mạn từ nhiều tình huống nho nhỏ trong cuộc sống. “Hoa mận trắng”, “Người cô của bé Hương” – tôi vẫn nhớ những mơ mộng của tôi khi đọc những câu chuyện này. Một cây mận bỗng biết tự tìm về trong sân để nở hoa trắng cho cô bạn nhỏ. Những lá thư bé Hương viết cho người cô không gửi được để vào ngăn kéo với những đợi chờ từ hai phía – cả cô và cháu – đợi chờ những điều tốt lành.Có những cuốn sách dạy người ta sống tốt một cách trực diện, nhưng cũng có những cuốn sách nuôi dưỡng sự lãng mạn, niềm hy vọng… lại đặt nền móng cho sự tử tế trong tương lai một cách bền vững hơn rất nhiều. Dẫn dắt cảm xúc khó hơn là hướng dẫn hành vi, nhưng nếu làm được thì lại có thể vun đắp cho sự tinh tế, nhân văn của tâm hồn trẻ. Xuân Quỳnh đã làm được!Bây giờ, khi đã là người lớn, nếu được gặp lại cuốn sách Xuân Quỳnh tôi từng đọc xưa, tôi sẽ đọc lại những truyện ngắn với cảm xúc tôi từng có thời ấy. Hẳn tôi sẽ lập tức được trở về tuổi thơ. Một tuổi thơ luôn lung linh trong ký ức, lại có thêm màu sắc, chi tiết, không khí mà ngòi bút Xuân Quỳnh đã ghi lại.Giá mà tôi có thể nói lời cảm ơn với nữ sĩ!