Home / Bài Viết / Bảy bước tới mùa hè – Món quà ý nhị dành tặng tuổi thơ

Bảy bước tới mùa hè – Món quà ý nhị dành tặng tuổi thơ

Cứ mỗi lần cầm cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên tay là tôi biết gần như chắc chắn phản ứng của mình khi bước vào một câu chuyện ông sắp kể. Sẽ có cười khúc khích; sẽ đôi khi phá lên cười thoải mái; sẽ tủm tỉm nhớ lại một kỷ niệm nào đó của tuổi thơ mình như thể vừa xảy ra ngày hôm qua thôi… và sẽ rưng rưng trong một cảm xúc dễ chịu như hờn giận, thương quý, nhớ nhung mà mình trải qua lâu lắm rồi, nhà văn nhắc lại cho tôi. Biết chắc vậy mà vẫn cứ hồi hộp, giống như một cô bé đợi được mở quà.

Hình ảnh hàng trăm độc giả xếp hàng ngay ngắn từ sáng sớm trong buổi ký tặng sách ngày 01/03/2015 tại Hà Nội.

Lần này, món quà hướng tới mùa hè lộng gió, là câu chuyện của cậu bé Khoa và các bạn cậu: Mừng, Trang, Đào, Bông và bóng dáng những người lớn thấp thoáng ít thôi trong hình ảnh thày Tám, dì Liên, ông Mười khòm. Một vài người và cả thế giới. Thế giới của những đứa trẻ cuối Trung học cơ sở, tâm hồn non mướt trong veo. Vẫn là những đứa trẻ nghịch ngợm, hài hước, ham chơi, giữ rất nhiều tật xấu mà người lớn không chịu nổi, thậm chí vì thế mà, như cậu bé Khoa, “một năm có bốn mùa thì bị ăn đòn hết ba mùa”… Thế nhưng, qua mỗi mùa hè, đặc biệt là mùa hè được gửi về quê, thì các cô cậu bé cứ lớn dần lên, trải qua nhiều sự kiện lúc thú vị khi oái oăm, nhiều khi cảm động, để rồi lớn lên về cả tâm hồn.

Nếu một số tác phẩm gần đây có cách viết đôi chút đổi khác, ẩn dụ nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn như thể có ý hướng tới cả bạn đọc lớn tuổi, thì với “Bảy bước tới mùa hè”, Nguyễn Nhật Ánh trở lại cách viết hài hước theo kiểu… trẻ con. Có những đoạn rất dễ cười với độc giả người lớn, hoặc thậm chí đọc xong đi ngoài đường nhớ lại còn cười tiếp được… Chẳng hạn, trò giả chết đòi lại đồ bị tịch thu của Khoa; lý giải sự khó hiểu của người lớn bằng “chứng nói ngược”; hay để lấy cảm tình của cô bé Đào mà cậu chàng Mừng cặm cụi dắt ông ngoại của cô bé, cho đến khi thực sự gắn bó với người ông… Ấy là khi người lớn đã sực nhớ ra mình thời nhỏ mà trở lại hồn nhiên. Cũng có lúc ta nhìn bọn trẻ đọc, thấy chúng cứ cười hinh hích rồi lại ré lên với nhau, chúng lôi các câu thoại trong truyện tranh ra để nói chuyện với nhau. Chúng gọi tên cảm xúc bằng các món ăn – “ngạc-nhiên-xào”, “sửng-sốt-kho”, “hoang-mang-trộn-dầu giấm”, “bất-ngờ-chấm-đường”… Ta tự hỏi, có gì buồn cười đến mức ấy nhỉ? – thì đó là lúc ta trở lại là ta, một người lớn với rất nhiều dự tính, khuôn mẫu, phép tắc.

Nguyễn Nhật Ánh thì khác. Ông luôn nheo mắt mỉm cười cùng bọn trẻ. Ông sống trong tuổi thơ kéo dài mãi mãi. Mỗi một câu nói, một ý nghĩ vớ vẩn cũng có thể là một điều day dứt nghiêm trang. Hoặc ngược lại, đang nghiêm túc căng thẳng thoắt bỗng cười vang lên ngay được. Nhờ thế mới có được những trang văn thư thái, vui tươi, lại cũng ấm áp, nhân hậu, như thế giới đang mở dần ra đối với những đứa trẻ đang e ngại chính cảm xúc của mình nhưng cũng đầy tin cậy với con người.

Niềm vui hiện trên gương mặt của độc giả nhỏ tuổi.

Qua một mùa hè cuối cấp, bọn con gái thì sớm hơn một chút, lũ trẻ đã bắt đầu biết đến nhiều cảm xúc khác lạ khiến chúng bối rối. Những cảm tình nho nhỏ giữa bạn trai bạn gái, như “làn gió mát khẽ len vào hồn”. Một nỗi buồn kỳ lạ đến mức tưởng như buồn đến từng sợi tóc mà cậu bé Khoa gọi là “nỗi buồn rứt tóc”. Cảm giác yên tĩnh vắng lặng giữa cuộc đời vốn hồn nhiên rộn ràng, khi “tiếng chim lảnh lót thế mà Khoa thấy lòng mình vô cùng tịch mịch”. Và những xốn xang khó hiểu không thể gọi được tên, khi “gió mùa hè đang kéo về chật vườn và lòng bỗng dưng ngập đầy lá rụng”. Khoảnh khắc “mưa xuống” trên gương mặt non tơ của cậu nhỏ khi chia tay cô bạn bên giậu mồng tơi “trong một chiều tháng tám nhiều mây”…

Những câu thoại hóm hỉnh thi thoảng nhường chỗ cho những đoạn viết bâng khuâng ngẫm ngợi, một chút thôi không quá đà, dẫn dắt các cô cậu bé đến với những suy tư về cuộc đời, về bạn, về mình, về lòng tốt, sự tử tế, lòng tin, về tình bạn và tình yêu.

Tình yêu nảy nở giữa những trang văn và, lần này là cả những bài thơ của Nguyễn Nhật Ánh, mới là nỗi niềm mơ mộng khẽ khàng, đủ để vui cả ngày khi nói chuyện được với nhau, chớm biết “thích” nhưng cũng đã băn khoăn “thích rồi thì sao?”… Thật may, đã có người bạn vui tính Nguyễn Nhật Ánh giải đáp cho các em nỗi băn khoăn chính đáng này, cái điều mà em khó mở lời ra với bố mẹ, cũng không tìm được câu trả lời thỏa đáng từ những nguồn thông tin khác, kể cả… Google! Với câu chuyện mùa hè hồn hậu của Khoa và Trang, Mừng và Đào, nhà văn ý nhị cho các em thấy vẻ lung linh của tình yêu chớm nở, giá trị của những chia sẻ, đợi chờ… Có thể những mùa hè như thế rồi sẽ chỉ là kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm đẹp là nền tảng để xây đắp những ước mơ đẹp, một cuộc sống đẹp, một tương lai đẹp. Tôi gần như tin chắc, những độc giả của Nguyễn Nhật Ánh sẽ trân trọng những kỷ niệm như thế trong cuộc đời phía trước.

Cõ lẽ nụ cười  chính là điều thể hiện rõ nhất cảm xúc của tất cả mọi người lúc này.

Trong xã hội đầy bất trắc này, các bậc phụ huynh, trong đó có cả tôi, đều không nguôi lo lắng cho những đứa trẻ. Hoặc là chúng tôi cố gắng bao bọc chúng, nhìn trước nguy hiểm để “đỡ đạn” cho con, hoặc là liên tục cảnh báo, dạy cách cảnh giác, nghi ngờ, những mong chúng tránh được cái xấu. Thế nhưng, đọc Nguyễn Nhật Ánh, tôi chợt nghĩ, những điều tích cực, tử tế lại là điểm tựa của sự tự bảo vệ mình. Những đứa trẻ ngây ngô, ít trải nghiệm, dần dần trở nên thiếu nhạy cảm với cuộc sống, vô cảm cả với những người thân yêu – đó là một mối lo. Một mối lo khác là những bạn nhỏ già giặn, sống bằng kinh nghiệm của người lớn, không mở lòng được với ai, nhìn tình yêu một cách thực dụng như nhìn điều gì sẽ mang đến lệch lạc, phiền toái. Cả hai thái cực đều nguy hiểm, đều cản trở những người trẻ sống cuộc đời của chính mình. Nguyễn Nhật Ánh chỉ cho đứa trẻ cách sống hạnh phúc, biết tin trước khi hoài nghi, đồng thời cũng luôn tìm kiếm các bài học để sống vững vàng, thú vị hơn. Cùng Nguyễn Nhật Ánh, mỗi mùa hè là một mùa khám phá, sống và trưởng thành.

Nhưng giờ đây, với những cậu bé cô bé đang nôn nóng muốn lớn lên, thì hết mùa hè này sẽ nhanh chóng tới mùa hè kia, ngập tràn gió lộng. Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khẳng định với các em, chỉ bảy bước là tới thôi!

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại “góc Nguyễn Nhật Ánh” ở CLB Đọc sách cùng con, Hà Nội.

TSGD Nguyễn Thụy Anh 

About admin2

Scroll To Top