Home / Bài Viết / Bệnh “LƯỜI”

Bệnh “LƯỜI”

Câu hỏi : Thưa cô, vấn đề hiện nay cháu đang mắc phải hay nói cách khác “kẻ thù” cháu phải vượt qua bây giờ chính là cháu. Hồi học lớp 6, cháu đã học rất chăm chỉ và đạt kết quả cao. Thế rồi lên lớp 7, cháu bắt đầu đua đòi theo kiểu người “lớn” như chơi facebook, để ý bạn khác giới… và kết quả của cháu đã giảm đi đáng kể. Để rồi hôm nay, “lười” – cái chữ này như ngấm vào hết cơ thể cháu. Chỉ cần khi mở sách ra làm bài tập, mấy bài toán hay hóa khó xuất hiện, ngồi kiên nhẫn làm, tìm cách giải thì cũng chỉ lát sau cháu nản chí và không muốn làm nữa. Nhiều lần ngồi suy nghĩ cháu cũng tự hiểu và biết những tác hại của việc làm hiện nay cháu đang thực hiện. Nhưng cháu vẫn không thay đổi được bản thân, cái nếp học cũ vẫn còn đây. Sự quyết tâm cố gắng của cháu cũng chỉ như làn mây bay qua đỉnh núi vậy. Cô ơi, cháu phải làm gì bây giờ ạ? Cháu rất mong nhận được lời từ vấn của cô!

Trần Minh Trang (Lớp 8A1 – THCS Nguyễn Khuyến – Bình Lục – Hà Nam)

Ảnh: internet

Trả lời:

Thân mến chào Minh Trang, người có câu hỏi thật hay, chân thành, đúng vấn đề mà nhiều bạn trẻ đang gặp phải.

“Lười” đúng là một bệnh, ban đầu từ một chút thư giãn, một chút kém ý chí, sau trở thành thói quen đến mức bệnh lười chi phối mọi hành vi của mình, khiến mình mất đi động lực làm việc, nhanh mệt mỏi, chán nản, buông xuôi và dường như cuộc sống kém ý nghĩa đi rất nhiều! Người ta có thể lười học, lười nghĩ, lười đọc, lười lao động, thậm chí lười ăn, lười đi chơi, lười kết bạn, lười cả chăm sóc gia đình và bản thân! Nếu để đến mức như vậy, con người trở nên thụ động, dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng, trầm cảm, chán chường…

May sao, Minh Trang đã đặt cho mình câu hỏi: làm thế nào để sống khác đi, sống tích cực hơn? Riêng việc Trang viết thư cho cô đã là khởi đầu của “cuộc chiến” chống lại cái lười rồi đó! Cảm ơn em đã tin tưởng cô nhé! Cô cũng đã từng trải qua những cảm giác như em bây giờ, và nhiều người có thể cũng trải qua, ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Con người có lúc mạnh mẽ, có ý chí, có lúc yếu đuối vậy đó! Cô nói vậy để em không thấy thất vọng về mình, không mất niềm tin vào chính mình. Chỉ cần mình muốn, mình sẽ lại tìm được lối sống tích cực ngày trước. Cô thử đưa ra vài dự đoán nguyên nhân sự mệt mỏi, mất kiên nhẫn của Trang và vài phương án xử lý:

1. Thói quen: thói quen nghỉ ngơi quá đà, chơi Facebook, tán gẫu với bạn, đi uống trà chanh vui vui… đã át mất thói quen lao động, tư duy của em. Vậy Trang hãy thử rèn luyện và xây dựng lại thói quen tập trung vào công việc bằng những bài tập nhỏ. Đừng đặt ngay mục đích ngồi học cả tiếng đồng hồ mà em hãy lập bảng kế hoạch “Trang cam kết với chính Trang”. Ban đầu là kế hoạch cho 2 ngày, sau đó là 1 tuần. Cột thứ nhất ghi thời gian từ mấy giờ đến mấy giờ; cột thứ hai ghi “Hoạt động sẽ làm”; cột thứ ba ghi “Phản hồi”; cột thứ tư ghi “Giải pháp”. Ví dụ: Ngày thứ 2 – từ 19h00 đến 20h00- Làm xong 3 bài tập Toán về nhà. Từ 20h00 đến 20h15 – Nghe nhạc… Các hoạt động phải thật cụ thể, hoạt động ngồi (tĩnh) xen lẫn hoạt động chân tay, nhảy múa, thể thao, đi lại… Thời lượng học nhiều nhất là 1 tiếng, không được hơn. Buổi tối, trước khi đi ngủ hãy ghi vào cột “Phản hồi”: có làm được đúng giờ đặt ra không, có dừng đúng giờ không, nếu không thì ghi lý do vào.

Phần “Giải pháp”: đưa ra lý giải và phương án rút kinh nghiệm. Ví dụ: Phản hồi – đã ngồi vào bàn đúng giờ nhưng chỉ học được đến 19:30 vì có em con cô Thu đến chơi, hai chị em chơi iPad với nhau đến muộn. Giải pháp: Ngồi học trong phòng riêng, dặn bố mẹ bất kỳ ai đến cũng không gọi, treo bảng “Bận học” lên cửa. Nếu hoạt động được thực hiện đúng như cam kết, phải có hình thức tự khen mình. Chẳng hạn: bỏ 1 hạt đậu vào lọ. Khi nào lọ có 20 hạt đậu, tự thưởng mình bằng việc mua một cuốn sách hay món đồ mình định mua từ lâu. Em hãy liệt kê những việc em muốn làm và dùng chúng làm phần thưởng cho bản thân. Các hoạt động có thể là bơi, tưới cây, rửa bát, đọc sách, vẽ, đi thăm bà nội..v..v..

Hãy sắm cái đồng hồ báo thức hoặc dùng điện thoại chế độ báo thức, nhắc nhở mình về thời gian. Việc khó nhất là khi bắt đầu. Em cố gắng bắt đầu đúng thời gian mình đặt ra, mọi việc dần dần sẽ ổn. Ông bà ta hay nói: “Đầu xuôi đuôi lọt” mà. Em cứ đặt mục tiêu thấp trước, từ 30 phút học lên dần 45 phút, 1 tiếng rồi 1 tiếng rưỡi… Thực hiện cam kết với bản thân và tự khen mình còn thú vị hơn nhiều so với việc mình làm theo chỉ dẫn của ai đó và đợi người khác khen thưởng mình. Cho đến khi em thực hiện được 7 hoặc 8 việc trong 10 dự định là em có thể TỰ HÀO VỀ MÌNH rồi! Thú thực là, cô cũng không phải lúc nào cũng làm được như vậy!

Làm chủ thời gian (Ảnh: internet)

2. Hổng kiến thức: một trong những nguyên nhân khiến mình ngại học có thể là việc ta lơ đãng bỏ qua một số kiến thức. Không hiểu bài làm mình chán nản. Vậy hãy mạnh dạn “thú nhận” với thày cô hoặc một cô bạn thân nào đó, nhờ thày cô hoặc bạn mình dành thời gian giảng lại bài cho mình. Em cũng đừng ngại nói với bố mẹ, bố mẹ sẽ có cách giúp em tốt nhất: cùng đọc và vỡ vạc lại kiến thức, hệ thống lại kiến thức hay nếu cần, có thể cho em học lại một thời gian cùng anh chị sinh viên làm gia sư nào đó. Đừng ngần ngại, để càng lâu càng hẫng hụt, mình càng mất tự tin, càng ngại học, em ạ.

3. Động lực. Tạo động lực vượt lên bệnh lười bằng cách: – tham gia một hoạt động xã hội nào đó như quyên góp sách cũ, quần áo ấm gửi cho các bạn vùng sâu cùng xa; – xin phép bố mẹ học một môn thể thao hoặc nghệ thuật hoàn toàn mới với mình như chơi bóng chuyền hay học ghi-ta, học nặn đất sét, học vẽ, học chụp ảnh, học làm phim… Em có thể tìm trên mạng, có nhiều thông tin về các hoạt động như thế. ;- bắt đầu sưu tầm một thứ gì thú vị như sưu tầm tranh, tiền các nước, ép lá cây… Các hoạt động mới mẻ, thú vị có thể cho ta năng lượng mới để sống tích cực hơn.

Để bắt đầu, mình hãy chọn việc dễ nhất là lập kế hoạch hoạt động cho ngày hôm nay, Minh Trang ạ! Cô mong nhận được thư báo tin, em đã cảm thấy vui và tự tin hơn với mình. Có gì khó khăn em cũng chia sẻ với cô ngay nhé!

À, Minh Trang hãy phát huy mặt mạnh của mình. Cô nghĩ, em là người nhạy cảm với văn chương đấy. Lời văn trong sáng và đẹp của em cho cô cảm giác ấy. Cố gắng lên nhé!

Cô Thuỵ Anh  (Nguồn: báo Văn học và Tuổi trẻ số tháng 10/2016 )

About admin2

Scroll To Top