Home / Giới thiệu sách / Căn phòng của những điều kỳ diệu (Julien Sandrel, dịch giả Kiều Anh, NXB Kim Đồng, 2019)

Căn phòng của những điều kỳ diệu (Julien Sandrel, dịch giả Kiều Anh, NXB Kim Đồng, 2019)

Tôi đọc cuốn sách nhỏ này một cách tình cờ, trên máy bay di chuyển giữa một chuyến đi nghỉ gia đình. Chuyến đi bộc lộ mọi mâu thuẫn không thể sửa chữa giữa các mối quan hệ khiến tôi bối rối. Nhưng rồi, giữa những trống rỗng mệt mỏi, đến với tôi là câu chuyện kỳ lạ về một người mẹ gắng thực hiện từng điều mơ ước điên rồ hoặc lãng mạn của đứa con trai hơn 12 tuổi đang hôn mê sâu sau một tai nạn kinh hoàng. Cậu bé Louis có một cuốn sổ tay có tên “Cuốn sổ của những điều kỳ diệu”, trong đó ghi “danh sách những giấc mơ”, những điều cậu muốn làm một lần trong đời. Bà mẹ tìm thấy cuốn sổ được giấu dưới tấm đệm. Với niềm mong muốn tột cùng và hy vọng mãnh liệt là con trai sẽ tỉnh lại, với lòng tin vững chắc từ trực giác của người mẹ, cô Thelma quyết định lần theo từng ước mơ, hành động và quay phim lại cả quá trình thực hiện từng “thử thách” để về thủ thỉ bên giường bệnh Louis. Cô tin, chuyến phiêu lưu của mẹ sẽ phá vỡ được lớp cửa im lìm cầm tù mọi tư duy, cảm xúc của đứa con mà cô cho rằng vẫn đang suy nghĩ, lo lắng, vui buồn cùng cô.

Thelma chỉ có vỏn vẹn một tháng để đấu tranh với thần Chết đang lảng vảng quanh Louis. Và thế là, vừa đếm ngược từ số 30, cô dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi nguyên tắc sống của mình, tính cách của mình, nỗi sợ của mình để… đến Tokyo, quậy trong quán bar, song ca cùng ngôi sao, nhảy lên một chiếc xe taxi giả làm cảnh sát bắt tài xế đuổi theo một chiếc xe bất kỳ (để cho “ngầu”), tham gia học đá bóng, chạy marathon… và nhiều điều mà trước đó có nằm mơ cô cũng không ngờ đến. Những giấc mơ của cậu bé tuổi teen đôi khi xấc xược và hài hước, bộc lộ đúng lứa tuổi của mình – nhưng Thelma đã “chịu đựng” chúng mà không phán xét, cuối cùng, nhờ chúng, cô lấy lại được sinh khí cho chính mình, cảm nhận được sự thay đổi tích cực, ấm lại trong mọi mối quan hệ; thậm chí, đến giọng nói của cô cũng khác đi, trẻ trung hơn. Điều thay đổi ấy ở mẹ, cậu bé Louis đang hôn mê cũng nhận thấy, trong thẳm sâu mối liên hệ không lời giữa mẹ và con. Và Thelma hiểu rằng, những gì cô làm không chỉ là nỗ lực để giành lại con mà còn hồi sinh chính bản thân cô vốn đang sống cằn cỗi đi, dập khuôn mỗi ngày vì mục đích kiếm tiền hoặc làm hài lòng ai đó.

bia can phong cua nhung dieu ky dieu

Mọi mối quan hệ đã được suy ngẫm lại, tình thương yêu được nhận ra, mọi người đều mở lòng và rộng lượng với nhau hơn…

Cuốn sách được ghi chú là sách thiếu nhi, dành cho lứa tuổi +10. Nhưng tôi nghĩ, những suy tư mới mẻ, trong trẻo này về một cách sống bên nhau, đồng hành với nhau giữa những người ruột thịt, lại không chỉ dành cho các bạn đọc trẻ tuổi. Cuốn sách có ích cho những ông bố, bà mẹ trong cuộc đi tìm một con đường để đến với đứa con. Nó có thể là sự chấp nhận, sự cổ vũ, và trên hết là đặt mình ngang hàng với đứa trẻ để chia sẻ những ước mơ.

Có lẽ, chớ nên chỉ chăm chăm đọc “cách dạy con”, “cách giáo dục”… mà xin hãy lắng nghe những câu chuyện. Trong đó, ta nhận ra mình đang ở đâu, hoặc đôi khi hoàn toàn không thấy bóng dáng của mình, là lúc mình cần nghĩ ngợi nhiều nhất, xới xáo mọi điều đang bằng phẳng tiện lợi cho mình, khiến chúng ngổn ngang hơn, nhưng chân thật và hạnh phúc hơn. Có lẽ đây cũng là một gợi ý cho tôi để “xử lý” những bối rối của mình!

🐞Vài lời ngắn ngủi về tác giả Julien Sandrel không nói rõ được điều gì (sinh năm 1980, ở miền Nam nước Pháp, hiện sống ở Paris), cũng như tấm bìa màu hồng không mấy ấn tượng – có thể khiến các bố mẹ bỏ qua cuốn sách, cũng không chắc đã lôi kéo được bước chân của các bạn trẻ tốc độ. Vì thế, tôi thử viết vài lời cảm nhận, biết đâu mọi người có thể thử đọc theo… cặp đôi – mẹ và con – để rồi mỗi người im lặng nghĩ về nhau theo cách khác đi!

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top