Home / Bài Viết / Chiếc đèn kéo quân của tôi

Chiếc đèn kéo quân của tôi

Mấy hôm nay mình hay phải đi qua phố Hàng Mã. Hà Nội đã rộn rã không khí Trung Thu lắm rồi. Trung Thu từ khá lâu nay không chỉ dành riêng cho trẻ con nữa. Trẻ con vui đã đành. Nhìn người lớn còn thấy “hừng hực” hơn. Cứ để ý ”khí thế” của các vị mua bánh nướng bánh dẻo thì thấy rõ ràng là để đi “quan hệ” thôi chứ chẳng ai mua cho trẻ nhỏ nhà mình với khuôn mặt đầy “âm mưu” như vậy . Nam thanh nữ tú thì lấy đây là cơ hội để giao lưu tình cảm. Nhìn chợ Trung thu là thấy ngay. Các con buôn đồ chơi cực nhạy cảm với thị trường. Họ biết rằng những ai sẽ bỏ nhiều tiền nhất cho hàng hóa của họ. Vậy là vô số các đồ chơi được cung cấp cho thị trường toàn “trẻ em lớn”. Và lũ trẻ đó đeo mặt nạ, đội mũ công chúa, cầm vô thiên lủng các loại đồ chơi dở trẻ con dở người lớn phóng xe như bay , bốc đầu xe hò hét, cười vang trên đường… Thấy có một đoàn các “trẻ em” này phi xe qua, hai ông bà già dắt cháu đi chơi dạt sát vào mép hè. Ông thấy đứa cháu 6,7 tuổi có vẻ thích thú với trò lạng lách đó thì bảo “đừng tưởng thế là hay”. 

Nhìn vô vàn các chủng loại đồ chơi bây giờ thấy tủi thân cho cái tuổi thơ đa phần là nghèo khó của thế hệ mình ngày xưa. Mặc dù lũ trẻ con ngày hôm nay có rất nhiều đồ chơi nhưng thấy cũng không nhiều cái có nhiều ý nghĩa nhân văn cho lắm. Tuổi thơ của thế hệ mình chỉ có mấy cái mặt nạ giấy bồi vẽ sơn mộc mạc, mấy con tò he đất nặn, ông tiến sỹ giấy, mấy cái tầu thủy làm từ vổ đồ hộp chạy pằng pằng trong chậu nước, mấy cái đèn ông sao ông sư… Vậy thôi ,mà bọn mình ngây ngất như trong mơ… Cái thời bánh nướng, bánh dẻo khô như ngói, cắt làm tám, chia đều mỗi đứa một nướng một dẻo ngoài sân ủy ban phường…

Nhớ có một Trung thu, năm mình tám tuổi thì phải… Bố mẹ đưa mình đi chợ Hàng Mã mua cho mình một cái đèn ông sao, rồi cái mặt nạ Chí Phèo. Thấy thỏa mãn lắm rồi. Chắc là vừa xoẳn chỗ tiền nhuận bút mới lĩnh của bố. Mẹ chép miệng kéo mình lướt nhanh qua mấy hàng ô-tô vặn dây cót. Sang đến hàng bán đèn kéo quân, thì bố mẹ kéo kiểu gì cũng không đi. Với mình lúc đó thì thế giới cổ tích chỉ gói gọn trong mấy mặt giấy bồi căng trên khung tre ấy… Lúc đó mình có thể đánh đổi mọi cái để có cái đèn kéo quân ấy… Mình đã khóc. Đứa trẻ ngoan đến lúc trở chứng phải ăn cái tát lật mặt của bố mới ngoan trở lại. Mình thì nín. Mẹ lại khóc suốt đường về…Mai là trung thu… Sáng ngủ dậy, thấy mẹ đang quét nhà. Căn phòng trong phố cổ 12m2 cho cả gia đình đầy giấy vụn. Bố nhấc mình ra khỏi giường cười và bảo “đánh răng rửa mặt đi, rồi vào đây, bố cho xem cái này”… 

 Đây! Cái đèn kéo quân! Bố hỏi “Có thích không?”. “Ở đâu ra thế bố?”. Mẹ bảo” Ông Bụt thức cả đêm qua làm cho con đấy”. Tám tuổi nhưng lúc đó đã đủ lớn để đoán ra là bố làm. Bố đã thức cả đêm để làm cái đèn mơ ước của mình. Bố nhìn thằng con đang tít mắt vì sướng rồi cười với mẹ “Anh đi làm đây” . “Anh ăn cơm rang đi đã “. “Thôi, muộn rồi”. “Cặp lồng em treo ở ghi đông xe đấy”. “Thấy rồi. Chiều về sớm bầy cỗ cho con”. “Vâng”. .. Cả ngày hôm đó đi học mà lúc nào cũng nghĩ đến cái đèn kéo quân ở nhà. Rồi hẹn lũ bạn, tối trước khi đi “phá cỗ” thì qua nhà mình xem đèn kéo quân. Chưa tối hẳn, bọn nó đã tụ tập đủ cả ở nhà mình đòi xem đèn. Mẹ đóng kín mọi cửa nhà cho kín sáng rồi mang cái đèn ra đặt giữa giường. Cả bọn nằm chống cằm quây quanh chờ mẹ châm lửa cho cái đèn. Cả lũ im phăng phắc như tham dự một nghi lễ thiêng liêng nào đó. Đèn sáng. Ánh sáng lập lòe của ngọn lửa từ cái đèn dầu bé xíu. Đèn dầu này cũng là sáng tạo của bố. Nó được chế từ cái lọ thuốc pê-nê-xi-lin, bấc là tý vải cắt từ giẻ lau, đổ dầu hỏa vào…

Rồi ánh sáng bừng lên. Mọi chuyển động bắt đầu, hình ảnh dần rõ nét. Một thế giới huyền diệu vô song. Những con vật đuổi theo nhau… Con voi đuổi con tê giác. Con tê giác đuổi con hổ. Con hổ đuổi con ngựa. Con ngựa đuổi con chó. Con chó đuổi con mèo. Con mèo đuổi con chuột. Con chuột lại đuổi con voi. Ly kỳ và rất thuyết phục. Cả lũ trẻ con hò hét bàn luận và nhìn mình cứ như thần tượng…

Bố về từ lúc nào, đang đứng cạnh mẹ nhìn lũ chúng tôi. .. Mặc cho lũ chúng tôi van vỉ thế nào mẹ cũng kiên quyết tắt đèn. Bảo để đến tối không hết dầu, không đi rước đèn được. Mẹ lùa lũ chúng tôi xuống đường cho bố ngủ bù cả đêm qua thức trắng…Bố ngáy khò khò. Mình sờ cái cằm lỉa chỉa râu của bố rồi chạy theo lũ bạn… Chờ mãi cuối cùng cũng tối. Tiếng trống sư tử rạo rực. Trẻ con ùa cả ra phố. Mình long trọng mang niềm kiêu hãnh của mình ra để khoe với trẻ con cả phường. Ngất ngây sung sướng…Lũ trẻ con bu lấy cái đèn của mình làm cho mấy đứa bạn phải chiến đấu quyết liệt để giữ bảo vật của cả hội… Loa phường thông báo ” Đề nghị tổ trưởng các tổ dân phố hướng dẫn các cháu của tổ mình xếp hàng trật tự ra sân ủy ban phường phá cỗ”. Thế là lũ trẻ con lại rú lên sung sướng uà về phía sân ủy ban… Loa phường thông báo lần hai. Thì kèm theo đó là là một cơn gió lớn. Rồi giông…Rồi sấm… Rồi mưa…

Một cơn mưa rào trái mùa, trái khoáy… Thôi thì đầu sư tử, mũ công chúa, mặt nạ , đèn sao, đèn trăng nhũn nhoẹt hết… “Ông trời sao không thương trẻ con cả năm có một lần thôi hả trời!“. Bà tổ trưởng phụ nữ vừa chạy vừa than thế…Lũ chúng tôi chẳng than khóc gì , chỉ chạy trốn mưa thôi. Tôi cởi áo bọc cái đèn kéo quân của bố chạy về nhà. Nước mưa lẫn nước mắt. Cái đèn không được sáng đúng thời điểm nó cần tỏa sáng… Dẫu sao trước đó và mãi mãi nó đã làm sáng rực cả quãng đời thơ bé của tôi…

Những trung thu nghèo khó nhưng hạnh phúc đó. Cái đèn kéo quân của bố vẫn mãi tỏa thứ ánh sáng kỳ diệu đó…

…Sáng nay mình đi làm. Thấy mọi người đi vòng vòng quanh cái đảo giao thông. Lại liên tưởng đến cái đèn kéo quân… Những vòng quay… Con voi đuổi con tê giác. Con tê giác đuổi con hổ. Con hổ đuổi con ngựa. Con ngựa đuổi con chó. Con chó đuổi con mèo. Con mèo đuổi con chuột. Con chuột lại đuổi con voi…

 Nguyễn Anh Vũ 

About admin2

Scroll To Top