Home / Giới thiệu sách / Chó hoang Đin-gô và một tình bạn trong sáng diệu kỳ

Chó hoang Đin-gô và một tình bạn trong sáng diệu kỳ

Ngay cả khi đọc nó tới lần thứ tư hay thứ năm gì đó, tôi đã không nghĩ một điều rằng, tôi sẽ nhớ tới nó mãi mãi, suốt những năm tháng tuổi trẻ, những năm tháng tuổi già, từ khi còn là một đứa bé tới khi sinh ra những đứa bé.

Tôi đọc nó từ khi mười một hay mười hai tuổi. Và đọc ở rất nhiều nơi trong ngôi nhà gỗ cũ kĩ và mảnh vườn rộng ba ngàn mét vuông có rất nhiều cây ăn trái. Nhưng thích nhất là được ngồi trên căn gác áp mái lá cọ, thò hai chân đung đưa ngoài cửa sổ bé tí, vừa nhấm nháp một thứ quả gì đó vừa đọc. Và tự cười rinh rích, và tự rưng rưng nước mắt nữa.

Đúng là tôi đã nghĩ đến nó, nhớ về nó quá nhiều, nhiều hơn người ta thường nhớ về một cuốn sách. Nó như một giấc mơ đã trôi qua, nhưng vẫn hiển hiện đâu đó, xa xôi và mỏng mảnh. Ngay sau khi đọc cuốn sách lần đầu tiên tôi đã xin bố được đặt tên cho con chó nhỏ có màu lông vàng là Đin gô. Và lần lượt, có khoảng năm, sáu con chó đã được đặt tên như vậy trong gia đình. Gần đây nhất, khi tôi lấy chồng, quà mừng ngày 21 tháng 6 năm ấy, ông xã đã tặng cho tôi một con chó Phốc. Và tôi đặt ngay cho nó cái tên mà tôi yêu quý: Đin gô. Con Đin gô này về sau được con gái tôi gọi tắt là Gô. Con Đin gô béo mũm mĩm, thường được buộc ở gốc cây long não trên phố Lê Văn Hưu vì nhà quá chật, nên từ sáng tới tối nó cứ việc chạy quanh cái gốc cây long não già cỗi ấy. Khi con gái tôi 5 tuổi, tức là tuổi tương đương với con Đin gô thì Đin gô ra đi. Tuổi thọ của nó chỉ được 5 năm, người ta bảo thế. Và trong một buổi sáng mưa dầm, con Đin gô ốm đã mấy ngày liền, không gượng dậy được nữa, hai vợ chồng quyết định mang nó ra công viên Thống Nhất và thả ở đấy. Vì không muốn chứng kiến cái chết của nó. Sẽ không còn nữa đôi mắt long lanh tròn như hòn bi, và cặp mông lẳn không có đuôi thường ngoáy tít mỗi khi con Bống chạy ra chơi với nó.

Từ đó, tôi chưa nuôi thêm con chó nào. Nhưng nhất định, nếu nuôi nữa, tôi sẽ lại tiếp tục đặt tên chó là Đin gô.Nhưng nhân vật mà tôi nhớ trong cuốn sách đó không phải là chó Úc Đin gô, Đin gô chỉ là cái cớ để tôi nhớ về cuốn sách. Tác giả đã đặt cho cuốn sách hai cái tên: “Chó hoang Đin gô” hoặc “Câu chuyện mối tình đầu”, độc giả thích tên nào thì dùng tên đó. Nhưng tôi lại hoàn toàn không cảm thấy có sự hiện diện của một mối tình nào hết, giữa Tanhia và Phinca, hai nhân vật chính trong truyện, mà chỉ long lanh ở đó một tình bạn trong sáng và vô cùng ấm áp. Tất cả như đang xảy ra xung quanh đây nhưng cũng quá đỗi xa xôi. Những câu chuyện không đầu không cuối, những ước mơ hé mở, những sợ hãi vô hình và nỗi cô đơn thường xuyên ngập tràn trong tâm hồn bé nhỏ. Có thể chính sự cô đơn (bố đi rất xa, mẹ thường xuyên vắng nhà, chỉ có sự hiện diện của bà vú già, mấy con vịt và đàn mèo) đã khiến Tanhia cảm thấy Phinca có thể trở thành điểm tựa mơ hồ của mình chăng? Bây giờ thì tôi mới đặt ra câu hỏi đó, nhưng khi ấy, khi mười một mười hai tuổi, tôi chỉ ước mình có một cậu bạn như Phinca. Một cậu bé sẵn sàng chia sẻ những niềm vui rất giản dị như món cá sống, “mật kiến”, hay một ít quả việt quất cho bạn bè, và ánh mắt thì lúc nào cũng có thể âu lo trước một biểu hiện nào đó từ bạn. Tuy nhiên Phinca cũng chỉ là một bé trai, suy nghĩ giản đơn hơn Tanhia, cũng ít buồn phiền hơn Tanhia, và điều khiến cậu bận tâm hơn cả, chính là cô bạn Tanhia rất nhút nhát, rụt rè, yêu thiên nhiên. Sự tinh tế của Phinca bộc lộ rất rõ, khi cậu nhận ra Tanhia đang buồn bã giữa đám đông lửa trại, toàn những bạn béo ị, hoặc tham ăn, hoặc vô tâm, và Tanhia thì sẵn sàng, trong đêm tối mịt mùng, đi vào rừng cùng Phinca để tìm con hươu bị lạc.

Câu chuyện không có phần kết. Nó dừng ở nơi Phin ca và Tanhia đang nói dở câu chuyện về bố của Tanhia, không biết vì lý do gì đã rời xa hai mẹ con em và sống ở một nơi rất xa, tận châu Phi. Phinca không hiểu được nỗi buồn thẳm sâu trong tâm hồn Tanhia, và Tanhia hình như cũng chẳng hề muốn chia sẻ tận cùng nỗi buồn ấy với bạn.Hai mươi mấy năm trước, mỗi lần gập cuốn sách, tôi lại nghĩ: Liệu bố của Tanhia có trở về không? Mẹ của Tanhia có biết con gái mình rất cô đơn không? Và Phinca thì khi nào mới đủ lớn để chia sẻ tất cả với Tanhia?  Đó là một cuốn sách để lại nhiều câu hỏi. Nhưng cũng là một cuốn sách khiến cho bất kì ai đọc nó đều ước muốn được quay trở về tuổi thơ.

Tanhia… (Ảnh: nuocnga.net)

Chó hoang Đin gô, mặc dù tôi đã giở nó một cách rón rén mỗi khi đọc, nhưng rốt cục nó cũng cũ nát. Và khi tôi đi học đại học,  trong căn nhà gỗ cũ kĩ ở miền núi ấy, lũ mọt đã ăn thủng cả cái hòm và không bỏ sót thứ gì, kể cả cuốn sách. Đó chính là thứ tài sản khiến tôi nuối tiếc nhất mỗi khi trở về .

Chó hoa Dingo hay là câu chuyện mối tình đầu (Ruvim Ixaevich Phraerman, Nhã Nam,2014)

Chó hoang Đin-gô hay Câu chuyện mối tình đầu, tác giả: R.I. Phraerman (Nga) Xuất bản lần đầu ở Việt Nam bằng bản dịch của dịch giả- nhà văn Lê Ngọc Mai.

Đỗ Bích Thúy

About DuongMy

Scroll To Top