Home / Giới thiệu sách / Buổi đọc sách / Cuốn sách “Cảm xúc của con màu gì?” (Jayneen Sanders, Phương Thúy dịch, Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2020)

Cuốn sách “Cảm xúc của con màu gì?” (Jayneen Sanders, Phương Thúy dịch, Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2020)

Cuốn sách “Cảm xúc của con màu gì?” (Jayneen Sanders, Phương Thúy dịch, Nhã Nam và NXB Dân Trí, 2020) có thể là một chìa khóa giúp các cha mẹ mở khóa cánh cửa, bước vào thế giới của con. Ai cũng có cảm xúc và cảm xúc sẽ thay đổi liên tục. Tuy vậy, nếu những cảm xúc tích cực có thể đem lại sự hưng phấn, hào hứng để con sẵn sàng khám phá, học hỏi, vui chơi thì những cảm xúc tiêu cực nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời có thể sẽ mang tới những kết quả không mong muốn. Cuốn sách nằm trong bộ sách “Phát triển trí tuệ cảm xúc” của nhà giáo dục Jayneen Sanders, cô đồng thời là nhà hoạt động vì quyền trẻ em, đồng sáng lập nhà xuất bản Educate2Empower chuyên về sách giáo dục An toàn thân thể. Trong phần cuối cuốn sách của mình tác giả đã chia sẻ về cách bố mẹ có thể cùng con khai thác thông tin, nội dung cuốn sách một cách hiệu quả, thời điểm nào thích hợp để bố mẹ đọc sách cùng con…

Để bày tỏ cảm xúc của mình mỗi người sẽ có thật nhiều cách khác nhau: Hãy dùng màu sắc để kể về cảm xúc của con, hãy dùng những nét vẽ hay hình ảnh mang tính biểu tượng để nói lên những vấn đề của con trong ngày… Khuyến khích con vẽ, viết, ghi lại những câu chuyện trong ngày sẽ là một gợi ý rất tuyệt bởi hoạt động này không chỉ giúp trẻ bày tỏ cảm xúc mà còn là biện pháp giúp con giải tỏa căng thẳng. Bố mẹ có thể trở thành người bạn biết lắng nghe và chia sẻ về chính “vấn đề” của mình khi bằng tuổi con, tạo sự đồng cảm với trẻ. Điều này sẽ giúp con dễ dàng hơn trong việc nói ra băn khoăn của chính mình. Cùng con gọi tên cảm xúc, khám phá xem điều gì khiến con có những cảm xúc ấy và cùng con đưa ra những “bí kíp” có thể giải quyết vấn đề con đang gặp phải chính là những gợi ý tác giả dành cho các bậc phụ huynh. Và theo Jayneen Sanders chia sẻ, bố mẹ có thể ôm con thật chặt để bày tỏ cho con biết sự tự hào của mình về con và để con có thể tin tưởng vào chính mình bởi mình đã làm rất tốt. Hãy nhớ rằng, việc tạo ra cảm xúc tích cực, tạo động lực cho trẻ sau mỗi buổi trò chuyện sẽ kiến trẻ thấy tự tin hơn và không ngại chia sẻ những “vấn đề nan giải” hơn trong hành trình con trưởng thành.

Dương My (Viết cho CLB Đọc sách cùng con)

About Chang Che It

Scroll To Top