Home / Giới thiệu sách / Mẹ dạy con, bố đố con, con tự học

Mẹ dạy con, bố đố con, con tự học

Dạo gần đây, trẻ em sợ học Văn. Lý do thì nhiều, trong bài viết này tôi không muốn nói tới, vì để “mổ xẻ” hết nhẽ thì sẽ lạc đề. Điều tôi muốn nói hơn, là cách khơi gợi, dẫn dắt sao cho các em tìm lại được niềm hứng khởi với tiếng mẹ đẻ, giữ được “năng lực rung động” trước cái đẹp và biết mình phải làm gì với môn Văn “khó nhằn và đáng sợ” ở trường.

Cuốn “Cùng thám tử Chữ học tiếng Việt với các nhà văn” của hai tác giả-soạn giả Trần Quốc Toàn, Lê Hồng Mai và Nguyễn Thị Quốc Minh có thể là một giải pháp hay cho các bạn nhỏ, đặc biệt là các bạn tiểu học.

Trẻ con thì thích khám phá, tìm tòi, thích những gì kì lạ, bí ẩn. Vì thế mà các thám tử luôn được trẻ hâm mộ: từ thám tử Conan đến thám tử Shelock Homes. Góc tiếp cận của các tác giả – soạn giả cho thấy những người làm sách am hiểu thế giới trẻ thơ. Đó là động lực khiến trẻ mở sách ra và bắt đầu đọc. Theo bước các nhà văn, các cô bé cậu bé sẽ gặp những “dấu vết” họ để lại. Đó chính là các tác phẩm hoặc đoạn trích từ các tác phẩm cũ mới, cả kinh điển lẫn đương đại. Lần theo dấu vết để “điều tra” những suy nghĩ, ý tưởng, những dụng công sắp đặt, “bày binh bố trận” của nhà văn để hiểu hơn một từ, một thành ngữ, một đoạn trích hay cả tác phẩm. Những thủ pháp nghệ thuật cứ theo mạch dẫn dắt ấy mà hiện ra dễ hiểu, lại cũng bằng cách nói nôm na, đáng yêu, khiến tôi hình dung ra miệng cười khúc khích của các em khi học theo những trang sách này.

“Chữ biến trống thành người” (nhân hoá) bằng cách nào?

Tìm nhân vật số một (nhân vật chính) trong bài văn ra sao?

Làm sao “tạo góc nhìn đặc biệt” để phép màu văn chương hiện ra?

Đôi khi đoạn văn đã dừng, câu văn đã hết thì thám tử lại dạy cách đi tiếp theo mạch văn để đọc được những điều nhà văn không nói hết ra – cách ấy là thế nào?! Làm sao để tìm được một chi tiết đã bị nhà văn giấu đi để tạo ấn tượng mạnh cho đoạn văn của mình?

“Đi tìm màu vàng thứ mười” khó như thế nào khi làm văn miêu tả?

Làm sao tả mùa đông mà không cần chữ “rét”? Ai có khả năng “may áo cho dòng sông” lúc đổi mùa?…

hoc tieng viet

Cứ nhẩn nha giản dị như thế, cùng thám tử, trẻ học các vấn đề lý thuyết của văn miêu tả, văn tự sự… có vẻ nhàn tênh. Phải rồi: Quà tặng không quan trọng bằng cách tặng. Cách giao bài tập quan trọng không kém gì bài tập. Hai tác giả – soạn giả với tố chất sư phạm của mình đã xử lý thật mềm mại những câu hỏi được đặt ra bằng cách diễn giải tình cảm, dễ hiểu, hiện đại. Sách có thể dùng cho mẹ dạy con, bố đố con, con tự học. Nó có thể là một cầu nối thân thương để giao lưu cảm xúc giữa bố mẹ và con cái. Các bố mẹ và các bạn nhỏ ơi, hãy đọc và thử sức dẻo dai cùng Thám Tử Chữ nhé!

Nhà văn – Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh

About Bui Huong Lien

Scroll To Top