Home / Bài Viết / Hiện tượng tự tử ở trẻ vị thành niên

Hiện tượng tự tử ở trẻ vị thành niên

Hiện tượng trẻ vị thành niên nông nổi tìm đến cái chết là vấn đề xã hội đáng lo ngại không chỉ ở Việt Nam. Cuộc sống càng hiện đại càng nhiều áp lực, càng có nhiều lý do để tìm đến cái chết. Khi rơi vào tình trạng trầm uất, mất thăng bằng, một cú sốc tình cảm, trẻ vị thành niên với những đặc điểm đặc trưng của lứa tuổi mình có thể đi đến quyết định tiêu cực và thậm chí sau đó có cả sự chuẩn bị để hành động, thực hiện quyết định của mình. Người bên ngoài có thể phán xét hành động đó là “ích kỷ”, “lãng xẹt” vì họ không hoặc chưa trải qua những biến đổi tâm lý như các em,vào độ tuổi đó. Trên thực tế, rất nhiều người đã từng trải qua cảm giác này: cảm giác cùng đường, không có lối thoát cho cuộc đời mình, chỉ thấy những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống hoặc của chính bản thân mình, thấy mình như đã bị “bỏ đi”. Cảm giác ấy chi phối tất cả những suy nghĩ hoặc hành động của mình trong một khoảng thời gian cụ thể. Không hiếm người, không chỉ là những người trẻ mới lớn nông nổi, trong nhiều tìn hhuống, rơi vào tâm thế không muốn, không thể, không dám đối mặt với sự thật, và trong đầu manh nha một ý nghĩ: chết!

 Những hiện tượng cần lưu ý

Đừng cho là chuyện “chỉ đùa thôi” khi một bạn tuổi teen bỗng nhiên đôi khi nói đến cái chết, hoặc nói với những người thân quen những lời đầy ẩn ý như “Không có con thì bố mẹ sẽ sướng!”,“Bố mẹ sinh con ra làm gì…”… Rất có thể, ý tưởng về cái chết càng ngày càng lớn hơn khiến đứa trẻ thậm chí nghĩ tới nó một thời gian dài. Nếu có bạn bè động viên, an ủi, tinh thần có vẻ sẽ khá hơn, nhưng đôi khi sự “khá hơn” đó cũng chỉ là một dấu hiệu giả tạo. Đứa trẻ có thể tìm thêm thông tin, chọn lựa địa điểm, kịch bản chết cho mình. Trong thời điểm này,nếu người thân thường xuyên chú ý quan sát đứa trẻ,sẽ nhận thấy nhiều tín hiệu bất thường trong lời nói, hành vi, những điều mà đôi khi chúng ta coi nhẹ, như một câu đùa “vớ vẩn”, một ý nghĩ “lẩn thẩn, khùng khùng”. Cái cớ để thực hiện hành vi tự tử như giọt nước tràn ly chứ không phải chỉ là một quyết định trong tích tắc. Những đứa trẻ như vậy thường đã chịu áp lực từ lâu mà chỉ đến khi xảy ra chuyện không hay, người xung quanh mới nói “không ngờ…”.

 Chết để khẳng định giá trị của bản thân

Những đứa trẻ từ tuổi dậy thì 13, 14 tuổi trở đi đã bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời và cho đến tận tuổi vị thành niên, có người còn lâu hơn, chúng vẫn ở tuổi nhạy cảm hơn mọi lứa tuổi khác. Thời gian này, trẻ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ, đồng thời lại cũng mong muốn được thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của họ. Chính vì sự phức tạp của tuổi khủng hoảng này mà nếu các bậc cha mẹ không nhận thức rõ tầm quan trọng của sự thấu hiểu, chia sẻ hàng ngày với con, xử sự tinh tế và tâm lý với những hành động thất thường, chưa hợp lý của trẻ – sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn thể hiện ngay trong cách nói, cách mắng mỏ la rầy của cha mẹ. Nếu một con người có thể chịu đựng được những lời mắng nhiếc ở tuổi nhỏ hoặc lớn hơn, thì ở tuổi dậy thì, vị thành niên, trẻ chịu đựng điều đó khó khăn hơn nhiều. Nó có thể khiến“sự tự đánh giá bản thân” của trẻ bị hạ thấp. Từ việc hoài nghi giá trị của bản thân, trẻ có thể đi đến hoài nghi giá trị của chính cuộc sống của mình trên đời. Nhiều đứa trẻ quyết định chết chỉ để hy vọng vào một sự “đánh giá lại” của người thân, người mình yêu quý về giá trị của bản thân mình. Trẻ hy vọng, sự tiếc nuối của họ khi mình không còn trên đời nữa làm tăng giá trị của mình. Điều này cũng xảy ra cả ở trường hợp tự tử để khẳng định giá trị của mình với người yêu. Đặc biệt với tình yêu đầu đời, đứa trẻ dễ có những cảm xúc mạnh mẽ và phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ này. Khi có hoặc nghi là có một người thay thế mình, giá trị bản thân hoàn toàn bị sụp đổ.

 Loại bỏ những dấu hiệu bệnh lý tâm thần, nói đến chuyện tự tử ở giới trẻ gần đây, mới thấy, trẻ vị thành niên giờ đây quá dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” để nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, sau những kỳ thi. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cả xã hội chúng ta phải nhìn nhận lại việc giáo dục trẻ, hoặc nói rộng hơn, là phải đấu tranh để thay đổi cả tư tưởng của những bậc làm cha mẹ, những người lớn – cách nhìn của họ về việc học tập của con cái, quan niệm về sự thành đạt trong xã hội.Những áp lực về khẳng định giá trị bản thân bằng cách phải học giỏi, hoặc phải giữ được danh hiệu giỏi mình đã từng có, phải khiến bố mẹ vui lòng, tự hào về mình… cũng là áp lực không nhỏ đối với trẻ,thậm chí không từ phía bố mẹ mà do ảnh hưởng của định kiến xã hội nói chung, nhìn nhận giá trị con người qua những tiêu chí bề nổi.

Để cứu một con người, hãy để ý và biết chia sẻ

Chúng ta có thể bảo vệ được những đứa trẻ mới lớn của mình chỉ với một giải pháp: thấu hiểu thông qua việc để ý quan tâm, biết chia sẻ đúng cách. Khi con đếntuổi dậy thì, bố mẹ hãy hiểu và chấp nhận việc mình lùi lại hậu thuẫn cho con trong các mối quan hệ xã hội chứ không phải buồn phiền, cáu giận khi con “ chỉthích bạn bè, quên bố mẹ”. Chính cách hành xử hiểu biết đó của bố mẹ sẽ tạo lập được mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa hai thế hệ. Và chắc chắn, khi gặp khó khăn với những mối quan hệ bên ngoài, đứa trẻ sẽ tìm đến hậu thuẫn của nó là bố mẹ. Những lúc cần “mắng mỏ”, phê phán thì cũng tránh lên án thái quá, chụp mũ cho trẻ một cái tên tiêu cực (như đồ dối trá, đồ hèn nhát, ngu, dốt nát…), và đặc biệt không dùng phương pháp mỉa mai, hạ nhục nhân phẩm trẻ. Sự thẳng thắn ở giai đoạn này là rất cần thiết. Hãy bắt đầu bằng việc mô tả hành động cụ thể: “Bố nhận thấy… “, “Mẹ nhận thấy….” chứ không phải phán xét: “Con toàn là…”, “Con lúc nào cũng….”…

Nếu bố mẹ hoặc người thân, thày cô giáo có thể tạo lập mối quan hệ tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giữ khoảng cách vừa phải hợp lý, không can thiệp quá sâu và cụ thể vào từng mối quan hệ của trẻ thì chúng ta có cơ hội để chia sẻ với trẻ nhiều hơn. Những sai lầm, đau khổ, đổ vỡ trong tình cảm bạn bè, tình yêu… có thể được giải tỏa khi trẻ cảm thấy có sự đồng cảm mà không phán xét. Đứa trẻ vị thành niên sẽ không khóc trong vòng tay bốmẹ nếu hàng ngày không tin chắc rằng bố mẹ có thể hiểu nó.

 Ngoài sự sẵn sàng chia sẻ, cần để ý quan sát trẻ tuổi mới lớn,nếu có điều gì bất thường, chớ cho là “rồi sẽ qua”. Việc học sa sút đi, trẻ đắm chìm vào game để quên đi hiện thực; cãi nhau với bạn, đóng cửa ngồi lì ở nhà… Tất cả đều cần được kịp thời phát hiện và tìm hiểu nguyên do.

Với những trường hợp sốc về tình cảm khi gặp đau khổ đột ngột, sau cái chết của người thân, người bạn, hay thông tin về bệnh tật của bản thân, những trường hợp khác như bị lạm dụng tình dục .v..v.. đôi khi cần đến sự hỗ trợ của người có chuyên môn. Đừng ngại tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý.

 Những thông tin đáng buồn về nạn tự tử của trẻ gần đây là lý do khiến tôi tin rằng, mỗi một cơ sở giáo dục rất cần có người tư vấn tâm lý, hỗ trợ các em trong những tình huống khác nhau của cuộc sống học đường. Đôi khi đơn giản chỉ là sẵn sàng lắng nghe…

 Và cuối cùng, là kỹ năng sống

 Chương trình kỹ năng sống khi đưa vào nhà trường không nên chỉ chú trọng vào việc rèn luyện cho trẻ một kỹ năng cụ thể nào đó mà phải hướng dẫn cách tự đánh giá bản thân, tự xây dựng cho mình một bộ giá trị sống, cách tìm sự đồng thuận trong các mối quan hệ xã hội để có thể dần học cách vững vàng đối mặt với những tình huống không mong muốn trong cuộc sống.

TSGD Nguyễn Thụy Anh (Tuổi trẻ cuối tuần 29/3/2015)

About admin2

Scroll To Top