Home / Tư vấn - Chia sẻ / Khi con làm cán bộ lớp

Khi con làm cán bộ lớp

– Con bé nhà tôi mới đi học được vài tháng mà đã được làm lớp phó rồi kiêm cả quản ca nữa. Về nhà chững chạc hẳn lên…

– Dào, báu gì. Con tôi làm lớp trưởng. Đang lo sốt vó lên đây…

– Sao lại lo?

 – Nhiều vấn đề lắm. Thứ nhất là suốt ngày việc lớp. Hết cô sai đi lấy cái này cái kia đến lo rình mò các bạn quay bài, xem bài nhau để mách cô. Bọn bạn nó ghét cho. Học thì kém đi, chỉ mải lo học hát để làm phong trào lớp. Mới có học lớp 4 thôi đấy đã thấy không còn thời gian rồi… Hôm nọ tôi phải đến xin cô cho nó thôi chức lớp trưởng.

 – Cô có cho không?

 – Không cho. Bảo nó đang làm tốt. Thì rõ rồi, “tay chân, tai mắt” của cô mà…

 – Thế làm thế nào?

 – Tôi cũng đương “nghĩ mưu”…

 Đó là câu chuyện tôi nghe được ở hàng gội đầu. Về nhà, nó cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Ở góc độ các nhà giáo, các nhà sư phạm, ta nên nghĩ gì về việc này? Ở góc độ của phụ huynh, nên có đánh giá về việc này thế nào cho phải và xử trí ra sao cho thuận để cô không tự ái và con không cảm thấy tổn thương?

Và tôi bất giác cũng ngồi “nghĩ mưu” cùng bà mẹ có tâm sự trên kia.

 Thực tế

Một thực tế đáng buồn là bây giờ, rất nhiều người đã nhìn nhận sai về chức cán bộ lớp của một đứa trẻ, dẫn đến có sự sai lệch trong việc hướng dẫn hành vi của trẻ ở trường học. Đó là:

Coi cán bộ lớp là “trợ lý” của cô giáo. Bé được cô tin tưởng nhiều việc, được cô “nhờ” vào điểm trong sổ, “trông” các bạn khi cô bận đến muộn hay có tiết trống, chỉ huy các bạn sinh hoạt lớp, ghi nhận xét về các bạn để báo cáo cô..v..v… Nguy hiểm hơn nữa, có những lớp trưởng còn được cho cái quyền đánh bạn bằng thước kẻ. Trẻ con ý thức được rất rõ về cái gọi là quyền lực. Nhiều em đã dùng “đặc lợi” của mình để uy hiếp bạn khác: dọa đánh, dọa ghi tên vào sổ, dẫn đến việc đòi hỏi ở các bạn rất khắt khe mà trở nên dễ dãi với bản thân. Bé tự coi mình là một người quan trọng.

Giao cho bé quá nhiều việc vặt như đi lấy đồ cho cô, phát giấy thu bài kiểm tra, đi gọi người hộ cô giáo..v..v… Những việc vặt ấy lấy đi nhiều thời gian học và chơi của bé trên lớp. Kết quả là, nhiều bé sau một thời gian làm cán bộ lớp bỗng thay đổi tâm tính. Có em không hòa hợp được với các bạn trong lớp, bị các bạn ghét, em càng ngày càng trở nên cáu bẳn, khó chịu. Có em quen với việc mình là người được chú ý, ở nhà đối xử với bố mẹ, với các anh chị em không còn lễ phép, nhường nhịn như trước, bỗng thành nóng nảy, thiếu kiềm chế trong nhiều trường hợp. Có em vì muốn cô giáo hài lòng mà cố gắng quá mức, đến độ không còn tập trung vào việc chính là học tập, chỉ chăm chăm muốn giúp cô giữ được trật tự kỷ luật trong lớp…

Đương nhiên tôi không nói tất cả em làm cán bộ lớp đều như vậy. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng có những hiện tượng như thế trong bối cảnh học đường.

 

Giải quyết

Người mẹ mà tôi gặp ở hàng gội đầu trên kia đã nghĩ ra một “mưu” như thế này: Chị cạy cục nhờ một bác sĩ quen làm một cái giấy khám sức khỏe, chứng minh cháu không đủ sức khỏe để làm … lớp trưởng. Và cô giáo đành phải cho cháu thôi làm cán bộ lớp. Song, người mẹ lại phải đối mặt với một vấn đề khác: sự chống đối của con. Cô bé “lớp trưởng” bỗng nhiên bị cách chức, đã khóc lóc buồn bực, rất lâu sau mới có thể đi học bình thường. Bạn bè thấy vậy càng trêu chọc khiến sau đó em trở nên khép kín, không cởi mở. Và đó cũng là một cú sốc về tâm lý của em. Tôi cho rằng, người mẹ đã giải quyết rất sai lầm.

Khó có thể có được một “công thức” giải quyết cho tất cả các trường hợp, nhưng về cơ bản, theo tôi, các bậc phụ huynh nên bám theo những yếu tố sau:

Tìm sự ủng hộ từ phía cô giáo và nhà trường: Chẳng gì bằng sự chân thành: bạn có thể tìm gặp cô giáo, thẳng thắn kể lại những hiện tượng mà bạn cho rằng không bình thường ở con mình sau một thời gian làm cán bộ lớp. Cô giáo có thể sẽ chia sẻ những lo lắng ấy của bạn để điều chỉnh cách giao việc cho con trên lớp. Cán bộ lớp không phải là “chân sai vặt” của cô. Các con phải có được khái niệm rõ ràng về trách nhiệm của mình. Ví dụ: thu bài khi cả lớp làm bài kiểm tra, đứng đầu hướng dẫn các bạn khi xếp hàng dưới sân trường, phân công công việc cho các bạn, các tổ khi có một hoạt động chung nào đó…

Những việc như trao quyền hạn lớp trưởng được “thoải mái” đánh bạn, dùng việc ghi tên mách cô gây áp lực cho các bạn khác đều thuộc vào hiện tượng “Bạo lực học đường”, cần bị lên án. Nếu cô giáo không thay đổi cách hành xử, bạn cần có ý kiến trực tiếp với Ban giám hiệu.

Tìm sự ủng hộ từ phía Ban phụ huynh:  Bạn có thể đưa sự việc ra khi họp ban phụ huynh để các bố mẹ cùng tìm cách “gỡ rối”. Một cái đầu không bằng hai cái đầu, mà hai cái đầu lại không thể bằng rất nhiều cái đầu cùng suy nghĩ. Thêm nữa, đó không phải là vấn đề riêng tư của gia đình bạn, mà là vấn đề chung của lớp – vấn đề quan hệ bạn bè của con ở trên lớp. Muốn có một không khí học tập lành mạnh khi đến trường, cần phải có một mối quan hệ lành mạnh, trong sáng và công bằng giữa các học sinh.

Luôn luôn chia sẻ với con: Hãy là người bạn của con, để bé có thể tin tưởng trao đổi với bạn về các “công tác” mà bé được giao trên lớp. Gợi ý cho con cách giải quyết công việc, cách hành xử thế nào cho đúng ở mỗi tình huống. Bạn có thể kể cho con nghe, ngày xưa mình từng làm cán bộ lớp ra sao hoặc kể về một hình mẫu lớp trưởng nào đó mà bạn kính phục. Làm sao qua những câu chuyện kể tự nhiên, lan man, như không chủ ý, chỉ là một vài mẩu ký ức bạn muốn chia sẻ, bạn nói được với con rằng: là cán bộ lớp, con phải giữ được cái uy trước mắt bạn bè. Cái uy ấy thể hiện ở:

• Ít nhất con phải giữ được thành tích tốt ở một trong các môn học.

• Con có thể học giỏi mà vẫn khiêm tốn, không khoe khoang, không tự kiêu.

• Trước khi nhắc nhở các bạn, chính con phải nghiêm khắc với bản thân. Nói thế không có nghĩa là con không được mắc lỗi, nhưng nếu có lỗi phải dũng cảm nhận lỗi, chấp nhận các hình phạt, phê bình như các bạn khác.

• Biết giúp đỡ bạn bè.

• Biết cảnh cáo, nhắc nhở trước khi “mách” cô.

• Biết cách chia việc ra cho các bạn cùng làm, không ôm đồm làm một mình những việc của lớp. Biết cách làm việc theo nhóm, biết cách nhận ra khả năng của các bạn khác chứ không khư khư nghĩ mình là nhất.

• Luôn nhắc nhở con về việc xây dựng tình bạn. Con cần có những, có chí ít là một người bạn thân thiết quanh mình. Người bạn ấy là người sẽ cho con lời khuyên trong lúc cần thiết, có thể là cầu nối giữa con với các bạn khác trong lớp nếu xảy ra những chuyện căng thẳng đôi khi có thể có giữa cán bộ lớp và các bạn “thường dân”

Và cuối cùng, bạn hãy luôn tôn trọng con. Nếu có bất kỳ quyết định nào, bạn cũng phải tham khảo ý kiến của con, làm công tác tư tưởng cho con trước đã. Điều ấy, tiếc rằng người mẹ ở hàng gội đầu nói trên đã không chú trọng nên rốt cuộc, lợi bất cập hại như vậy đấy!

 TSGD Nguyễn Thụy Anh

About DuongMy

Scroll To Top