Home / Bài Viết / Làm gì để giúp bạn?

Làm gì để giúp bạn?

Thời gian vừa qua, VH & TT đã nhận được nhiều thư của các bạn gửi về, mong muốn được giải đáp những vướng mắc trong học tập và cuộc sống. Thể theo nguyện vọng của các bạn, từ số này, VH&TT đã mời TS.Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em, phụ trách chuyên mục – là cầu nối giúp các bạn giải đáp những vướng mắc đó.

(Các bạn có câu hỏi hay, thú vị được đăng trên VH&TT sẽ nhận báo biếu và nhuận bút của Tòa soạn. Các câu hỏi xin gửi về 25 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Hỏi

Em và Q chơi thân với nhau đã hai năm nay, trong suốt thời gian ấy, em thấy bạn ấy rất lễ phép với thầy cô, hòa nhã với bạn bè. Một lần, em đến nhà bà ngoại chơi (nhà bà em cạnh nhà bạn ấy) em đã nghe thấy bạn ấy cãi mẹ, cãi rất to. Dù không biết bạn Q cãi nhau với mẹ vì lý do gì nhưng em đã nghĩ là con cái thì không được cãi lại mẹ như thế. Em buồn và thất vọng về bạn ấy vô cùng. Có lúc em không muốn chơi với bạn ấy nữa nhưng rồi em lại nghĩ bỏ rơi bạn ý vào lúc này là không nên. Rồi em đã quyết định đến nói chuyện với Q. Trong lúc Q tắm thì em lên phòng ngồi chờ. Em vô tình đọc được mẩu giấy do chính tay bạn ấy viết : “Trong nhà này tôi ghét nhất là mẹ. Ngày nào mẹ cũng mắng tôi chỉ vì tôi không để sách vở, quần áo gọn gàng”. Đọc mẩu giấy, em vô cùng hoang mang, cảm thấy như có ai đó bóp chặt ở cổ. Lúc Q vào phòng, em nói chuyện với Q, khuyên bạn không nên như vậy thì Q nói với em: “Mặc kệ tao, tao ghét ai không liên quan đến mày. Lắm chuyện!”. Em như bị gáo nước lạnh dội vào mặt, lảo đảo đi ra, dắt xe về. Em không thể ngờ một người con lại ghét bỏ mẹ mình chỉ vì lí do kì lạ như vậy? Em thực sự rối bời, trong con người Q đâu là thật, đâu là giả? Em không biết mình nên làm gì trước tình huống này, em mong VH&TT giúp em.

(Một bạn quên ghi tên)

Trả lời

Chào em!

Đọc thư của em, cô vừa cảm động vừa … vui. Hẳn em rất ngạc nhiên khi cô nói vậy: lẽ nào có thể vui trước những trăn trở chân thật của em khi lo lắng và hoài nghi về tư cách đạo đức của một người bạn mà em vẫn tin tưởng và yêu quý! Thực ra, cô vui vì em đã không thờ ơ với bạn, đã nhận thấy vấn đề của bạn mình và muốn giúp bạn trở nên tốt hơn. Thế mới là một tình bạn đích thực.

Cô rất hiểu những tâm sự của em. Tuy nhiên, em biết không, chúng ta sẽ cùng nhau đặt mình vào vị trí của bạn em, để cùng hiểu tâm sự của bạn ấy. Bạn ấy đang có mẫu thuẫn với chính người mẹ yêu thương của mình. Chúng ta ở bên ngoài nhìn vào thì thấy, đơn giản là không thể chấp nhận việc “ghét mẹ vì mẹ hay mắng”, thật vô lí và không ngoan. Nhưng thực tế, đây là một vấn đề tâm lí: chính Q cũng không thể kiểm soát được cảm xúc này. Những sự không hiểu nhau, thiếu đồng cảm giữa hai thế hệ khiến cho mối quan hệ ngày càng mâu thuẫn. Nguyên nhân phần lớn là do Q và mẹ bạn ít có cơ hội chia sẻ, thẳng thắn nói với nhau về cảm xúc của mình, về các vấn đề của mình, thậm chí còn hiểu sai những thông điệp của nhau. Cô nghĩ người mẹ nào cũng yêu con và đứa con nào cũng muốn được gần gũi, thương mến mẹ. Cô tin rằng, bạn Q của em có thể không muốn nói như thế, không muốn hành động như thế nhưng không dừng lại nổi. Đây là đặc điểm tâm lí tuổi mới lớn. Ngược lại, vì thái độ không hợp lí, bướng bỉnh của Q mà mẹ Q cũng không tìm được tiếng nói chung với con. Như một cuộn len rối không được gỡ ngay, nó cứ rối mãi, ngày càng rối tung khiến không thể làm gì được nữa.

Việc Q ở lớp thể hiện là người học trò ngoan giỏi và đã hai năm các em thân với nhau cho thấy bản chất con người Q không xấu chút nào. Cô nghĩ, muốn giúp bạn, ta không nên phê phán (vì chỉ khiến bạn nổi khùng lên!). Hãy giúp bạn giải tỏa stress bằng cách lắng nghe những phàn nàn của bạn. Nhớ chỉ lắng nghe chứ đừng chỉ trích nhé. Khi người ta được lắng nghe, được ai đó cố gắng hiểu mình, người ta sẽ thấy dịu đi mọi bức xúc, không dễ dàng nổi khùng lên, cáu gắt với người khác nữa. Hãy gợi ý cho bạn mình thấy được sự chăm sóc của người mẹ, những áp lực chính mẹ phải chịu trong công việc, trong cuộc sống. Quan sát mẹ, tìm cách giao lưu cảm xúc với nhau, cố gắng tìm sự đồng cảm bằng việc đặt mình vào vị trí của mẹ để hiểu mẹ… cũng giúp giảm bớt đi việc trách móc, buồn phiền. Em có thể nhắc bạn nhớ lại những kỉ niệm đẹp đã qua, rủ bạn đi mua quà… cho mẹ em vào ngày lễ, tiện thể mua quà cho mẹ bạn. Hãy khuyến khích bạn chia sẽ tâm trạng và nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Những hành động thể hiện yêu thương sự thẳng thắn, chân thành sẽ giúp bạn em hóa giải được mọi giận dỗi, khó chịu trước đó. Dù thế nào, cô cũng không nghĩ bạn Q của em “đạo đức giả” đâu! Thời gian qua đi, các em lớn thêm dù chỉ một tuổi thôi, tâm lí ổn định hơn, chẳng hạn Q sẽ điều chỉnh được quan hệ giữa mẹ và mình. Đây là mối quan hệ “đồng minh” thú vị trong gia đình đấy, em ạ.

Chúc em bình tĩnh tìm cách giúp Q vượt qua sự khủng hoảng này nhé. Bạn thân luôn là bạn thân, chỉ cần em tỏ ra tin tưởng bạn ấy, mọi điều sẽ ổn!

Thân mến

Cô Thụy Anh

Trích nguồn: Góc tư vấn tuổi hồng – Văn học và tuổi trẻ (Số tháng 11 – 343 – năm 2015)

About DuongMy

Scroll To Top