Home / Tin Tức / Mất niềm tin vào các giá trị, học sinh có xu hướng nổi loạn

Mất niềm tin vào các giá trị, học sinh có xu hướng nổi loạn

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, trao đổi với VnExpress về bạo lực học đường, hiện tượng giới trẻ hâm mộ một số kẻ giang hồ như Khá “Bảnh”. 

Thực trạng bạo lực học đường thời gian qua xuất hiện nhiều. Đặc biệt là việc học sinh đánh nhau rồi quay video, đăng lên mạng xã hội. Chị nhận định như thế nào về thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay?

– Bạo lực học đường không “xuất hiện nhiều” trong thời gian qua mà vẫn luôn là hiện tượng tồn tại nhiều năm nay, bên cạnh những hiện tượng bạo lực khác trong xã hội. Nhưng từ khi có smart phone và với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, chúng ta có nhiều bằng chứng hơn với những clips và câu chuyện được đăng tải trên mạng và qua mạng xã hội. Học sinh bắt nạt nhau, đánh “hội đồng” rồi đăng tải lên mạng, thày cô giáo ứng xử bạo lực với học sinh, học sinh vô lễ và ứng xử thô bạo với thày cô hoặc phụ huynh “trả đũa” lại thày cô…v.v… – tất cả đều khiến chúng ta lo ngại, và cứ mỗi lần có sự việc nghiêm trọng nào được/bị phát tán thông tin qua mạng xã hội, dư luận lại “dậy sóng”, bày tỏ sự lo ngại và phẫn nộ ấy. Tuy nhiên, khi mọi việc lắng xuống, dường như cũng không có nhiều biện pháp xử lý được áp dụng, để rồi năm sau, năm sau nữa lại có nhiều sự việc tương tự bị phát hiện và lại khiến dư luận xã hội bức xúc.

bao luc noi loan vnexpress (1)

TSGD Nguyễn Thụy Anh

Theo chị, tình trạng đó có những nguyên nhân từ đâu (gia đình, nhà trường, xã hội, chính sách)?

– Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng được Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), vấn nạn bạo hành trẻ em ở gia đình, cộng đồng và trường học đều tăng mạnh trong những năm qua. Theo số liệu của ngành công an thì lên đến hơn 2.000 vụ/năm, trong đó hơn 53% vụ xảy ra trong trường học – thông tin do ông Dương Văn Bá – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT cung cấp tại “Hội thảo triển khai Nghị định 80/2017/NĐ-CP và Quyết định 5886/QĐ-BGDĐT khu vực phía Nam” tổ chức tại TP.HCM ngày 10/10/2018.

Tôi cho rằng, đã đến lúc các chuyên gia tâm lý cùng các nhà xã hội học tiến hành các cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng hiện tượng bắt nạt và bạo lực ở nhà trường, đưa ra những nguyên nhân xác đáng có cơ sở khoa học dựa trên những số liệu cụ thể, điều tra tìm hiểu, phân tích các trường hợp cụ thể. Chúng ta chỉ có thể “nói dựa” và “phỏng đoán” mỗi khi xảy ra những vụ việc đơn lẻ.

Khi có vụ việc xảy ra trong nhà trường, mọi người thường chĩa mũi dùi vào ngành giáo dục. Nhưng tôi thiết nghĩ, trách nhiệm của xã hội và gia đình cũng rất lớn.

Tôi cho rằng, bạo lực học đường không phải là vấn đề riêng của ngành Giáo dục. Nó gia tăng khi đạo đức xã hội đi xuống, các giá trị tinh thần chung bị đảo lộn, sự kết nối các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, sự hiểu biết về pháp luật còn yếu kém, lòng tin vào công lý bị lung lay – từ đó, cả xã hội rơi vào tình trạng bị áp lực, bức xúc không có phương án giải toả và các giải pháp xử lý mọi bức xúc thiên về hướng bạo lực.

Ứng xử bạo lực ngoài xã hội, trong gia đình ảnh hưởng rất nhanh và trực tiếp đến giới trẻ học đường. Học sinh nhận được các thông điệp lệch lạc về xã hội, sống theo phương châm kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, ý thức về phân cấp giàu – nghèo, cộng thêm kỹ năng xử lý các mâu thuẫn xã hội rất kém – dẫn đến xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mọi khúc mắc giữa các cá nhân.

Vụ việc học sinh lớp 9 bị bạn hành hung ở Hưng Yên, điều đáng nói là rất nhiều học sinh khác chứng kiến vụ việc nhưng không can ngăn, ngược lại còn quay video và mặc kệ bạn bị đánh? Phải chăng học sinh ngày nay đang vô cảm? Vì sao lại có điều này?

– Câu chuyện quay clips tung lên mạng “cho vui” hoặc để làm nhục nhau là hiện tượng khá phổ biến nhiều năm nay, khi mọi người tham gia mạng xã hội ngày càng nhiều. Nó cho thấy: Học sinh vô cảm với nhau hoặc sợ hãi, khuất phục trước bạo lực, không hiểu biết về Pháp luật, không ý thức được hành vi của mình gây tổn thương đến người khác và cũng là vi phạm Pháp luật, học sinh không hề được học cách ứng xử với nhau và với mạng xã hội.

 Tiếp nối ý trả lời của câu trên, nói chi tiết hơn, tôi xin đưa ra “phỏng đoán” dưới dạng gạch đầu dòng như sau:

  • Ở nhà trường, các thày cô cũng bị áp lực về việc dạy văn hoá, chạy theo kiến thức và thi cử, khó có thể chủ động trong việc quan tâm, chia sẻ, phát hiện, uốn nắn những suy nghĩ tiêu cực và các hiện tượng bất thường ở học sinh; Bên cạnh đó, không phải giáo viên nào cũng nắm vững nghiệp vụ hỗ trợ trẻ trong các vấn đề tâm lý khiến “lực bất tòng tâm” – đôi khi những can thiệp của giáo viên còn làm các vấn đề mâu thuẫn của từng cá nhân hoặc tập thể trở nên sâu sắc, khó hoá giải; Những áp lực học tập, chạy đua thi cử và các áp lực xã hội khác của học sinh không có ai hướng dẫn giải toả, trẻ dễ nóng giận, hung hăng, thiếu yêu thương, nhường nhịn, khoan hoà với nhau; Ở nhà trường còn chưa thực hiện được hoặc chưa thực hiện một cách có phương pháp đến nơi đến chốn các hoạt động đưa trẻ ra thiên nhiên trải nghiệm cuộc sống, hướng dẫn kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc, các bài học về giá trị sống, trong đó nhấn mạnh giá trị hoà bình, yêu thương; Học sinh chưa được tiếp cận sâu các vấn đề về Pháp luật liên quan đến việc xâm phạm thân thể và danh dự của người khác, chưa phân biệt giữa khái niệm “phạm tội” và các trò bắt nạt đơn thuần của học sinh, không được học cách ứng xử trên mạng xã hội (thông tin nào không nên phát tán, mình phải chịu trách nhiệm đến đâu trong mọi phát ngôn của mình trên mạng), không ngờ đến những hậu quả nghiêm trọng của các hành vi bạo lực và hạ nhục người khác của mình.
  • Ở xã hội, ứng xử của người lớn chưa có ý thức làm gương cho trẻ: chính người lớn cũng đánh nhau, thô bạo với nhau, nhiều câu chuyện về việc xử lý không đến nơi đến chốn, bất công, không nghiêm minh về các hành vi vi phạm, xâm hại thân thể người khác, xâm hại trẻ em cho học sinh một thông điệp lệch lạc về ứng xử xã hội; Nhiều người lớn còn thờ ơ, vô cảm với các hiện tượng bất thường ở trẻ, không kịp thời ngăn chặn những sự việc tiêu cực khi mới chớm xảy ra; các thông điệp truyền thông trên báo chí, internet, truyền hình chưa có nhiều nội dung hấp dẫn lồng ghép việc giáo dục trẻ, các gameshow chiếm thời lượng lớn, các chương trình giải trí dành cho học sinh còn hạn chế hoặc vẫn mang tính chất giáo điều, chưa có nhiều kênh truyền thông đi được vào lòng các em giúp các em thay đổi nhận thức và hành vi, chính vì thế mà những clips có nội dung nhảm nhí hoặc, thậm chí, tiềm ẩn thông tin lệch lạc, độc hại cũng dễ được trẻ tiếp cận.
  • Ở gia đình, nhiều bố mẹ quá bận rộn, không đủ thời gian hoặc chưa có đủ kiến thức và kỹ năng quan sát, chia sẻ, trao đổi với con khi có những hiện tượng khác thường về tâm lý của trẻ; Vẫn còn hiện tượng bạo hành gia đình; Trẻ ít được tham gia làm việc nhà, ít được tạo cơ hội chia sẻ với người khác, tập trung vào “nghĩa vụ học tập” mà bị coi nhẹ việc rèn luyện phẩm chất cá nhân, lòng trắc ẩn, thương xót, sự biết ơn đối với mỗi con người, sự đồng cảm với cảm xúc người bên cạnh – từ đó dễ dàng trở nên vô cảm, hành động vì lợi ích cá nhân hoặc chỉ để thoả mãn sự hiếu thắng của mình trong mọi tình huống của cuộc sống.

bao luc noi loan vnexpress (2)

Nữ sinh lớp chín Hưng yên nhiều lần bị bạn đánh phải điều trị trong bệnh viện. Ảnh: Dương Tâm

Theo chị, cần có giải pháp nào để chấm dứt và hạn chế bạo lực học đường hiện nay. Gia đình và nhà trường cần giáo dục và dạy kỹ năng cho trẻ thế nào để tránh khỏi bị bạo hành?

Ứng xử bạo lực giữa người với người và bạo lực học đường là vấn nạn của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tôi cho rằng, “chấm dứt” thì khó, chỉ có thể hạn chế và đưa nó vào trạng thái có thể kiểm soát, thay cho việc cả xã hội rơi vào tình trạng hoang mang, bất an, bị động và đổ lỗi lẫn nhau như bây giờ.

Ở mỗi gia đình, các phụ huynh cần đề cao “giáo dục gia đình” chứ đừng phó mặc hoàn toàn cho nhà trường. Với “thời lượng” phần lớn con đã “sống” với trường học như hiện nay, xin hãy quý từng phút giao lưu với nhau khi có thể. Giáo dục gia đình không có nghĩa là răn dạy, đe nẹt trong bữa cơm, cằn nhằn trong sinh hoạt, mà là tạo điều kiện về môi trường cảm xúc trong gia đình bình ổn, dễ chịu nhất để con không ngại bộc lộ mình, chia sẻ băn khoăn và niềm vui của mình với bố mẹ. Cần giảm bớt tâm lý căng thẳng về thi cử, chọn trường, ganh đua với bên ngoài để có thời gian và tâm sức ở bên nhau thật chất lượng khi có thể.

Trẻ được tham gia việc nhà, cùng bố mẹ cơm nước, tổng vệ sinh nhà cửa… từ bé, có được thói quen tâm tình trong khi làm việc nhà, cùng nhau giải toả mọi áp lực xã hội, chia sẻ được cách giải quyết những mâu thuẫn bên trong và bên ngoài đứa trẻ – đó là mục đích của “giáo dục gia đình”. Cũng thông qua các câu chuyện hàng ngày, bố mẹ giúp con các phương án và kỹ năng xử lý mọi tình huống khó trong ứng xử, biết phát hiện nguy hiểm và tự bảo vệ mình.

Ở trường, tôi hy vọng, với sự thay đổi việc dạy học kết hợp trải nghiệm và thay đổi sách giáo khoa theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, giảm tải nội dung kiến thức, chú trọng phương pháp , đội ngũ giáo viên sẽ được tập huấn kỹ để nâng cao nghiệp vụ sư phạm đáp ứng được nhu cầu tâm lý của học sinh. Giáo viên không quá bị áp đặt về thành tích, kết quả học tập của tập thể lớp, sẽ có đủ thời gian và sức lực chia sẻ với học trò, kịp thời ngăn chặn bạo lực từ trong trứng nước. Việc đào tạo, tập huấn giáo viên về phương pháp dạy học, giải quyết các vấn đề tâm sinh lý của trẻ là điều tối cần thiết và không quá khó thực hiện với thời buổi công nghệ hiện nay. Lý thuyết, quy trình và hệ thống bài tập thực hành của chương trình tập huấn giáo viên có thể số hoá hoặc đưa vào các ứng dụng đi kèm thiết bị công nghệ để giáo viên tự đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ của mình.

Trong điều kiện chưa có đủ chuyên gia tâm lý học đường ở từng trường học thì mỗi giáo viên đều nên đặt cho mình nhiệm vụ là chỗ dựa tinh thần của các em.

Tôi nhớ, một dạo, tôi tham gia xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng và giá trị sống cho một trường THCS, sau khoảng vài tháng dạy thử nghiệm, đã có vài em học sinh lớp 7, 8 xin gặp riêng tôi để hỏi ý kiến về cách xử lý mâu thuẫn giữa các nhóm bạn. Có lần, một em hớt hải chạy đến báo, có bạn gọi anh trai và đám bạn “hầm hố” của anh ta đứng đợi em ngoài cổng trường. Sự can thiệp khôn khéo của người lớn lúc ấy đã giúp tránh được một vụ việc đáng tiếc!

Cá nhân tôi cho rằng, cần có các bài học sau về giá trị sống và kỹ năng sống cho các em:

  • Giá trị: hoà bình, bình an trong mỗi người, mỗi tập thể. Bài học kỹ năng giải toả stress, thể hiện cảm xúc, chia sẻ tâm sự, rèn luyện việc nhạy cảm với cảm xúc người khác, từ đó dễ dàng điều chỉnh được cảm xúc của mình;
  • Giá trị: tình bạn, tình yêu thương, tình cảm tập thể – đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Bài học giải quyết mâu thuẫn; góc nhìn tích cực về người khác; cảm xúc tự hào về bản thân, về bạn mình, tập thể của mình;
  • Học cách phát hiện nguy hiểm từ kỹ năng quan sát sự việc khách quan, lắng nghe cảm xúc của mình – biết tìm đối tượng tin cậy để chia sẻ sự bất an, lo lắng; kỹ năng kêu cứu và xử lý tình huống khẩn cấp; kỹ năng thoát hiểm bằng thái độ bình tĩnh, biết thuyết phục, thương lượng, hoãn binh và không khiến tình huống thêm căng thẳng, mất kiểm soát;
  • Bài học về Pháp luật và các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em; các số điện thoại và địa chỉ quan trọng cần biết, các đường dây nóng và cơ quan bảo vệ trẻ em;
  • Bài học về việc ứng xử và phát ngôn qua điện thoại, trên mạng xã hội để bảo vệ danh dự bản thân và có khái niệm về việc không xâm phạm thông tin đời tư, hạ nhục người khác, có ý thức chịu trách nhiệm về hành vi của mình trên mạng…

Cũng trong thời gian qua, nhiều hiện tượng “anh em giang hồ trên mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… đang trở thành thần tượng mới của giới trẻ. Đây có phải là hành vi lệch chuẩn trong xã hội và giới trẻ Việt Nam hay không? Chị nhận định ra sao về điều này?

– Những hiện tượng tâm lý theo chiều hướng lệch lạc về giá trị tinh thần kiểu như vậy của giới trẻ cũng từng xảy ra trong quá khứ. Tôi nhớ, có một thời, một bộ phận giới trẻ còn tung hô… kẻ giết người Lê Văn Luyện!

Không phải là các bạn trẻ không hiểu được mọi chuẩn mực về đạo đức. Tôi nghĩ, đây là vấn đề tâm lý xã hội, sự “nổi loạn” nhất thời khi mất lòng tin vào các giá trị khác, với sự hiểu biết chưa đến nơi đến chốn, thiếu đi sự bao quát xã hội của người trẻ. Những nhân vật, hiện tượng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền vẫn luôn có đâu đó trong mọi thời điểm và mọi xã hội, ở các nước khác cũng vậy. Để họ không nổi lên như những hiện thượng bất thường nhưng lôi cuốn được giới trẻ như một giá trị độc đáo thì chính xã hội chúng ta cũng phải điều chỉnh ứng xử của mình với người trẻ, hỗ trợ họ trong việc xây dựng phông nền văn hoá, tri thức và cảm xúc, tạo nhiều sân chơi có chất lượng hơn cho họ, xây dựng được lòng tin của họ vào sự công bằng xã hội, cũng như đặt lòng tin vào những mặt tích cực của họ…

Theo Viết Tân  (https://vnexpress.net)

About admin2

Scroll To Top