Home / Tin Tức / Nguyễn Thụy Anh – Đại sứ qua những vần thơ dịch

Nguyễn Thụy Anh – Đại sứ qua những vần thơ dịch

Chia sẻ về giải thưởng “Ngôn từ – sợi dây gắn kết” nhận được ngày 16/2 vừa qua, dịch giả Nguyễn Thụy Anh nói: khi làm việc, không ai nghĩ đến giải thưởng. 

Tác phẩm Olga Bertgoltz của tôi được Nguyễn Thụy Anh dịch ra tiếng Việt đã mang về cho chị Giải thưởng “Ngôn từ – Sợi dây gắn kết”. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh lao động của người dịch. Giải do Hội Nhà văn Nga và Quỹ “Con đường sống” trao tặng hàng năm (từ 2015).

“Giải thưởng chỉ đến khi say mê”

Với Thụy Anh, giải thưởng cuối cùng vẫn chỉ là cơ duyên dành cho một vài người. Chị cũng cho rằng, giải thưởng chỉ đến khi ta say mê, nỗ lực mà không nghĩ tới nó. “Tôi biết ơn nhà văn Albert Likhanov đã đề cử cuốn sách Olga Berggoltz của tôi vào Giải. Việc ông quan tâm đến một người dịch, một cuốn sách bé nhỏ khiến tôi tin rằng, lao động của các dịch giả khác cũng sẽ được chú ý tới”, Thụy Anh cho biết.

Vì thế, Giải thưởng có giá trị khích lệ, tạo động lực cho người dịch tiếp tục sứ mệnh của mình. Đó là giới thiệu với bạn đọc hiện đại vẻ đẹp của văn hóa, của nền văn học Nga và Xô-viết.

Theo nhà văn Igor Smolkin – Chủ tịch Hội đồng xét giải, nhà thơ Thụy Anh là một trong những “đại sứ” văn hoá giữa hai nước Việt Nam và Nga. Trước nhận định này, Thụy Anh coi đó là một lời nhắc nhở phải có trách nhiệm và chuyên nghiệp hơn trong công việc dịch thuật nếu thực sự đã “dấn thân” – điều mà trước đây bản thân chị chưa hoàn toàn ý thức được rõ nét.

Nói đến từ “đại sứ”, Thụy Anh nhớ đến chuyến đi trại hè ở Vladivostok dịp mùa Hè vừa qua. Ở đó, chị gặp những bạn trẻ mặc chiếc áo ghi dòng chữ “Đại sứ tiếng Nga”. Họ năng nổ, xông xáo, hết sức nhiệt tình với việc dạy tiếng Nga cho cả những người nước ngoài hoàn toàn không có khái niệm gì về tiếng Nga – một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi diễn ra trong vài tuần.

Nhưng sự nhiệt tình của họ thực sự lôi cuốn, khiến người ta yêu hơn ngôn ngữ, con người đất nước này. Thụy Anh cũng nghĩ, con đường “ngoại giao nhân dân” như thế chính là góp phần kết nối các dân tộc, giá trị của các nền văn hóa một cách bền vững nhất. Chị cũng muốn trở thành một đại sứ kết nối như vậy, dùng hiểu biết và tình yêu hướng tới một miền đất để làm lay động mọi người.

Dịch giả Thụy Anh. (Nguồn: TTXVN)

Chị cũng cho rằng, trong số bạn bè của mình có rất nhiều “đại sứ” như thế. Đó là dịch giả Quỳnh Hương, Tạ Phương, Nguyễn Thị Kim Hiền, Ngô Tự Lập, Phan Việt Hùng, Điệp Anh, Vũ Mạnh Cường, Hồ Bình Minh, Hà Việt Anh…“Có lẽ, không ít người cũng nghĩ giống tôi, đặc biệt là với nước Nga, nơi chúng tôi được nhận nhiều kiến thức, cảm xúc suốt một thời tuổi trẻ. Nghĩa là, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “đại sứ”, chỉ cần yêu nhiệt thành và lao động, làm việc không vì một giải thưởng nào”, dịch giả Thụy Anh quan niệm.

Mỗi “đại sứ” có một kênh “ngoại giao nhân dân” và tầm ảnh hưởng riêng tới cộng đồng. Cá nhân Thụy Anh, ngoài việc dịch sách, chị quan tâm nhiều đến trẻ em. Với công việc ở CLB Đọc sách cùng con của mình, Thụy Anh đều đặn đưa tác phẩm văn học Nga vào chương trình đọc cùng các bạn nhỏ. Cách đây không lâu, ở CLB cũng khai mạc lớp học tiếng Nga và văn hóa Nga. Người đăng ký khá đông, phần lớn là những người trẻ và sinh hoạt hàng tuần, tổ chức trò chuyện về đất nước và văn hóa Nga.

Dịch giả Thụy Anh giao lưu với độc giả trong  Kỷ niệm Ngày quốc tế thơ “Văn học Nga tại Việt Nam”

Vẫn rưng rưng khi nghĩ về nước Nga

Olga Berggoltz của tôi không chỉ là một tập thơ mà còn cho thấy chân dung, tiểu sử qua những chặng đường số phận của Olga Bertgoltz. Vừa là người dịch, Nguyễn Thụy Anh vừa như một người đồng hành cùng Olga qua tiếng Việt.

Thụy Anh chia sẻ, Olga Berggoltz có số phận khắc nghiệt đằng sau gương mặt hiền hậu, tình cảm, rất nữ tính của mình. Số phận và chiến tranh đã tước khỏi tay bà hạnh phúc bình thường của một người phụ nữ. Đó là cái chết của hai người chồng – một người trong tù, một người trong vòng phong tỏa của phát xít Đức; đó là cái chết của 3 đứa con…

Thụy Anh gặp gỡ Olga từ khi còn là sinh viên, cho đến khi đọc những ghi chép, nhật ký của bà, rung động vì những sự thật góc cạnh trong đó. Chị cảm nhận nỗi đau quá lớn bà phải chịu đựng và suốt đời phải vượt qua chúng để tồn tại và dùng thơ mình giúp người khác tồn tại. Nhưng cũng phải đến gần chục năm sau, khi Thụy Anh đã làm vợ, làm mẹ, là người viết, chị mới thấu hiểu nỗi niềm của một người-đàn-bà-viết Olga.

Giá trị của những vần thơ Olga không nằm trong mảng thơ tình yêu dù ngòi bút của bà có chất trữ tình rất lớn. Nhưng nhà thơ trữ tình trong bà đã hy sinh để nhường chỗ cho nhà thơ công dân – đồng hành cùng dân tộc và thời đại. Nỗi đau riêng khiến thơ công dân của Olga không phải là lời kêu gọi to tát, có thể nhanh chóng mất đi giá trị khi lịch sử đã lùi lại. Thực sự đây là những lời hiệu triệu đầy day dứt, ám ảnh. Chính điều đó khiến giờ đây, người ta vẫn đọc và nhắc đến bà, thậm chí qua thơ bà để hiểu cảm xúc của cả một thời đại.

Qua tác phẩm, cái “hồn” Nga ẩn sâu được Thụy Anh gom góp từ những năm tháng gắn bó với đất nước này. Nói về sợi dây gắn kết với đất nước Nga, Thụy Anh cho biết, có lẽ đó là tình yêu. Đôi khi nó chỉ là cảm xúc rưng rưng khi bắt gặp hình ảnh rừng bạch dương duyên dáng và gắng gỏi. Chỉ vậy thôi nhưng với chị, những thân cây vươn thẳng ấy như đang gửi bao thông điệp riêng tư đến với thế giới và con người.

“Cho dù nhiều năm qua đi nhưng tôi luôn có trong mình cái rưng rưng như thế khi nghĩ về nước Nga. Đó chính là sợi dây gắn kết có vẻ mong manh nhưng lại bền vững nhất giữa con người với một miền đất”, chị bộc bạch.

Là người sống và học tập tại nước Nga gần 20 năm, cho đến giờ, mọi cảm xúc ấy đối với nước Nga trong Nguyễn Thụy Anh vẫn nguyên vẹn, tươi mới, thứ tình cảm không bị lay chuyển bởi mọi biến động. Có lẽ, nó được lấy từ mạch nguồn các giá trị tinh thần Nga, thiên nhiên Nga, róc rách chảy dưới tầng vỉa văn hoá sâu xa hơn…

Yến Nguyệt (Theo http://baoquocte.vn)

 

About admin2

Scroll To Top