Home / Bài Viết / Phát triển tư duy sáng tạo ở trẻ

Phát triển tư duy sáng tạo ở trẻ

– Thằng cu nhà tôi sáng tạo lắm nhé! Cả lớp làm Bài tập toán y như bài mẫu của thày mà nó làm hẳn một kiểu riêng!

– Con bé nhà mình thì lúc nào cũng muốn làm khác người – làm búp bê mà đầu tóc không như mấy đứa khác làm đâu, tóc cứ dựng đứng hết cả lên…

Đôi khi, tôi vẫn nghe được những câu chuyện tương tự của các bà mẹ, mà thấy vui vui, và mỉm cười.  Những người lớn muốn khoe sự sáng tạo của đứa trẻ nhà mình, thấy nó đặc biệt và giỏi giang. Thì đúng quá, tư duy sáng tạo luôn khiến con người có thể khẳng định mình và nổi bật trong đám đông, khiến anh ta không bị mờ nhạt nhờ nhờ, và cuộc sống vì thế hẳn cũng thú vị hơn nhiều…

Tuy nhiên, khoe thì khoe thế, vui thì vui thế, nhưng liệu cái tư duy sáng tạo ấy ở một đứa trẻ có được cổ vũ thực sự không? Và đến khi nào thì chính sự sáng tạo lại đem đến cho trẻ những phiền toái và chúng bắt đầu nhận được sự điều chỉnh, thậm chí can thiệp mạnh từ phía những người lớn?

Bạn Hải Anh (đội 2) sáng tạo với đất nặn tại EcoCamp 2015

Tôi biết những câu chuyện rất phổ biến như thế này: cậu bé không làm theo Văn mẫu – điểm kém, viết lại! Thử tìm cách giải khác, nghi ngờ cách giải của thày là tối ưu? – Mất thời gian, trứng khôn hơn vịt! Thôi thôi chớ có mà sáng tạo vì rủi ro quá lớn, luôn phải trả một cái giá nào đó, cho dù đó là một trò của trẻ con hay một vấn đề người lớn.

Như vậy, làm sao dung hoà được tư duy sáng tạo với sự an toàn, yên ổn của bản thân? Và một đứa trẻ có cần thiết phải phát triển tư duy sáng tạo hay không?

Phát triển tư duy sáng tạo ở trẻ nghĩa là gì?

Nhiều người cho rằng, tư duy sáng tạo chỉ có và chỉ cần hỗ trợ phát triển ở những đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật và những bộ môn cần đến một tư duy độc đáo, thậm chí… khác người. Nhưng thực ra, hiểu như vậy mới là hiểu nghĩa hẹp của khái niệm này. 

Hiện nay tôi thấy, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục đưa ra khá nhiều cách phân loại tư duy – chẳng hạn, phân loại theo tính chất của kỹ năng: tư duy phân tích vấn đề, tư duy giải quyêt vấn đề…  Và tư duy sáng tạo là một.

Hoặc, các tính chất chức năng của công cụ hỗ trợ  quá trình tư duy: Tư duy trực quan, tư duy trực quan-hình tượng, tư duy ngôn ngữ-logic.

Tuy nhiên, cho dù đó là kiểu tư duy nào, được đặt tên ra sao, thì cũng đều phải qua các công đoạn có thể coi như cái bất biến để có thể ” ứng vạn biến” mà tìm hiểu xem hỗ trợ nó phát triển thế nào thì hợp lý.  Đó là bám vào các thao tác tư duy hình thành và phát triển tự nhiên theo thời gian trưởng thành dần của một con người: quan sát,  phân tích, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh, khái quát, phân loại.

Quay lại tư duy sáng tạo ở trẻ, tôi cho rằng, việc quan trọng đầu tiên mà người lớn phải làm là hỗ trợ trẻ trong cả quá trình thao tác tư duy nói trên, sao cho không một thao tác nào bị cản trở, làm đứt gãy quá trình tư duy tự nhiên. Điều này sẽ khiến trẻ có được sự tự tin, không ngại nghĩ, không ngại phát biểu ý kiến của mình, không sợ sai và dám thử nhiều phương án dựa trên việc phân tích vấn đề một cách chi tiết, đồng thời thả sức tưởng tượng – là mặt mạnh của trẻ so với người lớn- để đi đến những hướng giải quyết táo bạo, lại liên tưởng đến những trải nghiệm và biết so sánh các sự vật, hiện tượng để tìm ra lo gì, quy luật tự nhiên. Chỉ có như thế, đứa trẻ mới có cơ hội để “sáng tạo” chứ không lười nhác lặp lại những gì người khác nói.

Có nghĩa là, tư duy sáng tạo ở một đứa trẻ chính là sự tư duy tích cực, không thụ động, biết kết hợp những trải nghiệm cá nhân và học tập, so sánh những kinh nghiệm nhận được từ người khác, để từ đó rút ra cho mình những “bài học” nho nhỏ để trưởng thành. Tư duy này rõ ràng rất nên được phát triển ở mọi đứa trẻ trong quá trình tìm hiểu bản thân, tìm hiểu thế giới và sau đó có cơ sở để ảnh hưởng đến thế giới xung quanh.

Lời khuyên ngược: Làm gì để con bạn … từ chối tư duy sáng tạo?

  1. Hãy luôn nhắc với nó rằng: con còn nhỏ, và bố mẹ là người lớn, bố mẹ biết hơn con!
  2. Hãy tích cực phản đối những ý nghĩ quái đản không có thật của trẻ: Làm gì có cái cây nào mà lá màu xanh đỏ tím vàng thế kia, thật là tưởng tượng không phải lối! Con hãy nhớ lại những cái cây quanh nhà và không cần bốc phét quá thế!
  3. Hãy tự hào và hài lòng với những điểm số cao của trẻ, đặc biệt là càng khớp như cô giáo thày giáo hướng dẫn càng quý – hãy cho trẻ biết, đó là cách an toàn, ít rủi ro nhất.
  4. Đừng cho trẻ hỏi quá nhiều mà rối chuyện ra. Tại sao lại phải nghi ngờ hay lật lại vấn đề khi vấn đề đó đã được khẳng định từ lâu? hãy hướng trẻ dùng thời gian phản biện vặn vẹo ấy vào những việc có ích hơn.
  5. Đừng mất nhiều thời gian vào việc đi lang thang ngoài đường hay ra ngoài thiên nhiên. Những việc đó thật rỗi hơi và vô bổ, để sức mà đi học thêm và ngồi giải toán ở sách tham khảo thì tốt hơn, phục vụ thiết thực cho học tập.

Sáng tạo tranh từ nguyên vật liệu thiên nhiên

Làm gì để con bạn giữ được sức tư duy sáng tạo lớn dần theo thời gian?

Tất nhiên là hãy hành động ngược lại 5 lời khuyên nói trên. 

Thêm vào đó, để ” sáng tạo” không trở thành “lập dị”, hãy cùng con trải nghiệm nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn tâm lý và cảm xúc những người xưng quanh con. Sự đồng cảm và khả năng chia sẻ sẽ khiến đứa trẻ kết hợp thao tác quan sát với phân tích, liên tưởng, khái quát và có khả năng đưa ra được những phương án giải quyết vấn đề hợp lý và khôn ngoan.

Cùng với việc tỏ ra tin tưởng và cổ vũ các ý tưởng của con, hãy tạo điều kiện để những ý tường khả thi được trở thành hiện thực. Hãy xây dựng một vài ” dự án gia đình” nghiên túc dựa trên cơ sở bàn bạc và thống nhất với các thành viên gia đình.  Đôi khi những dự án hoàn toàn không quá phức tạp, chẳng hạn: làm hệ thống tự tưới nước cho cây bằng cách đặt chai nước có đục vài lỗ vào dưới gốc cây; bố mẹ cùng con trang trí phòng bằng một bức tranh tường tự vẽ;  Cùng nhau nấu một món ăn theo công thức trẻ đưa ra..v..v.. 

Và nhất thiết, sau mỗi một “dự án” như thế, phải có tổng kết và phản hồi: những gì khó khăn đã được cả nhà vượt qua, cái gì phái rút kinh nghiệm, cái gì tính toán chưa chuẩn, lần sau sẽ sửa, điều gì đạt được. 

Quá trình phản hồi chính là động lực để đứa trẻ tiếp tục quá trình tư duy tích cực và sáng tạo, biết tự đặt câu hỏi và nhìn ra được vấn đề để đưa ra giải quyết. Rõ ràng là, một người biết nhìn ra vấn đề, đặt ra được bài toán sẽ có tư duy sáng sủa, logic và nhanh hơn là một người chỉ ngồi chờ đợi có bài để giải, có việc để làm.  Sự sáng tạo cũng nằm trong cả ý nghĩa đó nữa.

TSGD Nguyễn Thuỵ Anh

About admin2

Scroll To Top