Home / Bài Viết / Thay đổi hoàn cảnh để phù hợp với khả năng của trẻ

Thay đổi hoàn cảnh để phù hợp với khả năng của trẻ

Thông thường, khi trẻ có những hành vi không phù hợp, không làm đúng theo chỉ dẫn hay không theo kịp trong các hoạt động, chúng ta kỳ vọng trẻ sẽ sửa đổi sao cho đúng với những gì ta mong đợi, chứ ít khi thay đổi những kỳ vọng của chúng ta cho phù hợp với trẻ. Chúng  ta mặc định rằng nếu trẻ không đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta, đó là do lỗi của trẻ và chúng có trách nhiệm phải cố gắng thay đổi! Cách nghĩ này có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ đối với trẻ, đặc biệt là khi trẻ không có (hoặc chưa có) khả năng hoặc những kỹ năng cần thiết để thực hiện một việc gì đó theo ý của chúng ta.

Để tránh điều này, hãy thử bắt đầu với suy nghĩ rằng “Ở trong hoàn cảnh này, với những kỹ năng mà trẻ hiện đang có, trẻ đã cố gắng hết sức có thể.” Nếu trẻ có những hành vi không phù hợp hoặc không đạt được những gì ta kỳ vọng, điều đó có nghĩa rằng những yêu cầu của chúng ta là quá sức đối với khả năng của trẻ. Nếu nghĩ theo hướng này, một cách bản năng chúng ta sẽ cảm thấy cần phải đánh giá lại những kỳ vọng và những yêu cầu ta đang áp đặt lên trẻ, khi mà rõ ràng trẻ không có đủ những kỹ năng cần thiết để thực hiện những yêu cầu đó. Vì thế, hoặc là chúng ta cần giảm bớt độ khó của yêu cầu, hoặc là trợ giúp và hỗ trợ trẻ, hoặc kết hợp cả hai phương án trên.

Khi trẻ có những vấn đề về hành vi hay gặp khó khăn trong việc học tập, bạn có thể xem xét các phương án sau để hỗ trợ cho trẻ:

1.  Thay đổi yêu cầu/kỳ vọng: Câu hỏi đầu tiên là liệu ta có thể thay đổi những yêu cầu và ký vọng của chúng ta cho phù hợp với những khó khăn về mặt thể chất và nhận thức, những rối loạn giác quan, và những thiếu hụt trong tương tác xã hội của trẻ hay không?.

Trước tiên, hãy để ý tới môi trường xung quanh trẻ (lớp học, nhà ăn, phòng thể dục, phòng học nhạc, hành lang, vv)  Có phải những nơi này quá ồn ào, hay đang có quá nhiều hoạt động diễn ra cùng lúc? Có phải quá nhiều kích thích về giác quan đang khiến trẻ bị quá tải hay mất tập trung? Có cách nào để thay đổi môi trường xung quanh, ví dụ như sắp xếp lại chỗ ngồi, cho trẻ đeo kính râm để giảm độ sáng, đeo tai nghe, hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác để giúp giảm bớt tiếng ồn? Câu hỏi tiếp theo là liệu yêu cầu của bạn có quá khó, quá nhiều, hoặc khó hiểu đối với trẻ? Liệu bạn có thể chia nhỏ yêu cầu thành từng bước hoặc giúp trẻ hình dung nhiệm vụ rõ ràng hơn? Bạn có thể giúp trẻ ở một số bước không? Lưu ý rằng mỗi khi  phải dành quá nhiều sức lực cho một nhiệm vụ nào đó,  trẻ sẽ dễ bị quá tải, kiệt sức và không thể tiếp tục học nữa.

2. Thay đổi cách thức/hình thức tương tác với trẻ: Tiếp theo, hãy cùng xem xét cách chúng ta tương tác và dạy trẻ. Hãy luôn tự hỏi bản thân: Liệu trẻ có cảm thấy an toàn, được chấp nhân, và tự tin khi ở gần bạn? Nếu trẻ thấy lo lắng, sợ hãi hoặc không an toàn, một cách bản năng trẻ sẽ tìm cách trốn tránh sự giúp đỡ của bạn. Rất nhiều vấn đề hành vi bắt nguồn hoặc liên quan tới những tương tác giữa người lớn và trẻ khiến trẻ không được thoải mái. Hãy tìm hiểu “thói quen tương tác” của trẻ: ví dụ trẻ thích tương tác ở tốc độ chậm, nhẹ nhàng hay tương tác ở tốc độ nhanh? Cách người lớn tương tác  với trẻ sẽ có tác động rất lớn tới việc trẻ có cảm thấy an toàn và sẵn sàng học hỏi, tiếp thu hay không.

3. Dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể thành công: Cuối cùng, tập trung vào việc dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để thực hiện những nhiệm vụ/yêu cầu đề ra.(Tuy điều này nghe có vẻ hiển nhiên, trên thực tế chúng ta thường trách mánh và nhấn mạnh vào lỗi sai của trẻ hơn là vào việc dạy trẻ cách thực hiện đúng – ND). Nếu trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp ở trường, cần rèn luyện cho trẻ thêm về kỹ năng xã hội. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc, cần dạy cho trẻ cách đối phó với các cơn bùng nổ. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc đọc, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng đọc. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản, rồi từ đó xây dựng lên một cách từ từ.

Một khi đã thay đổi được những điều kiện trên, chúng ta sẽ không cảm thấy cần phải trách móc, ép buộc hay trừng phạt trẻ nữa. Khi trẻ gặp khó khăn, chúng ta là người cần phải thay đổi chứ không phải là trẻ, bởi chúng ta đặt trẻ vào hoàn cảnh mà trẻ không thể tự giải quyết được. Thử thay đổi những kỳ vọng của bạn cho hợp với khả năng của trẻ, và tự hỏi: Làm cách nào để hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất? Như vậy, cả bạn và trẻ sẽ cùng cảm thấy thoải mái, tự tin và thành công với những nỗ lực của mình!

Nhóm Dịch – CLB RUBIC (Sưu tầm và Dịch)

Nguồn: The Autism Discussion Page

About admin2

Scroll To Top