Home / Tin Tức / Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Tôi thấy mình thật nhất trong ánh mắt trong veo của một đứa trẻ

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Tôi thấy mình thật nhất trong ánh mắt trong veo của một đứa trẻ

Ảnh: EcoCamp

By Codet Hanoi

Tạp chí The Forbes đã bình chọn Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con là một trong số 20 phụ nữ truyền cảm hứng tới công chúng trong năm 2021. Hơn 10 năm qua, chị và các bạn đồng nghiệp đã nỗ lực khơi gợi niềm đam mê đọc sách một cách khoa học tới các em trong lứa tuổi thanh thiếu nhi. Chị vừa là nhà thơ, tác giả truyện cho thiếu nhi,vừa là dịch giả thơ Nga, đồng thời chị có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia biên soạn sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học. Tìm phương pháp để nền giáo dục Việt Nam tránh căn bệnh hình thức mà giờ đây còn khá nặng, đó cũng là một trong những con đường mà chị đề cập tới.

MÙI HƯƠNG HOA THÁNG NĂM

Chị đã sống 17 năm ở Nga, đó là quãng thời gian như thế nào?

– Tôi luôn nghĩ rằng, quãng đời tuổi trẻ nào của bất cứ ai ở ở bất kỳ đâu, dù ở Nga, ở Việt Nam hay một góc nào đó của thế giới – đều rất phóng khoáng, dữ dội, đầy non nớt khó khăn mà cũng lãng mạn, đáng nhớ. Tuổi trẻ của tôi cũng vậy. 17 năm ở Nga, tôi đã sống hết mình, đã học hỏi, sai lầm, vấp ngã, đứng lên, yêu đương, lao động, học tập và trưởng thành và trở thành tôi như bây giờ. Với tôi, đó là quãng đời hạnh phúc, khiến sau này tôi có thể rung động, nhớ nhung với bất kỳ một nhắc nhớ bé nhỏ nào về thời gian ấy như một mùi hương hoa tháng Năm, hình ảnh thoáng qua trên phim về một đoạn đường quốc lộ quanh co chạy qua thành phố tỉnh lẻ – ống kính lia qua những căn nhà gỗ bên đường, những ông bà già ngồi trên ghế băng dài trước cổng, đưa mắt nhìn theo xe…

Chị học chuyên ngành gì và trường gì tại Nga thưa chị? Vì sao chị chọn cho mình con đường “Giáo dục”?

– Tôi không lựa chọn mà số phận đã lựa chọn cho tôi. Những năm loạn lạc ấy, khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều điều được sắp xếp lại nhờ số phận. Tôi nghĩ, tôi cũng có chút năng khiếu sư phạm, đã từng tổ chức sinh hoạt nhóm cho các em nhỏ ở khu tập thể từ hồi còn bé; từng nhận dạy thêm, dạy kèm thời học cấp III. Đây như một cái duyên theo tôi suốt quãng đường dài, còn chuyên ngành hẹp mà tôi nghiên cứu là phương pháp sư phạm. Luận văn tiến sĩ của tôi bàn về phương pháp dạy đọc hiểu thơ ca tiếng nước ngoài trong môi trường phi ngôn ngữ, trên nền ví dụ về thơ Nga đối với người học Việt Nam.

Sống 17 năm tại Nga, điều gì khiến chị trở về Việt Nam? Khi trở về Việt Nam, chị có bị sốc văn hóa không?

– Với 17 năm ở Nga, tôi đã quá quen với cuộc sống bên đó, cũng đã từng không muốn thay đổi gì nữa. Nhưng mỗi cuộc ra đi và trở về đôi khi có những lý do bí ẩn nào đó, và tôi hay nghĩ, đó là số phận. Việt Nam thân thương, nơi có các bà mẹ của chúng tôi, những người thân của gia đình tôi – tiếng gọi ấy cũng đầy sức nặng.

Khi trở về Việt Nam, nếu hỏi có sốc không, thật sự, sốc văn hoá thì có, như một sự tất yếu của việc thay đổi môi trường sống và không gian làm việc, học tập – giờ nhìn lại, tôi cũng không mấy ngạc nhiên. Nhưng có lẽ, người chịu áp lực nặng hơn là con trai của chúng tôi, lúc bấy giờ 6 tuổi, tuổi đến trường. Nghĩ lại, tôi vẫn rất thương cậu bé ngày ấy: hồ hởi, thấy háo hức với tất thảy mọi điều, sẵn sàng chia sẻ với mọi người xung quanh… Thậm chí, đi trên đường thoáng thấy bóng một bạn mới quen ở lớp 1, cậu bé còn giục mẹ: “Mẹ ơi, quay xe lại để con chào bạn lớp 1C”. Nhưng cũng cậu bé ấy, chỉ sau vài buổi học đã đẫm nước mắt mà xin mẹ cho ở nhà, rồi sau khi được mẹ động viên thì đeo ba-lô lên và nói với bà: “Cháu đi học đây. Cháu đã dũng cảm rồi bà ạ!”. Khi nhớ lại cảnh ấy, đến giờ tôi vẫn trào nước mắt. Thương, xót. Đi học mà cũng phải cần sự dũng cảm!

Thật ra, về sau, tôi hiểu rằng, cái mà năm ấy cô giáo của con tôi còn thiếu – đó là phương pháp. Phương pháp sư phạm, phương pháp tiếp cận đứa trẻ. Khi không có phương pháp, mọi sự sẽ trở nên gánh nặng, nhất là trong giáo dục.

Vậy là cô giáo của cậu bé thiếu cái mà chị “dư thừa”, ngẫm cũng bi hài nhỉ. Chị và gia đình đã tìm cách hòa nhập thế nào?

– Quá trình “hòa nhập” của tôi diễn ra với nhiều bài học nhỏ – những bài học ban đầu khiến tôi rối tung, thậm chí muốn từ bỏ tất cả để quay trở lại Nga. Mất mát cũng nhiều, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng giờ có lẽ tôi lại phải cảm ơn những bài học ấy – đặc biệt là bài học về lòng tin trong giao tiếp giữa người và người, bài học về sự cam kết, về cách chia sẻ, về ý thức tự bảo vệ mình, về việc phân biệt giữa khái niệm “cống hiến” và … “bị lợi dụng”… Tất thảy đều khiến tôi lớn lên, vững vàng hơn, có thể đứng dậy sau những thất bại, đồng thời cũng có cái nhìn độ lượng hơn với những gì từng xảy ra với mình, độ lượng hơn với người gây cho mình những tổn thương và với cả những sai lầm mình từng phạm phải nữa.

Ảnh: CLB Đọc sách cùng con

THAY ĐỔI TƯ DUY BỐ MẸ TRƯỚC

Và điều gì khiến cho CLB Đọc sách cùng con ra đời?

– Thật ra, khi CLB của chúng tôi ra đời năm 2010, chưa có nhiều CLB đọc sách gia đình như vậy. Cái tên “Câu lạc bộ Đọc sách cùng con” cũng là một sự cân nhắc và là thông điệp của chúng tôi: nhấn mạnh sự “cùng con” – sự đồng hành của bố mẹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình mà ở thời điểm bấy giờ đang có chiều hướng lơi lỏng. Trẻ học được nhiều giá trị sống và rèn luyện được nhiều kỹ năng sống nhất là quá trình chia sẻ, cùng đọc, cùng chơi, cùng làm việc nhà, cùng đi trải nghiệm… với bố mẹ mình. Không lớp học, trường học, nhà sư phạm nào ảnh hưởng đến con mạnh mẽ bằng gia đình… Thế nên, phải thay đổi tư duy của chính bố mẹ trước đã.

Sau này, khi Thủ tướng chính phủ ra quyết định về Ngày sách Việt Nam, rồi phong trào đọc sách được dấy lên như một chủ trương thì mới bắt đầu có nhiều CLB đọc sách tương tự. Ngay chính CLB chúng tôi cũng đi chia sẻ phương pháp, quy trình vận hành cho rất nhiều các CLB của thôn bản, trường học ở các địa phương theo những chương trình phát triển giáo dục của các tổ chức phi chính phủ.

Và đó chính là sự khác biệt của chúng tôi: đối tượng chúng tôi hướng tới là… người lớn, dù chúng tôi tổ chức hoạt động cho trẻ em. Tôi coi những gì chúng tôi làm ở CLB của mình là sự chia sẻ, là hình ảnh hiện thực để các bố mẹ, các CLB nho nhỏ đâu đó có thể học và áp dụng. Rất nhiều các bậc cha mẹ và những người làm giáo dục, những người cổ xúy cho việc đọc sách, tự học của trẻ phản hồi rằng, họ đã theo dõi trang web và fan page của chúng tôi thường xuyên để thực hiện theo và thực hiện cùng. Chẳng hạn, năm 2012, khi tôi đi tập huấn về phương pháp dạy Sống xanh ở Hội An – một buổi chiều,chúng tôi cùng bác chuyên gia giáo dục Ucraina có ghé vào một shop bán quần áo ở Hội An. Bà chủ cửa hiệu, một phụ nữ trẻ, đẹp rất niềm nở tiếp chúng tôi, chốc chốc lại chạy ra chạy vào một căn phòng… Tối hôm đó, tôi nhận được lá thư qua e-mail của CLB Đọc sách cùng con của cô ấy. Hóa ra, chính thời điểm giao tiếp với chúng tôi, cô đang đọc trang web của CLB. Và cô đã… chạy ra chạy vào để so sánh hình ảnh người trong mạng với người ngoài đời, rồi đến tối mới dám chắc đó là… một và viết thư cho tôi. Sau này, chính cô đã gây dựng một CLB của các bà mẹ cũng như không gian đọc ở Hội An rất thành công. Nhiều câu chuyện tương tự như vậy diễn ra ở các tỉnh thành khác khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc, và thấy rằng, mong muốn ban đầu của mình đã có nhiều người thấu hiểu, đồng cảm và thực hiện được. Kỷ niệm vì thế càng nhiều, đầy lên theo năm tháng.

Những ngày tháng covid này, CLB của chị còn duy trì không, và chúng hoạt động như thế nào?

– Tôi cũng không che giấu việc thực sự tôi rất lo lắng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thì CLB không khỏi đối mặt với những khó khăn về tài chính. Kể cả khi làm việc online thì vẫn cần kinh phí. Tuy nhiên, không hiểu sao, tôi vẫn có niềm tin rằng sự kiên nhẫn, bền bỉ sẽ giúp chúng tôi tìm ra con đường đi phù hợp với tình hình mới.

Những ngày tháng Covid là thử thách lớn đối với chúng tôi. Từ năm ngoái, dự án “Sách ru” đã khởi động ngay từ tuần đầu tiên giãn cách: các cô giáo của CLB vào vai các phù thủy trong tuần (Từ phù thủy Thứ Hai đến phù thủy Chủ nhật), đọc, kể chuyện và tương tác với các bé qua kênh youtube vào 9 giờ tối hằng ngày. Sau đó, chúng tôi duy trì các buổi chia sẻ ấy 3 tối một tuần đều đặn. Hiện nay đã được gần 240 số phát sóng. Năm nay, từ 1/6 tới, chúng tôi tổ chức khóa Sinh hoạt Hè online với mong muốn trở thành những “thủ lĩnh mùa Hè” – hướng dẫn các bạn nhỏ, các bạn trẻ quan sát cuộc sống, trải nghiệm những gì mùa Hè đang mang đến cho mình, cho gia đình mình, sử dụng quỹ thời gian hợp lý vào các trò chơi, nhiệm vụ, bài học xen kẽ tĩnh-động, để mùa Hè-co-vid không chỉ trôi qua trong bốn bức tường bí bách hay với cuộc sống ảo trên mạng. Cho dù là hoạt động online, nhưng vẫn đầy ắp hương vị cuộc sống.

Ở nhà, chị đã dạy con thế nào trong việc dung hòa giữa điện thoại và sách?

– Nếu một đứa trẻ có kỹ năng đọc sách giấy, điều này sẽ hỗ trợ cho chúng rèn luyện khả năng tập trung tốt hơn rất nhiều. Chẳng hạn, đứa trẻ click chuột, theo dõi nội dung, click tiếp vào một từ khóa mới –việc tiếp nhận kiến thức và các thao tác tư duy trở nên nông hơn. Với sách giấy, tốc độ đọc và tương tác với trang sách chậm hơn, bàn tay chạm vào tờ giấy, mùi hương của mực, cảm xúc nhất thời có thể được lưu lại lâu hơn. Đó là chưa kể nếu chúng ta hướng dẫn được các em đọc và có thói quen ghi chép, đánh dấu, dừng lại nghĩ ngợi, chia sẻ, so sánh, liên tưởng… Các thao tác tư duy trong một tốc độ bình tĩnh hơn như thế sẽ hỗ trợ cho việc trẻ khai thác thông tin trên mạng có ý thức, có chủ đích hơn, và vì thế mà tiếp cận được thông tin sâu, biết cách đánh giá đúng sai, nên tin hay không tin, nên xử lý thông tin thế nào… Đọc sách cũng là tự học mà.

Để cảm thấy sách giấy có được sự “cạnh tranh lành mạnh” với các thiết bị công nghệ ngày càng phát triển hấp dẫn, phương án của tôi chỉ là:

– Gia đình hỗ trợ con hình thành thói quen nhìn thấy, “giao tiếp” với không gian sách và đọc cùng con từ khi còn rất nhỏ.

– Tạo niềm vui, động lực đến với sách qua nhiều hoạt động nho nhỏ, khuyến khích con giao lưu với cộng đồng đọc sách của con: Ngày nhỏ là bố mẹ, ông bà; lớn hơn là anh chị em họ và bạn bè thân thiết. Hỗ trợ việc này là các hoạt động liên quan đến nghệ thuật (vẽ, đàn, nhảy múa, diễn kịch…) và các buổi đọc sách chung có phương pháp tương tác, khơi gợi các thao tác tư duy của trẻ.

Tôi tin rằng, thói quen và kỹ năng được thấm từ nhỏ sẽ trở lại và các con sẽ tự điều chỉnh được sao cho cân đối giữa thú vui đọc sách và thú vui công nghệ khi đọc sách trở thành nhu cầu tự thân. Chỉ mong, chương trình học và thi ở nhà trường được giảm tải thật sự để trẻ em có nhiều thời gian đến với sách, nhiều thời gian tự học hơn.

Chị còn sáng tác truyện cho trẻ em, đó là những bộ sách gì và chúng có tiêu chí, nội dung gì để hấp dẫn trẻ thưa chị?

– Tôi viết nhiều sách cho trẻ, trong đó có những cuốn sách chia sẻ với bố mẹ cách trả lời những câu hỏi “Tại sao?” của trẻ. Người lớn không nên né tránh bất kỳ đề tài nào trẻ muốn thảo luận. Ta có thể kể một câu chuyện hoặc dẫn dắt bằng những câu hỏi, những gợi ý quan sát thế giới, những câu hỏi khiến trẻ phải tiếp tục suy nghĩ. Điều quan trọng hơn cả mà trẻ cần là sự chia sẻ, tâm tình, cảm xúc ấm áp trong quá trình trò chuyện, những kiến thức khoa học và một chút tưởng tượng bay bổng.

Tuy nhiên, sau tất cả, tôi cảm thấy, thơ tôi viết cho trẻ em độ tuổi tiền tiểu học và tiểu học được các em đón nhận thật nhiệt tình. Trẻ em vốn dĩ sinh ra đã có thơ, có nhạc, có nhịp điệu trong mọi hoạt động sống của mình. Bởi thế cho nên các em rất gần gũi với đồng dao, nói ngân nga cũng đã thành thơ, chơi cũng chơi trên nền nhịp điệu của riêng mình. Thơ của tôi, các em dễ thuộc, thấy gần gũi, có lẽ vì tôi cũng thích viết theo nhịp đồng dao. Ngoài ra, mỗi bài thơ là một nụ cười. Chất hài hước vu vơ tự nhiên của trẻ em, tôi đã gắng học để đưa vào thơ. Khi đứa trẻ đọc thơ mà cười khúc khích – tôi nghĩ, mình đã có chút thành công.

Còn việc trở thành người tham gia viết sách, chị đã đóng góp mảng nội dung gì trong bộ sách giáo khoa cho trẻ?

– Với hơn mười năm kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua mảng đọc sách, trải nghiệm thực tế và kiến thức nền về phương pháp sư phạm, tôi tham gia viết sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học. Tôi muốn được chia sẻ triết lý, quan điểm và phương pháp tổ chức hoạt động cho trẻ của cá nhân tôi, đồng thời cũng cụ thể hóa một cách thú vị, sáng tạo các nội dung, yêu cầu cần đạt mà Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra ở mảng hoạt động giáo dục này. Việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực là việc cần thiết, nhưng cần phải có sự đồng bộ thay đổi từ cách dạy, tổ chức việc học, việc trải nghiệm đến phương pháp học, phương pháp tiếp cận kiến thức từ phía học sinh. Tôi cho rằng, để có được từng cuốn sách giáo khoa và bộ sách giáo khoa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, cần phải quyết liệt đổi mới (về phương pháp) nhưng lại cần chậm lại (về tiến độ). Cần thêm thời gian viết, thử nghiệm, tiếp thu kết quả thử nghiệm. Cần thêm thời gian tập huấn giáo viên, đồng hành cùng giáo viên trong quá trình dạy. Cần thêm thời gian truyền thông để các phụ huynh và xã hội thấu hiểu bản chất của phương pháp biên soạn sách giáo khoa mới, từ đó có được thái độ cổ vũ, hỗ trợ, kiên nhẫn hơn với công việc của người viết sách.

Một tiến sĩ về giáo dục và thi thoảng chị cũng không tránh né những vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam. Điều gì hiện nay làm chị phải suy nghĩ nhiều nhất về giáo dục VN?

– Tôi chỉ dám phát biểu từ góc độ một nhà phương pháp học (giáo học pháp): Tôi mong mỗi thầy cô giáo đều được quan tâm đào tạo phương pháp sư phạm, tâm lý học lứa tuổi một cách kỹ lưỡng hơn ngay khi học trong các trường sư phạm và trong quá trình đứng lớp, họ phải thường xuyên được dự các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng sư phạm. Mỗi nhà giáo không chỉ trao cho học sinh kiến thức mà còn là người hướng dẫn phương pháp học và tự học, chia sẻ những tâm tư tình cảm của học trò, hướng dẫn các em cách điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lứa tuổi còn non nớt. Thầy cô có phương pháp tốt thì mới tạo được động lực học ở trò. Và học sinh học không chỉ vì thi cử, vì thành tích mà vì có động lực, có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia trải nghiệm – giáo dục Việt Nam sẽ tránh được căn bệnh hình thức mà giờ đây vẫn còn khá nặng.

Trong thời covid, cả thầy và trò đều đứng trước nhiều thử thách trong việc dạy và học. Đấy cũng lại là câu chuyện của phương pháp. Việc hỗ trợ giáo viên xây dựng bộ công cụ và kỹ năng làm việc online là điều rất cần thiết lúc này. Ngoài ra, một quan điểm quan trọng mà các thầy cô giáo chúng ta cần quán triệt là “quan điểm mở” của việc thiết kế sách giáo khoa, từ đó đề cao sự chủ động của các thầy cô giáo. Với tình hình dịch bệnh và không chỉ dịch bệnh, mà trong tương lai, chúng ta cần quen với việc đặt trách nhiệm và quyền quyết định cao hơn cho mỗi thầy cô: lựa chọn phương án dạy học, nội dung và dạng bài tập của một chủ đề sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của xã hội, của học sinh, của địa phương mình.

Được Forbes bình chọn là một trong số những gương mặt truyền cảm hứng của năm 2021, chị có cảm xúc và suy nghĩ gì?

– Ban đầu, tôi cảm thấy bất ngờ. Sau đó – rất cảm động. Tôi không coi danh hiệu này là một “thành tích” mà đối với tôi, đó là sự công nhận, sự “nhận ra” từ phía xã hội những việc làm nhỏ bé của đội ngũ CLB Đọc sách cùng con chúng tôi. Tôi cảm động hơn khi thấy sự vui mừng, hân hoan của các đồng sự, các cộng tác viên trẻ tuổi, và cả những người luôn đồng hành cùng CLB như mẹ của tôi, gia đình tôi, các thầy cô bạn bè, các nhà văn nhà thơ, nhà sư phạm vẫn sát cánh cùng tôi trong câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc ở bề sâu, bền bỉ, không quá ồn ào, cũng vẫn đầy cảm hứng. Mỗi một con người sống và làm việc được say mê cũng cần có một nguồn cảm hứng nhất định. Tôi rất cảm kích Tạp chí Forbes đã cho tôi tin rằng, những gì chúng tôi làm cũng có thể tạo nguồn cảm hứng cho một ai đó, một đứa trẻ nào đó trong những thời điểm nhất định của cuộc đời họ.

Ảnh: CLB Đọc sách cùng con

YÊU THÌ BÀY TỎ, QUÝ THÌ NỒNG NHIỆT

Dường như ở chị luôn có một vẻ điềm đạm, cố tìm cách hài hòa với cuộc sống, chị có ảnh hưởng gì từ “tính cách Nga”?

– Bản chất con người tôi từ nhỏ là một đứa trẻ nhút nhát, luôn luôn do dự. Cũng vì thế mà tôi ít có cái vẻ xông xáo, quyết liệt. Nền giáo dục và phông văn hóa tôi được chăm sóc từ nhỏ là nền văn hóa Nga: nhân hậu, chậm rãi, bình tĩnh, nghĩ cho người nhiều hơn cho mình, luôn sợ những lời nói gai góc làm tổn thương người khác. Nhưng có lẽ, cũng do ảnh hưởng phần nào ở những người Nga quanh tôi thời tuổi trẻ, tôi nghĩ, trong mọi mối quan hệ, tôi sống chân thành. Yêu thì bày tỏ, quý thì nồng nhiệt, không ưa thì tránh không giao tiếp, không chấp nhận quan hệ xã giao, bằng mặt chứ không bằng lòng.

Còn sự lãng mạn ư? Tôi yêu thơ từ nhỏ. Thế giới thơ ca trong từng thời điểm của cuộc đời tôi đều có ý nghĩa riêng và đều rất quan trọng. Khi còn là một cô bé nhiều mơ mộng, chỉ nhìn cây nhìn lá trong vườn mà cũng nhận được những rung động bé bỏng trong tâm hồn, bí mật viết những vần thơ đầu tiên trong sổ, thơ là một người bạn chia sẻ âm thầm. Cho đến khi sang Nga học, thiên nhiên Nga bốn mùa thay đổi cùng nền văn hóa vĩ đại có lẽ cũng là nguồn nuôi dưỡng cảm xúc lãng mạn trong tôi. Đi qua những mùa trắng xanh vàng đỏ lộng lẫy ấy mà không lãng mạn sao được! Sau này, giữa cuộc sống bộn bề đầy áp lực, sáng tác thơ đối với tôi là một góc bộc lộ mình trong trò chơi ngôn ngữ mang lại niềm an ủi êm ái và cả sức mạnh để vượt qua những khoảnh khắc dường như tuyệt vọng nhất.

Được biết chị còn là dịch giả, chị thường dịch những tác giả, tác phẩm như thế nào? 

– Tôi dịch văn học Nga – cả kinh điển lẫn đương đại. Tuy có một số thành tựu nhất định (Giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Hà Nội năm 2011 và Hội nhà văn Nga 2018), nhưng hành trang dịch thuật của tôi còn mỏng lắm. Đây cũng là một trong những nỗi đau đáu của tôi: tôi rất yêu thích công việc này nhưng thời gian để dành cho dịch thuật bị “giằng xé day dứt” với những công việc khác. Tôi thích thơ (như đã kể) và vì thế, cũng yêu thích dịch thơ. Đối với tôi, thơ ca mới là nơi chứa đựng tâm hồn của một dân tộc. Dịch thơ, tôi có cơ hội giải mã những bí ẩn của tâm hồn dân tộc ấy – những đỉnh cao của vinh quang, hạnh phúc tột cùng và nỗi thống khổ không che đậy, giấu diếm được.

Một chút về gia đình – những người yêu thương của chị? Ai là có ảnh hưởng lớn nhất với chị?

– Người có ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, từ khi tôi mới được tượng hình trong bụng mẹ, cho đến bây giờ, là bố tôi, dù bố tôi đã ra đi gần 30 năm rồi. Những cuốn sách bố ghi tên tôi từ khi tôi chưa ra đời, những câu chuyện bố kể cho chúng tôi mỗi lần có dịp ở nhà (bố là quân nhân, liên miên xa nhà), những dịp bố đưa tôi đi xem kịch, hay những lá thư gửi về từ xa xôi – tất cả hẳn đều góp phần làm nên con người tôi như bây giờ. Viết sách cho các bạn nhỏ, tôi ký tên “Bố Tấn”, vì tôi luôn muốn đoán xem, bố sẽ nói gì với đứa con bé bỏng về điều này.

Thứ tự do mà chị cảm nhận được trong cuộc đời mình, đó là những giây phút thế nào?

– Đó là những phút giây khi tôi đứng trên bục giảng, khi tôi trò chuyện với các bạn trẻ, khi tôi điều hành một hoạt động ở trại hè EcoCamp (một trại hè thiếu nhi thường niên của chúng tôi) – đó là những khoảnh khắc tôi cảm nhận được về tự do rõ ràng, sâu sắc nhất. Tôi thể – hiện – mình – thật – nhất có thể trước cái nhìn trong veo của bọn trẻ. Cũng chính vì thế mà, ở những thời điểm đó, tôi cảm thấy mình vừa mạnh mẽ, vừa hạnh phúc.

Cảm xúc xúc động nhất trong cuộc sống của chị?

– Thật khó để lựa chọn cảm xúc nào mạnh mẽ nhất trong cuộc sống mình. Lúc này, tôi nhớ đến khoảnh khắc lần đầu được ôm con trai vào lòng, cách đây 18 năm. Và sau đó là một lần khác là khi tôi cảm nhận được bàn tay nó cầm tay tôi – đã không còn là một đứa trẻ. Ở lần đầu tiên, tôi khóc vì hạnh phúc làm mẹ quả thực quá lớn lao. Lần sau đó, tôi cũng mất ngủ cả đêm để nức nở vì một cảm xúc kỳ lạ: vừa hạnh phúc, vừa hẫng hụt, trống trải, có đôi chút mất mát…

Chị có cảm thấy hài lòng với những gì mình làm hay không? Ước mơ của chị là gì? Kế hoạch sắp tới của chị?

– Như một đứa trẻ, tôi luôn có nhiều mơ ước. Trong những năm qua, tôi hài lòng vì mình đã có những lựa chọn đúng con đường để thực hiện một trong những ước mơ của tôi: gần gũi với tuổi thơ và chia sẻ với những người lớn các vấn đề về phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng hài lòng với những gì mình làm. Tôi cũng có nhiều quyết định sai lầm, ứng xử cảm tính, có những điều muốn sửa lại mà không còn kịp nữa. Nhưng cuộc sống là như vậy. Ta chỉ có thể nhìn về phía trước, bù đắp những lỗi sai bằng sự cố gắng nhiều hơn mà thôi.

Nhân nói về ước mơ, tôi muốn nhắc đến một việc tôi cùng team của mình đang làm trong gần 10 năm nay để thực hiện một ước mơ tuổi nhỏ: tổ chức trại hè thường niên cho trẻ em Việt Nam. Năm tôi 14 tuổi, sau khi trở về từ trại hè thiếu nhi quốc tế Artek (Liên Xô), tôi thường tưởng tượng ra một trại hè như vậy ở Việt Nam với những hoạt động được thiết kế phù hợp cho trẻ em Việt Nam. Bây giờ thì tôi vẫn cứ tiếp tục mơ: ước sao nhà nước ta xây dựng được những trại hè thiếu nhi – những thế giới dành riêng cho trẻ em, nơi lần lượt các học sinh của Việt Nam đều được trải qua những ngày hè tươi đẹp, phong phú, nhiều hoạt động thú vị, đáng yêu, nơi các em đón nhận kỷ niệm và xây dựng ước mơ nho nhỏ và hoài bão lớn lao cho cuộc đời mình.

Chân thành cảm ơn chị.

About Chang Che It

Scroll To Top