Home / Tin Tức / Tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm”

Tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm”

Sáng ngày 23/9/2016, tại Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Trung tâm đã tổ chức buổi tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm”, giới thiệu bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc mà những người làm sách Kim Đồng đã dày công chăm chút, tái bản. Đến dự buổi tọa đàm có ông Shustov Vladimir, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam và các cán bộ Đại sứ quán, bà Safinskaya Natalia, quyền giám đốc Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng và nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà báo và bạn đọc quan tâm đến văn học Nga nói chung và văn học thiếu nhi Nga-Xô Viết nói riêng. Tọa đàm đã được nghe ý kiến của các diễn giả: PGS TS Đào Tuấn Ảnh, dịch giả Thúy Toàn, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, dịch giả Ngô Tự Lập, PGS TS Phạm Gia Lâm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà văn Trần Thiên Hương. Nói theo cách nói của dịch giả Nguyễn Thụy Anh, người dẫn dắt buổi tọa đàm, thì đây không phải buổi tọa đàm khoa học mà là buổi gặp gỡ của cảm xúc và những ký ức chung. Hầu hết những người có mặt đều tỏ ra hân hoan với “sự trở lại ấm áp” những tác phẩm đã đồng hành với họ theo năm tháng trưởng thành. Các ý kiến đều đồng thuận về tính nhân văn, những giá trị mang tầm nhân loại đã làm nên sức sống cho các tác phẩm, cho dù thời gian qua đi. Tuy vậy, khi những giây phút đầy cảm xúc lắng lại thì các diễn giả cũng trao đổi thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức dịch thuật và quảng bá văn học Nga kinh điển, văn học Nga –Xô Viết và văn học Nga đương đại ở Việt Nam.

Dịch giả Thúy Toàn nhấn mạnh sứ mệnh của các dịch giả. Ông đặc biệt nhắc đến và tỏ lòng tri ân những dịch giả lớp trước như Trần Khuyến, Cẩm Tiêu, Nguyễn Thụy Ứng, Trần Cao Thụy, Phan Hồng Giang, Vũ Quỳnh, Nguyễn Mạnh Hùng…, đồng thời tỏ ý lo ngại khi các dịch giả mỗi ngày một vắng thiếu mà đội ngũ kế cận thì quá hiếm. PGS TS Đào Tuấn Ảnh cũng chia sẻ nỗi lo ngại này với dịch giả Thúy Toàn. Theo bà, bộ sách mà nhà xuất bản Kim Đồng đã ấn hành trong những năm gần đây đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người đọc nhỏ tuổi hiện đại – đó là đẹp cả về hình thức, bìa rất bắt mắt. Tuy nhiên, bà cũng đặt câu hỏi: liệu những cuốn sách này có còn lôi cuốn được các em hay không, liệu có thể “thắng lợi” trong “trận chiến” giành giật lại trẻ em chúng ta từ những iPad, iPhone và thế giới công nghệ đang trở thành đặc trưng văn hóa của thời đại? Nên chăng, bên cạnh những tác phẩm kinh điển của nền văn học Nga và Xô Viết, chúng ta bắt đầu phát hiện và tổ chức giới thiệu cả các tác giả đương đại nữa, vì mỗi thời đại một cách viết, cách cảm riêng, sẽ đến lúc không thể cứ “ăn theo quá khứ” nữa. Các diễn giả- dịch giả đều hưởng ứng đề xuất này của PGS TS Đào Tuấn Ảnh, và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với những người làm sách trong tương lai. Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi đồng tình với ý kiến này, nhưng cũng một lần nữa khẳng định sự tin tưởng vào giá trị trường tồn của nền văn học thiếu nhi Nga và Xô Viết, rằng đây là “một kho vàng mười” có thể giúp các cô bé cậu bé nước ta biết sống thẳng ngay, biết đường thương yêu, biết đường căm ghét, biết vươn tới những lý tưởng nhân văn cao cả mà thế hệ người đọc đi trước đã học được. Ông nói: “Tôi thiết nghĩ, lần này NXB Kim Đồng đã có cuộc tọa đàm mang tựa đề rất hay và ngầm hứa hẹn với bạn đọc nhỏ tuổi nước nhà rằng “còn mãi những cánh buồm đỏ thắm”! Có nghĩa là, họ gánh lấy trách nhiệm sẽ mãi chăm lo để kho sách vàng của văn học Việt Nam, văn học Nga, cũng như văn học thế giới sẽ được đến với con trẻ hôm nay và mãi mãi mai sau.”

Tiếp lời dịch giả Vũ Thế Khôi, PGS TS Phạm Gia Lâm cũng đánh giá cao sự hấp dẫn của bộ sách mà NXB Kim Đồng đã tuyển chọn, lại mang tính giáo dục cao, theo quan điểm “một nền văn học lớn hơn văn học” ở khía cạnh tích cực của khái niệm này. Nhà văn Trần Quốc Toàn đồng tình với ý kiến đó, cho rằng, ông đã tìm thấy những giá trị nhân loại trong các tác phẩm của văn học Nga ngay từ khi còn là bạn đọc trẻ tuổi. Nhiều khái niệm nằm trong phạm trù “vẻ đẹp nhân loại” lần đầu đến với ông cũng thông qua những câu chuyện của Paustovski… và thậm chí, trên cơ sở các nhân vật của nhà văn Nga, các nhà văn Việt Nam cũng có thể sáng tạo ra một nhân vật tương đồng phục vụ cho thế giới thẩm mỹ riêng của mình. Nhà văn Trần Thiên Hương, TS Ngô Tự Lập cùng nhấn mạnh sự quan trọng của truyền thông trong việc đưa các giá trị Nga đến với bạn đọc Việt Nam. TS Ngô Tự Lập cho rằng, người Nga chưa thật sự năng động trong việc thúc đẩy quảng bá văn hóa văn học của chính mình tại Việt Nam khiến người ta chưa cảm nhận được sự hiện diện của họ ở đây. Ông kêu gọi các Quỹ, các tổ chức văn hóa Nga và Việt Nam quan tâm hơn đến các tác phẩm, tác giả Nga hiện đại hoặc kinh điển nhưng khó đọc, khó dịch hoặc chưa được biết đến nhiều.

Buổi tọa đàm kết thúc với ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và dịch giả Thụy Anh, rằng nền văn học Nga với đặc điểm đặc trưng của mình là dẫn dắt cảm xúc, tạo sự rung động ở độc giả, chắc chắn sẽ mãi còn ở lại. Nói theo cách nói của nhà thơ Bằng Việt, thì dù thời thế có thay đổi, “anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện Tuyết”. Cảm xúc trong trẻo, rung động mạnh mẽ khi đến với các trang viết của nhà văn – ở thời nào cũng tươi mới như nhau.

Trong buổi tọa đàm, cùng với ý kiến chia sẻ của một phụ huynh – chị Thanh Bình, một người hâm mộ văn học Nga và lo lắng về văn hóa đọc của con trẻ, những người tham dự tọa đàm đã theo dõi một clip ngắn do CLB Đọc sách cùng con gửi đến, trình bày một phương pháp tiếp cận bạn đọc thế hệ mới. Ở đó, những tác phẩm văn học Nga và văn học Xô Viết đã được các cô giáo đưa đến với các em thông qua những buổi đọc sách chung nho nhỏ của cộng đồng đọc sách ở câu lạc bộ. Hầu hết các em đều thể hiện sự thích thú và quan tâm. Theo TS Nguyễn Thụy Anh thì việc đưa các giá trị nhân văn của văn học Nga đến với trẻ em Việt Nam là việc chung của cả NXB, những người làm sách, các thày cô và cả các phụ huynh nữa. Có thể nói, NXB Kim Đồng sẽ không đơn độc trong “trận chiến” đáng yêu mà cũng đầy cam go này.

Nhóm phóng viên CLB Đọc sách cùng con.

About DuongMy

Scroll To Top