Home / EcoCamp / Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa

Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa

Quần đảo Trường Sa của đất nước chúng ta ở rất xa đất liền, là miền biển đảo đầy giông bão, nơi mà không phải ai cũng có thể đặt chân tới được, nhất là đối với các em nhỏ. Vậy, khi nhắc đến Trường Sa, các em nghĩ gì, nói gì? Đó chính là điều thú vị trong buổi giao lưu của các em nhỏ trại hè EcoCamp 2013 với nhà văn Xuân Thủy – người đã mang Trường Sa về với các em bằng những trang sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”.

Các em Huy Quân, Mỹ Hạnh, Hà An chụp ảnh lưu niệm cùng với nhà văn Xuân Thủy và nhà văn Phong Điệp

Trường Sa trong hình dung của các em

Chưa đặt chân đến Trường Sa – nhưng vẫn nghĩ về Trường Sa, hẳn trong tiềm thức của các em đã có một Trường Sa sống động qua những bài học, những câu chuyện kể, những cuốn sách mà các em đọc được. Bởi vậy, khi nhắc đến hình dung về Trường Sa, hàng loạt cánh tay đã giơ lên với những câu trả lời phong phú. Trường Sa ở xa tít ngoài biển, là nơi có những cánh chim hải âu, có núi, có san hô, có hải đăng, có tàu thuyền, và có… hải sản… Nhắc đến Trường Sa còn là nhắc đến tổ quốc, là Việt Nam, là hòa bình, là chủ quyền, là… đất. Nghĩ về Trường Sa còn là nghĩ về các chú bộ đội, nghĩ về các bạn nhỏ ở ngoài đó, vất vả và thiệt thòi hơn chúng ta rất nhiều. Hành trình đi Trường Sa vất vả lắm, phải ra bến tàu, phải lênh đênh rất nhiều ngày trên biển, có thể bị say sóng, bị nguy hiểm… Cuộc sống ở Trường Sa lại thiếu thốn và khó khăn, thậm chí còn không có ô tô để đi lại. Hình dung được những điều đó, nhưng khi được hỏi có muốn ra thăm Trường Sa hay không, thì tất cả các em đều rộn ràng giơ tay, nói có.

Chuyện ở Trường Sa

Sau khi lắng nghe, nhà văn Xuân Thủy đã nói cho các em nghe lần lượt về Trường Sa bằng chính những hình dung của các em; rằng Trường Sa đúng là nơi có rất nhiều san hô, loại động vật đặc biệt có nhiều màu sắc. Và khi san hô chết đi, chúng đã hóa thành đất, thành cát thủy tinh, thành những hòn đảo của chúng ta.Khi được hỏi tại sao ở Trường Sa cần có hải đăng, bạn Đình Duy đã trả lời rất chính xác rằng, hải đăng là để điều khiển cho tàu đi đúng hướng. Còn khi được hỏi về tàu thuyền, các bạn nam hầu hết cho rằng tàu thuyền ở Trường Sa dùng để chiến đấu, tuần tra, thám hiểm; các bạn nữ thì nhẹ nhàng hơn, cho rằng tàu thuyền là để di chuyển, đánh bắt cá phục vụ đời sống của cư dân Trường Sa. Từ đây, những câu chuyện về cuộc sống của cư dân Trường Sa cũng được nhà văn Xuân Thủy – người từng sống và đóng quân ở Trường Sa – chia sẻ cùng các bạn nhỏ. Đó là câu chuyện về những chú bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, câu chuyện về trường học, câu chuyện về những chú cá heo thân thien, những điều kỳ thú mà chỉ riêng ở Trường Sa mới có.

Yêu mến Trường Sa từng những hình ảnh đẹp

Không cần phải khoa trương, không cần phải truyền giảng một cách cứng nhắc về tình yêu tổ quốc, chủ quyền, hòa bình biển đảo… buổi trò chuyện giản dị đã gieo vào trái tim các em nhỏ một tình cảm yêu mến Trường Sa bằng những hình ảnh đẹp, gần gũi và dễ hiểu, hấp dẫn. Hoa bàng vuông ở Trường Sa rất đẹp, và từ trong giông bão còn có cả hoa bão táp, cây phong ba… đúng như tên gọi của thiên nhiên nơi đây. Nhà văn Xuân Thủy đã làm được một điều rất kỳ diệu: dẫn các em vào cuộc thám hiểm, khám phá Trường Sa đầy thú vị.

Vân Anh

Bé Nhật Linh vừa đứng vừa giơ tay

Các bạn đang “chụm đầu” để đếm xem có bao nhiêu khái niệm khi nhắc đến Trường Sa

About admin2

Scroll To Top